03/05/2012 09:43 GMT+7

Ngụy tạo "lý lịch" tranh

TRẦN ĐỨC TÀI
TRẦN ĐỨC TÀI

TT - Bán tranh giả qua con đường chợ trời không thể nào trang trải đủ cho nhu cầu xa hoa của Wolfgang Beltracchi.

Kỳ 1: Bom nổ chậm treo trên tường Kỳ 2: Nhà đấu giá Christie’s cũng bị lừa!

rfrb6yWn.jpgPhóng to
Hai vợ chồng Beltracchi và Helene giả mạo những bức ảnh gia đình làm tài liệu chứng thực cho những bức tranh giả. Trong bức ảnh này, Helene đóng giả bà nội của mình. Hậu cảnh là những bức tranh giả - Ảnh tư liệu

Chỉ có bán tranh cho các bảo tàng, nhà sưu tập cá nhân và các hãng đấu giá quốc tế mới giàu nhanh. Muốn vậy, Beltracchi phải ngụy tạo cho tranh giả của mình một nguồn gốc đáng tin cậy.

Hai bộ sưu tập đáng ngờ

Trong những năm 1980, Beltracchi và người bạn Otto S. K. làm trong ngành quảng cáo ở Cologne dựng lên một bộ sưu tập tranh hiếm để tạo tính xác thực cho những bức tranh giả. Trong phiên tòa tháng 10 vừa qua, Otto bị kết án 5 năm tù. Otto có ông ngoại tên Knops là thợ may ở Krefeld. Otto bịa rằng ông ngoại khi qua đời đã để lại cho cháu một bộ sưu tập tranh lớn. Knops đã mua các tác phẩm này trong những năm 1920 từ những nhà buôn tranh tên tuổi có thật như Alfred Flechtheim và đã giấu kín bộ sưu tập này suốt thời kỳ Quốc xã. Beltracchi cứ việc vẽ, còn Otto đảm trách việc kinh doanh. Với bộ sưu tập “ma” này, Otto bắt đầu chủ động liên lạc với các chuyên gia thẩm định tranh.

“Bộ sưu tập Knops” gồm nhiều bức tranh được cho là thất lạc của danh họa siêu thực Đức Max Ernst. Otto liên hệ với một chuyên gia về tranh Max Ernst là nhà sử học mỹ thuật Werner Spies - nguyên giám đốc Bảo tàng mỹ thuật hiện đại Pompidou, Paris. Spies đã chứng nhận bảy bức tranh Max Ernst giả của Beltracchi là tranh thật. Những bức tranh đó không mang ra bán đấu giá mà bán cho các nhà sưu tập tư nhân nhờ các chứng thực của Spies với tổng trị giá lên tới 7,2 triệu USD.

Trước khi gặp bậc thầy vẽ tranh giả này, Helene từng học ngành kinh tế rồi tham gia thế giới kinh doanh đồ cổ ở Cologne. Hai vợ chồng bịa ra “bộ sưu tập Jager”. Câu chuyện cũng giống như “bộ sưu tập Knops”. Werner Jager là một thương gia có thật ở Cologne và chính là ông nội của Helene. Beltracchi bịa rằng Jager đã mua của Alfred Flechtheim và các gallery khác nhiều bức tranh của các danh họa ấn tượng trong những năm 1920.

Alfred Flechtheim ở Dusseldorf là một trong những nhà buôn tranh quan trọng nhất của Đức sau Thế chiến 1. Là người Do Thái, Dusseldorf chuyển sang Paris để trốn tránh Quốc xã năm 1933 và sau đó mất ở London năm 1937. Phần lớn bộ sưu tập của ông đã thất lạc cho tới ngày nay và các tài liệu chứng từ trong gallery của ông vẫn chưa được tìm thấy. Đó chính là “vùng trắng” để Beltracchi sáng tác những bức tranh giả theo đúng phong cách của các nhà danh họa mà tranh của họ đang tăng giá trên thị trường vì hiếm.

Những tác phẩm “mới được phát hiện”

Không có đối tượng liên quan nào dường như có chút hồ nghi về tính xác thực, mặc dù thông qua họ nhiều tranh giả của Beltracchi được đưa ra thị trường mỹ thuật. Trong số này có cả Henrik Hanstein, giám đốc Hãng buôn tranh Kunsthaus Lempertz, người đã mua một số bức của Beltracchi.

Đảm trách chuyện kinh doanh, Helene lần đầu tiên tiếp xúc với nhà Lempertz vào năm 1995 để giới thiệu “bộ sưu tập Jager” thừa kế từ ông nội và đề nghị bán đấu giá một bức tranh của Hans Purrmann - họa sĩ này vừa là học trò vừa là bạn của danh họa Pháp Matisse. Nhưng một chuyên gia về Purrmann hoài nghi tính xác thực của bức Phong cảnh miền nam này nên nhà Lempertz từ chối chuyện đấu giá.

Ba năm sau, chính nhà Lempertz lại đồng ý đấu giá một bức khác từ “bộ sưu tập Jager” - bức Biển Havre của họa sĩ Pháp Raoul Dufy. Đó lại là một bức tranh thật mà Beltracchi với con mắt tinh tường của mình đã phát hiện và mua được. Sau khi vụ xìcăngđan tranh giả bùng nổ, giám đốc Henrik Hanstein cho biết hai vợ chồng Beltracchi hết sức ranh ma khi bán tranh thật kèm với tranh giả. Người phát ngôn của nhà Lempertz cũng cho rằng họ là “nạn nhân của một trò lừa đảo phi thường”.

Hai bộ sưu tập Knops và Jager của Beltracchi cùng đồng lõa đã khuấy động thị trường mỹ thuật toàn cầu và những tay chơi lớn.Tranh giả của Beltracchi được các gallery danh tiếng ở Paris, Zurich, London, New York, cũng như các nhà buôn tranh uy tín như Kunsthaus Lempertz ở Cologne mua về. Có cả những công ty đáng ngờ ở vùng biển Caribê và Hong Kong cung cấp vốn vay cho các gallery thiếu ngân sách mua tranh. Cả những bảo tàng lớn như MoMA ở New York, Sprengel ở Munich và Fondation de l’Hermitage ở Lausanne cũng trang trọng triển lãm tranh giả. Cuối cùng, những nhà đấu giá quốc tế như Christie’s cũng bán đi nhiều bức tranh với giá kỷ lục cho nhà sưu tập nào có khả năng chi trả.

Tranh giả của Beltracchi có mặt ở nhiều nơi, bao gồm một công ty ở Malta được cho là của các nhà đầu tư Đông Âu, trong bộ sưu tập của doanh nhân Đức Reinhold Wurth và tài tử điện ảnh Mỹ Steve Martin, trong quỹ mỹ thuật do Tập đoàn công nghiệp Hilti tài trợ, trong bộ sưu tập của nguyên chủ báo Paris Match là Daniel Filipacchi, trong nhiều công ty đầu tư của Thuỵ Sĩ, và trong nhiều bộ sưu tập gia đình của nhiều nhà công nghiệp Paris.

Steve Martin vào năm 2004 đã mua bức Phong cảnh với đàn ngựa của Heinrich Campendonk với giá 1 triệu USD. Cái giá được coi là rẻ vào thời ấy. Tất nhiên, đó là tác phẩm giả mạo của Beltracchi.

Giả mạo cả xuất xứ

Bắt đầu năm 2003, khi những bức tranh chưa từng biết đến phát xuất từ “bộ sưu tập Jager” ngày càng xuất hiện đều đặn trên thị trường mỹ thuật, người mua đòi hỏi Beltracchi phải có tài liệu chứng minh. Beltracchi không chỉ vẽ tranh giả mà còn làm giả luôn những ảnh chụp tư liệu để tăng mức xác tín cho tranh của mình.

Những người mua thường yêu cầu Beltracchi xuất trình ảnh chụp gia đình mà trong ảnh có thấy bức tranh. Thế là Beltracchi mua một cái máy ảnh cổ thời 1920 cũng như phim cũ, máy rọi, khay thuốc hiện ảnh. Beltracchi cho biết: “Tôi mua bất cứ thứ gì tìm được ngoài chợ trời. Giấy ảnh xưa là thứ khó tìm nhất”.

Bà vợ Helene thì hóa trang làm bà nội của mình với đủ thứ trang phục và kiểu tóc xưa cho Beltracchi chụp ảnh. Trên tường là bản photocopy của những bức tranh giả. Bản thân các bức tranh không còn nữa vì Beltracchi đã bán hết rồi. Beltracchi thậm chí còn dàn dựng cả một bức ảnh giống như được chụp từ một triển lãm ở gallery của nhà buôn tranh Flechtheim vào năm 1928. Beltracchi nói: “Tôi in lại những bức tranh từ cuộc triển lãm tranh tĩnh vật ấy thành những tấm ảnh trắng đen, đúng bằng kích thước bản gốc, rồi dán chúng vào những khung tranh xưa. Tôi treo những bản in ấy lên và chen vào một bức Léger giả của tôi”.

Helene huy động cả bà chị Jeanette Susanne cùng đi tiếp thị “bộ sưu tập Jager”. Năm 2001, Jeanette giao cho nhà đấu giá Lempertz bức sơn dầu Sông Seine với những chiếc phà chở hàng giả mạo bút pháp của họa sĩ ấn tượng Đức Max Pechstein. Bức này sau đó được bán cho một nhà sưu tập ở Montevideo, Uruguay. Hai năm sau, Jeanette lại đưa ra bán đấu giá một bức khác cũng mạo danh Pechstein - bức Khỏa thân nằm nghiêng với con mèo. Một nhà buôn tranh ở Berne đã lãnh đủ khi mua bức này với giá hơn 600.000 USD.

Bức tranh khỏa thân này đã gây một chấn động trong thế giới mỹ thuật. Rõ ràng là Pechstein trong hồi ký của mình đã mô tả đúng môtíp của bức tranh bị thất lạc. Và trong Bảo tàng Brucke ở Berlin có treo một bức màu nước nhỏ của Pechstein vẽ y hệt môtip này. Không ai có thể ngờ được đó là tranh giả của Beltracchi.

_____________

Tài nghệ vẽ tranh giả của Beltracchi cuối cùng chỉ bằng kiểm nghiệm khoa học mới phát hiện được. Một tuýp sơn dầu ghi nhãn sai sót đã lật tẩy Beltracchi.

Kỳ tới: Lộ tẩy

TRẦN ĐỨC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên