08/08/2021 09:43 GMT+7

Nguy cơ nội chiến kéo dài tại Afghanistan

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Trước khi các lực lượng nước ngoài rút khỏi Afghanistan vào đầu tháng 9-2021, lực lượng Taliban chiếm được thủ phủ tỉnh Nimroz, kiểm soát cửa ngõ biên giới quan trọng bên cạnh những tuyến đường bộ đã giành được trước đó.

Nguy cơ nội chiến kéo dài tại Afghanistan - Ảnh 1.

Lực lượng an ninh Afghanistan kháng cự sự tấn công của Taliban ở tỉnh Herat ngày 1-8 - Ảnh: AFP

Việc chiếm được thành phố Zaranj của Nimroz là cột mốc quan trọng của Taliban khi lực lượng nổi dậy tăng cường đánh chiếm các khu vực với tham vọng giành lại quyền lực từ chính quyền Afghanistan. 

Thừa thắng ở Nimroz, Taliban chiếm được thêm Sheberghan, thủ phủ tỉnh Jawzjan, chỉ trong 24 giờ sau đó. Lực lượng này cũng đã sát hại quan chức truyền thông cấp cao của chính quyền Kabul, dự báo một giai đoạn tàn khốc sắp đến với quốc gia Nam Á.

Chiến thắng biểu tượng

Thành phố Zaranj, nằm gần biên giới Iran, thất thủ chỉ ba giờ sau khi xảy ra giao tranh vì hầu như không còn lực lượng chính phủ ở đây. "Mọi người đang trốn trong nhà vì sợ Taliban" - ông Khair-ul-Nisa Ghami, một thành viên hội đồng tỉnh Nimroz, nói với báo New York Times.

Tờ báo này dẫn lời một số quan chức Afghanistan cho biết chính quyền thành phố đã thỏa thuận với Taliban để tháo chạy trước. Zaranj trước đó kêu gọi chính phủ tăng thêm quân chi viện nhưng đã không được hồi đáp. Theo một quan chức ở Zaranj, lực lượng an ninh tại đây hoặc chạy sang các tỉnh khác hoặc đã đầu hàng.

Taliban sau đó tung các hình ảnh cho thấy các tay súng của họ ngồi trên những chiếc xe quân sự Humvees do Mỹ và các nước NATO cấp cho lực lượng Afghanistan, tuần tra trên đường phố Zaranj.

Sau Zaranj, ngày 7-8, theo Hãng tin AFP, lãnh đạo thành phố Sheberghan, thủ phủ tỉnh Jawzjan, xác nhận Taliban cũng đã chiếm được thành phố này. 

Tại tỉnh láng giềng Helmand, Taliban đã tấn công suốt hơn một tuần qua để chiếm thủ phủ Lashkar Gah. Trong khi tại Herat, thủ phủ tỉnh Herat, giao tranh đang nổ ra ở một góc thành phố.

Tại thủ đô Kabul, các tay súng Taliban đã giết ông Dawa Khan Menapal - giám đốc Trung tâm Thông tin và truyền thông chính phủ (GMIC) của Afghanistan. Đây là vụ tấn công mới nhất của Taliban nhằm vào các quan chức cấp cao Afghanistan để đáp trả các vụ không kích của quân đội chính phủ và làm suy yếu chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani. 

Trước đó, ngày 3-8 lực lượng này cũng liều lĩnh tấn công hòng tiêu diệt Bộ trưởng Quốc phòng Bismillah Mohammadi và một số nghị sĩ Afghanistan, giết chết ít nhất 8 người.

Thay đổi chiến lược

Theo giới quan sát, việc kiểm soát Zaranj là thắng lợi có ý nghĩa với Taliban vì sẽ cổ vũ tinh thần lực lượng này ở nhiều tỉnh khác, chưa kể thành phố này còn có tầm quan trọng chiến lược. 

Nằm gần biên giới Iran, Zaranj và tỉnh Nimroz là cửa ngõ thương mại có thể đem lại nguồn thu thuế quan cho Taliban. Nó cũng đánh dấu sự thay đổi chiến lược của Taliban khi chuyển từ tấn công vùng nông thôn sang các đô thị.

"Bây giờ là một kiểu chiến tranh khác. Tấn công vào các khu vực đô thị là cố ý gây thiệt hại và thương vong cho dân thường. Tuy nhiên, việc đe dọa các vùng đô thị lớn dường như là quyết định chiến lược của Taliban" - đặc phái viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Afghanistan, bà Deborah Lyons, nói ngày 6-8.

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ, bà Lyons cảnh báo cuộc chiến ở Afghanistan đã bước vào "giai đoạn tàn khốc và chết chóc hơn", với hơn 1.000 thường dân thiệt mạng trong tháng 7. Đặc phái viên kêu gọi LHQ và cộng đồng quốc tế khẩn trương ngăn tình hình ở Afghanistan xấu đi.

Tuy nhiên, theo đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia, căn cứ vào tình hình hiện nay cộng với việc rút quân của các lực lượng nước ngoài, viễn cảnh ở Afghanistan không mấy sáng sủa.

"Rõ ràng sẽ không có giải pháp quân sự nào cho tình hình ở Afghanistan, nhưng với quá trình đàm phán không khả quan, viễn cảnh Afghanistan rơi vào nội chiến kéo dài và toàn diện là một thực tế khá rõ ràng" - ông Nebenzia cảnh báo. 

Các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban bắt đầu từ năm ngoái ở Qatar nhưng không đạt được tiến bộ nào.

Trong khi đó, Anh và Mỹ đang thúc đẩy các biện pháp răn đe từ LHQ. Đại sứ Anh Barbara Woodward kêu gọi Hội đồng Bảo an cần thể hiện rõ quan điểm Taliban sẽ phải đối mặt hậu quả nếu tiếp tục gây bạo lực. 

Hội đồng Bảo an có thể trừng phạt các thành viên hoặc tổ chức của Taliban nếu lực lượng này đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh tại Afghanistan.

Mỹ kêu gọi Taliban tham gia tiến trình hòa bình

"Nếu Taliban muốn sự chính thống quốc tế, những hành động này sẽ không giúp có được sự chính thống họ muốn. Họ không cần phải theo quỹ đạo này, họ có thể chọn dành năng lượng cho các tiến trình hòa bình giống như đã dành cho chiến dịch quân sự" - người phát ngôn Jen Psaki của Nhà Trắng, Mỹ, nói ngày 6-8.

Trong các tuần qua, quân đội Mỹ tăng cường không kích tại các căn cứ của Taliban ở nhiều thành phố để hỗ trợ quân Chính phủ Afghanistan. Tuy nhiên, các cuộc không kích đó chỉ có thể làm chậm bước tiến của Taliban mà không đủ thay đổi cục diện. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt thời hạn rút quân khỏi Afghanistan là ngày 31-8.

"Đây mới chỉ là khởi đầu, hãy chờ xem những tỉnh khác sẽ sớm rơi vào tay chúng tôi" - Hãng tin Reuters ngày 6-8 dẫn lời một chỉ huy của Taliban tự tin nói sau chiến thắng ở Zaranj.

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc: Cuộc chiến Afghanistan vào Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc: Cuộc chiến Afghanistan vào 'giai đoạn tàn khốc và chết chóc hơn'

TTO - Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Afghanistan Deborah Lyons ngày 6-8 nói với Hội đồng Bảo an LHQ rằng cuộc chiến ở nước này đã bước vào một "giai đoạn tàn khốc và chết chóc hơn", với hơn 1.000 thường dân thiệt mạng trong tháng 7.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Afghanistan nội chiến