29/10/2017 15:23 GMT+7

Nguy cơ đối đầu ở Catalonia

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Đêm trước còn là công dân của xứ tự trị, hôm sau đã phải lệ thuộc vào chính quyền trung ương, mộng đã vỡ chỉ trong vòng một đêm ở Catalonia.

Nguy cơ đối đầu ở Catalonia - Ảnh 1.

Nguy cơ đụng độ giữa những người ủng hộ Catalonia độc lập và cảnh sát Tây Ban Nha xuất hiện sau các động thái liên tiếp từ chính quyền Madrid và chính quyền tự trị - Ảnh: REUTERS

Người ta đã không phải chờ lâu để có được câu trả lời từ ông Carles Puigdemont, vị thủ hiến của Catalonia bị Madrid tước quyền ngày 27-10. Phát biểu trực tiếp trên truyền hình tối 28-10, ông Puigdemont nhấn mạnh ông và các đồng sự sẽ tiếp tục chiến đấu vì "một đất nước tự do".

"Cách tốt nhất để bảo vệ những gì chúng ta đã đạt được cho tới tận ngày hôm nay là phản đối lại điều 155 trên tinh thần dân chủ" - ông Puigdemont kêu gọi.

Khôi phục trật tự

Với người dân Catalonia, giấc mộng độc lập chưa bao giờ ngắn ngủi đến thế. Mới vừa hò hét vui mừng khi nghị viện Catalonia tuyên bố độc lập, họ đã bị đặt dưới quyền kiểm soát của chính quyền trung ương sau khi điều 155 của hiến pháp được kích hoạt.

Với 70 phiếu thuận và 10 phiếu chống, nghị viện 135 ghế của Catalonia đã chính thức tuyên bố độc lập sau cuộc bỏ phiếu ngày 27-10.

"Tôi biết mọi thứ sẽ không dễ dàng. Chúng ta đang đối mặt với một thời khắc mà chúng ta cần phải tiếp tục mạnh mẽ, phải giữ hòa bình, dân chủ như chúng ta đã từng làm và chắc chắn chúng ta sẽ còn tiếp tục làm như vậy" - thủ hiến Puigdemont phát biểu sau phiên bỏ phiếu.

Hẳn ông Puigdemont đã tiên liệu những phản ứng từ Madrid. Vài giờ sau cuộc bỏ phiếu tại Catalonia, Thượng viện Tây Ban Nha đã kích hoạt điều 155, đồng nghĩa ông Puigdemont và các lãnh đạo khác của Catalonia phải ra đi.

"Chúng ta cần thận trọng trong tình huống này - Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói - nhưng chúng ta cũng cần phải tự tin rằng chính quyền có tất cả các công cụ được hậu thuẫn bởi luật pháp và lý trí, để có thể đập tan những đe dọa đến nền dân chủ của chúng ta, đưa luật pháp trở lại một cách hòa bình, chính đáng".

Nhà lãnh đạo Tây Ban Nha cũng kêu gọi tổ chức bầu cử ở Catalonia vào ngày 21-12 để tìm ra người thay thế các lãnh đạo bị tước quyền.

Phó thủ tướng Tây Ban Nha, bà Soraya Saenz de Santamaria, là người tạm thời chịu trách nhiệm đối với Catalonia, theo BBC. Các bộ trưởng chính quyền trung ương sẽ trực tiếp nắm giữ những ban ngành liên quan của Catalonia cho đến thời điểm cuộc bầu cử khu vực diễn ra.

Hãng tin Reuters cho biết Thủ tướng Rajoy đã đề xuất trong tương lai chính quyền Madrid sẽ nắm quyền kiểm soát tài chính hoàn toàn ở Catalonia.

Bộ Kinh tế Tây Ban Nha đã gia tăng quyền kiểm soát các lĩnh vực tài chính của Catalonia, ngăn chặn khu vực sử dụng quỹ nhà nước để thực hiện những nỗ lực ly khai và bắt đầu trực tiếp chi trả cho các dịch vụ thiết yếu.

Năm 1975, sau khi chính quyền độc tài Franco chấm dứt, Catalonia được hưởng quy chế tự trị tương tự 16 khu vực khác của một Tây Ban Nha dân chủ.

Nguy cơ xung đột

Nhà nghiên cứu Barbara Loyer, giám đốc Học viện địa chính trị Paris 8 của Pháp, chuyên gia về quan hệ Tây Ban Nha - châu Âu, cho rằng tuyên bố độc lập của vùng Catalonia có những vấn đề chính trị và địa chính trị phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới xung đột bất kỳ lúc nào.

Bà Loyer nhấn mạnh tuyên bố của Catalonia "hoàn toàn không mang ý nghĩa tượng trưng", mà "kế hoạch của chính quyền vùng này khá rõ ràng" và được "dày công nghiên cứu trong nhiều năm". Bà cho rằng "Madrid đã không đánh giá đúng mức độ bất mãn tại Catalonia và đã bị mắc kẹt" trong vấn đề này.

Chuyên gia này cũng đồng thời cảnh báo nguy cơ xung đột là rất lớn trong những tuần tới vì xã hội dân sự đang bị chia rẽ nghiêm trọng.

Đồng tình, Federico Santi - chuyên gia phân tích rủi ro chính trị tại Eurasia Group - cảnh báo nhiều khả năng sẽ có các cuộc đụng độ giữa cảnh sát Tây Ban Nha và những người ủng hộ Catalonia độc lập.

Mossos d'Esquadra, lực lượng cảnh sát riêng lên tới 17.000 người của Catalonia, dù có lời kêu gọi trong nội bộ rằng nên đứng né ra cuộc đối đầu giữa địa phương và trung ương, thực tế như thế nào vẫn còn chưa biết.

Chính quyền Madrid cho biết không có kế hoạch bắt giữ các lãnh đạo Catalonia. Tuy nhiên, bạo lực có thể bùng phát khi người dân cố ngăn cản cảnh sát Tây Ban Nha buộc các lãnh đạo Catalonia phải rời nhiệm sở của họ theo lệnh giải tán.

Người dân Catalonia ăn mừng khi tuyên bố độc lập với Tây Ban Nha Người dân Catalonia ăn mừng khi tuyên bố độc lập với Tây Ban Nha Tây Ban Nha giải tán chính quyền Catalonia sau tuyên bố độc lập Tây Ban Nha giải tán chính quyền Catalonia sau tuyên bố độc lập Catalonia tuyên bố độc lập Catalonia tuyên bố độc lập

Muốn trở thành quốc gia riêng

Nghị quyết được cơ quan lập pháp vùng tự trị Catalonia thông qua ngày 27-10 có đoạn: "Cộng hòa Catalonia là nhà nước độc lập và có chủ quyền, pháp quyền, dân chủ và xã hội".

Ngay sau tuyên bố độc lập của Catalonia, một loạt các nước phương Tây đã lên tiếng ủng hộ chính quyền Tây Ban Nha.

"Tôi chỉ có một đối tác ở Tây Ban Nha, đó là Thủ tướng Mariano Rajoy" - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một tổ chức mà Tây Ban Nha là thành viên, tuyên bố cuộc khủng hoảng ở Catalonia là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha và kêu gọi Madrid giải quyết theo hiến pháp của nước này.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên