Ông Carles Puigdemont bị chính quyền trung ương tước quyền thủ hiến Catalonia sau khi nghị viện Catalonia tuyên bố độc lập - Ảnh: REUTERS
Ngày 27-10, trong một phiên bỏ phiếu tại nghị viện Catalonia, nghị quyết về một "Cộng hòa Catalonia" độc lập đã được thông qua.
Gần như ngay lập tức, động thái của xứ tự trị giàu nhất Tây Ban Nha đã kéo theo phản ứng mạnh từ chính quyền trung ương Madrid.
Thượng viện Tây Ban Nha do đảng Nhân dân cầm quyền của Thủ tướng Mariano Rajoy kiểm soát, đã kích hoạt Điều 155 của hiến pháp, tuyên bố giải tán chính quyền Catalonia và tiến hành bầu cử lại.
Chính quyền trung ương sẽ nắm quyền kiểm soát trực tiếp, đồng nghĩa với việc quyền tự trị của Catalonia đã bị tước bỏ.
Vài tiếng sau đó, bà Soraya Saenz de Santamaria, phó thủ tướng Tây Ban Nha đã được chỉ định là người chịu trách nhiệm tạm thời giám sát mọi việc ở Catalonia.
Cảnh sát trưởng Catalonia bị tước quyền trước lo ngại lực lượng này sẽ bất tuân các chỉ thị từ Madrid.
Mọi ánh mắt đều đổ dồn về một người: Thủ hiến Carles Puigdemont. Dư luận đang đặt câu hỏi ông sẽ làm gì trước quyết định tước quyền và giải tán chính quyền của ông và giờ ông đã lên tiếng.
Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp tối 28-10 (giờ VN), ông Puigdemont nhấn mạnh ông và các đồng sự sẽ tiếp tục chiến đấu vì "một đất nước tự do" và kêu gọi sự ủng hộ cho điều mà ông gọi là "phản đối dân chủ".
"Cách tốt nhất để bảo vệ những gì chúng ta đã đạt được cho tới tận ngày hôm nay là phản đối dân chủ lại Điều 155", Reuters dẫn lời ông Puigdemont nhấn mạnh trên sóng truyền hình.
Sau phiên bỏ phiếu tại nghị viện Catalonia ngày 27-10, ông Puigdemont dường như đã liệu trước các phản ứng của chính quyền trung ương và kêu gọi mọi người hãy sử dụng các biện pháp đấu tranh hòa bình.
Tuy nhiên, bất chấp điều đó, theo các chuyên gia chính trị, nguy cơ đụng độ và đối đầu ở Catalonia đang ở mức cao hơn bao giờ hết.
Những người ủng hộ Catalonia độc lập có thể phản ứng thái quá khi cảnh sát Tây Ban Nha buộc các bộ trưởng Catalonia rời khỏi nhiệm sở theo lệnh giải tán.
Cảnh sát Catalonia làm nhiệm vụ trên đường phố Barcelona ngày 28-10 - Ảnh: REUTERS
Một vấn đề khác, không kém phần lo ngại là Mossos d'Esquadra, lực lượng cảnh sát lên tới 17.000 người của Catalonia. Người ta đang tự hỏi lực lượng này sẽ nghe theo chỉ thị của bên nào, của chính quyền ông Puigdemont hay chính phủ trung ương.
Trên thực tế, dường như Mossos đang cố tình đứng né ra cuộc đối đầu trên. Trong một tài liệu nội bộ mà Reuters có được ngày 28-10, Mossos đã kêu gọi các sĩ quan và nhân viên trong lực lượng "hãy đứng trung lập".
"Dù sẽ có nhiều hơn nữa các cuộc tụ tập, biểu tình trên khắp Catalonia và những ý kiến trái chiều, chúng ta phải nhớ rằng trách nhiệm của chúng ta là đảm bảo an ninh cho tất cả người dân và đảm bảo rằng những cuộc tụ tập, biểu tình như vậy diễn ra không có bất kỳ sự cố nào".
Không rõ ai là người đã soạn và viết tài liệu trên. Người đứng đầu Mossos đã bị Thủ tướng Rajoy tước quyền.
Trong trường hợp Mossos không nghe theo chỉ thị của chính quyền trung ương, cảnh sát Tây Ban Nha sẽ xuất hiện ở Catalonia, theo Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận