13/01/2021 08:47 GMT+7

Nguy cơ 'nhập COVID-19' từ cảng biển

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Đường biển đang trở thành mối nguy cơ xâm nhập dịch bệnh mới sau đường bộ, đường hàng không. Từ các trường hợp thuyền viên bị nhiễm COVID-19, tình trạng lén lên tàu thăm người thân… đã đặt việc kiểm soát cảng biển trở nên cấp bách.

Nguy cơ nhập COVID-19 từ cảng biển - Ảnh 1.

Kiểm dịch y tế cho tàu Crystal Symphony từ Mỹ - Ảnh: KDCC

Bà con kiều bào có về nước cần đến cửa khẩu trình báo với bộ đội biên phòng để được cách ly theo quy định. Không nên mạo hiểm nhập cảnh trái phép, vừa tốn tiền vừa không an toàn sức khỏe vừa vi phạm pháp luật Việt Nam.

Trung tá LƯU ĐẮC NHANH

Để tránh nguy cơ dịch bệnh xâm nhập Việt Nam, quy định chỉ rõ thuyền viên trên tàu từ nước ngoài nhập cảng không được lên bờ, ngược lại người trên bờ không được tiếp xúc với thuyền viên.

Trong trường hợp cần thiết, công nhân ở bờ có nhu cầu lên tàu phải mặc đồ bảo hộ phòng dịch, không được phép tiếp xúc với thuyền viên và phải được cấp phép của bộ đội biên phòng.

Thế nhưng kiểm soát điều này không phải là việc dễ…

Lén lên tàu thăm người thân

Mới đây ngày 6-1, trong quá trình tuần tra giám sát một tàu chở hàng đi từ Philippines đến neo đậu tại phao của cảng Cát Lái, lực lượng bộ đội biên phòng phát hiện một trường hợp ngụ ở TP Thủ Đức, TP.HCM lén leo lên tàu… thăm người thân.

Được biết, tàu này chở hàng xuất phát từ Philippines đến cảng Cát Lái từ ngày 31-12-2020.

"Người này đi xe máy đến phà Cát Lái, sau đó thuê ghe chở ra tàu hàng đang neo đậu tại cảng lén lên tàu. Thuyền viên trên tàu cùng người này đã được lấy mẫu xét nghiệm, tất cả đều âm tính, được chuyển cách ly tập trung" - bà Đinh Thị Hải Yến, phó khoa truyền thông và giáo dục sức khỏe Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM, chia sẻ.

Ngoài việc thuyền viên, người thân và chủ tàu bị xử lý, bộ đội biên phòng cảng Cát Lái cho biết đã tìm được người lái ghe, được xác định có hành vi tiếp tay tạo ra cuộc tiếp xúc giữa thuyền viên - người trên bờ, để điều tra, xử lý.

Theo bà Yến, TP.HCM là khu vực có nhiều cảng biển với lưu lượng tàu thuyền nước ngoài ra vào cao nhất cả nước. Từ lâu ngành y tế đã nhận diện nguy cơ dịch bệnh COVID-19 sẽ xâm nhập rất lớn từ người nhập cảnh. Do đó, bên cạnh việc kiểm soát nhập cảnh bằng đường hàng không, việc kiểm soát nhập cảnh bằng đường thủy tại các cảng biển là điều rất quan trọng.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, ngành y tế chủ động kiểm soát nhiều tàu thuyền lớn. Điển hình như kiểm dịch y tế quy mô trên tàu Silver Spirit với 612 người (207 hành khách, 405 thủy thủ) tại cảng Hiệp Phước (Nhà Bè) vào tháng 2-2020.

Cùng thời điểm này tiếp tục kiểm dịch y tế cho tàu Crystal Symphony khởi hành từ San Francisco (Mỹ), đi qua nhiều nước châu Mỹ đến khu vực châu Á trước khi tới TP.HCM. Trên tàu lúc bấy giờ có đến 536 thủy thủ cùng 145 hành khách, đều được kiểm dịch đảm bảo an toàn trước khi được nhập cảnh tham quan du lịch.

Các trường hợp nhập cảnh đều được thực hiện cách ly, lấy mẫu giám sát theo quy định. Và đến giờ này chưa có trường hợp nào bị lây nhiễm ra cộng đồng.

Ông NGUYỄN HOÀI NAM

Kiểm tra đột xuất, giám sát bằng camera

Đó là đề nghị của phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng trong cuộc họp mới đây với Cảng vụ Hàng hải TP.HCM, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM về việc tổ chức các hoạt động phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các cảng biển.

Để kiểm soát không cho phát sinh nguồn lây từ các cảng biển, quy định hiện nay đã nghiêm cấm các thuyền viên trên tàu nhập cảng lên bờ. Trong trường hợp đặc biệt đều phải thông qua bộ đội biên phòng.

Cụ thể tại cảng Sài Gòn, thuyền viên muốn lên bờ phải sử dụng cầu thang trên mạn tàu, được bộ đội biên phòng kiểm soát chặt chẽ và chỉ được hạ xuống khi được phép.

Còn tại cảng Cát Lái, Trung tâm An ninh thực hiện việc giám sát bằng hệ thống camera để đảm bảo không có thuyền viên lên bờ. Dữ liệu camera có thể lưu trữ được 45 ngày và truy xuất được mọi khung giờ khi cần thiết.

Theo các đơn vị, việc kiểm soát chặt này không ảnh hưởng đến hoạt động của tàu. Cụ thể thức ăn, thực phẩm, nước uống tàu đã chuẩn bị đầy đủ, không cần cung cấp từ đất liền.

Khi giải quyết thủ tục hành chính, Cảng vụ Hàng hải đã đẩy mạnh việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục cho tàu biển vào, rời cảng và các thủ tục liên quan bằng phương thức điện tử. Ngoài ra, vấn đề xếp dỡ hàng hóa cũng chủ yếu được cơ giới hóa thực hiện.

Ông Nguyễn Hữu Hưng khẳng định bộ đội biên phòng là đơn vị chủ trì phối hợp với các đơn vị giám sát người ra vào các cảng; kiểm tra giám sát định kỳ, đột xuất các tàu thuyền tiếp cận giao dịch với các tàu nước ngoài đang neo đậu; đảm bảo tuân thủ đúng quy định, hướng dẫn phòng chống dịch của ngành y tế và có biện pháp xử lý nghiêm thuyền viên, thuyền trưởng và đại lý tàu nếu để thuyền viên trốn tàu lên bờ sai quy định.

Còn Cảng vụ Hàng hải TP.HCM phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế thực hiện các hoạt động phòng chống dịch tại các cảng biển, đến toàn thể nhân viên tại các cảng, các đại lý tàu, thuyền viên các tàu cập cảng.

Đặc biệt, yêu cầu thuyền trưởng tất cả các tàu ký cam kết tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh; đảm bảo thuyền trưởng và toàn bộ thủy thủ của các tàu nước ngoài được thông tin đầy đủ về các quy định của pháp luật, ngành y tế Việt Nam và phải chịu trách nhiệm nếu để thủy thủ vi phạm trong thời gian cập cảng.

Với 43 cảng biển lớn nhỏ, ông Nguyễn Hải Nam - giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP.HCM - cho biết lượng tàu quốc tế, tàu Việt Nam từ nước ngoài về cập các cảng vào khoảng 30 tàu/ngày. Mọi công tác kiểm tra, giám sát vẫn được lực lượng an ninh cảng thực hiện liên tục, đảm bảo nghiêm ngặt theo quy định.

Đã có nhiều thuyền viên nhiễm COVID-19

Đường thủy (biển) được đánh giá tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm nhập bệnh. Và thực tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều trường hợp thuyền viên làm việc trên các tàu nước ngoài nhiễm COVID-19 khi nhập cảnh tại các cảng biển.

Kiểm soát chặt mọi phương tiện, kể cả tàu cá

kieu bao campuchia ve nuoc - anh 1-2 1(read-only)

Đón kiều bào vào khu cách ly tập trung tại cửa khẩu quốc tế Hà Tiên - Ảnh: K.NAM

Trung tá Lưu Đắc Nhanh, đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, cho hay từ đầu năm đến nay đã có hàng chục vụ người dân tìm cách nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam bằng đường biển.

Thời điểm gần tới Tết cổ truyền, lượng kiều bào về nước sum họp gia đình càng tăng. Từ đầu năm 2021 đến nay, TP Hà Tiên đã tổ chức tiếp nhận, cách ly 429 người dân nhập cảnh về nước qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Riêng trong ngày 12-1 đã tiếp nhận cách ly 30 người dân về nước.

Hiện tại TP Hà Tiên đang tổ chức cách ly ở khu cách ly số 1, đã cho hoạt động trở lại khu cách ly tập trung kho ngoại quan với sức chứa khoảng 500 người dân, nâng tổng sức chứa lên khoảng 800 người dân.

Để đảm bảo không có trường hợp nào nhập cảnh trái phép, toàn tuyến biên giới bộ dài 56km giữa 2 tỉnh Kiên Giang - Kampot đã phong tỏa 24/24 giờ.

Trên biển, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên chịu trách nhiệm kiểm soát tuyến đường biển từ Hà Tiên tới đảo Phú Quốc. Mới đây, ngoài các phương tiện sẵn có (tàu tuần tra cao tốc các loại), Đồn biên phòng Hà Tiên vừa được tăng cường 4 tàu tuần tra nữa. Toàn bộ phương tiện đi biển đều sẽ được kiểm tra, kể cả tàu đánh cá của ngư dân.

Lực lượng biên phòng kiểm soát chặt tàu cá ra vào, các ngư dân khi vào bờ phải khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt. Dù vậy, các đồn biên phòng cũng lo lắng ngư dân "về chui", tránh né các biện pháp phòng dịch COVID-19.

Theo đại tá Chiêm Văn Đoàn - phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cà Mau, tới đây tình trạng người dân nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở và đường biển sẽ diễn biến phức tạp hơn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

"Đơn vị sẽ tăng cường lực lượng kiểm soát chặt các cửa biển, nhất là từ Malaysia, bố trí lượt chiến sĩ tham gia các chốt chặn đi từ ngoài biển vào, cả những tàu đỗ bên ngoài biển… ngăn chặn tối đa nhập cảnh trái phép. Xử lý thật nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm" - đại tá Đoàn nói.

K.NAM - NG.HÙNG

Lén lên tàu biển thăm người thân, một người ở TP.HCM bị cách ly 14 ngày Lén lên tàu biển thăm người thân, một người ở TP.HCM bị cách ly 14 ngày

TTO - Bộ đội biên phòng tại cảng Cát Lái, TP.HCM đã kiểm tra và phát hiện một trường hợp ngụ ở Q.9, TP.HCM lén đến thăm người thân là thuyền viên đang ở trên tàu từ Philippines về, đang neo đậu ngoài phao tại cảng.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên