04/05/2018 13:36 GMT+7

Nguy cơ dinh Thượng Thơ bị đập bỏ: Cần lắng nghe ý kiến của dân

TRẦN NHẬT VY - TIẾN LONG - THIÊN ĐIỂU
TRẦN NHẬT VY - TIẾN LONG - THIÊN ĐIỂU

TTO - Chỉ sau hơn 20 giờ Tuổi Trẻ Online thăm dò về 'phương án tốt nhất với dinh Thượng Thơ', đã có 2.020 bạn đọc bỏ phiếu đưa công trình này vào danh sách bảo tồn, 150 bạn đọc đồng ý với phương án chỉ nên cải tạo một số hạng mục...

Nguy cơ dinh Thượng Thơ bị đập bỏ:  Cần lắng nghe ý kiến của dân - Ảnh 1.

Dinh Thượng Thơ thời Pháp thuộc - Ảnh tư liệu

Những ngày qua, thông tin tòa nhà dinh Thượng Thơ có thể bị xóa sổ trong phương án mở rộng trụ sở UBND TP.HCM khiến nhiều người yêu mến các 'cổ tích' ở TP.HCM bức xúc.

Đặc biệt là sau cuộc họp báo của UBND TP.HCM hôm 2-5, lập luận "dinh Thượng Thơ không phải là di tích nên không được bảo tồn" làm nhiều người không hài lòng. Theo pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh năm 1984 điều 8 chương II thì UBND TP có trách nhiệm đăng ký và "lập hồ sơ đề nghị công nhận".

Từ 43 năm qua, tòa nhà này do UBND TP quản lý và sử dụng; việc để nhà hư hỏng cũng là do cơ quan này và việc không đưa vào danh mục di tích lịch sử cũng bởi cơ quan này. Vậy những cơ quan tham mưu cho UBND TP về vấn đề này làm việc như thế nào mà dinh Thượng Thơ chưa nằm trong danh sách di tích?

Tòa nhà dinh Thượng Thơ nằm sau lưng trụ sở UBND TP không chỉ là tòa nhà cũ với nhiều hư hỏng (chuyện cũng bình thường), mà còn chỉ dấu những gì thành phố đã trải qua. Đó là cái hồn của thành phố, không thể có việc một dinh thự cổ như vậy bị lọt ra ngoài danh sách được bảo tồn lẫn danh sách đề nghị bảo tồn!

Xin nhắc lại về giá trị lịch sử của tòa nhà này: Ngay sau khi chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, thực dân Pháp đã lên kế hoạch chiếm đóng lâu dài trên đất nước ta.

Năm 1861, họ dựng một ngôi nhà gỗ dùng làm dinh thống đốc Nam Kỳ trên phần đất nay là Trường Trần Đại Nghĩa. Năm 1864, họ thành lập Nha nội vụ (báo chí và dân chúng ngày xưa thường gọi là dinh Lại bộ thượng thơ).

Nhiệm vụ của nha này là:

1- tòa án bản xứ

2- học chánh (bao gồm thầy giáo, thông ngôn, nhà báo)

3- tài chánh sự vụ như bưu chánh, công sản, trước bạ, địa chính, điện tín, thương cảng

4- sở công chánh (cầu đường, xây dựng...)

5- thương nghiệp, nông nghiệp và công nghiệp

6- cảnh sát, trại giam, nhà thương

7- điều khiển các nhân viên phụ trách hành chánh các tỉnh (theo Petrus Ký - Nỗi oan thế kỷ, Nguyễn Đình Đầu chủ biên, trang 65).

Tòa nhà cũng là tòa soạn tờ báo quốc ngữ đầu tiên của chúng ta - tờ Gia Định Báo.

Tòa nhà Nha nội vụ năm 1864 được thống đốc Nam Kỳ chỉ định ở "góc đường Catinat và quảng trường Đồng hồ, mặt tiền hướng về đường phố" (Sài Gòn từ khi thành lập đến giữa thế kỷ 19, NXB TP.HCM, trang 78) và cùng năm này được đấu thầu xây dựng.

Hình như nhà xây xong khi Pháp đã chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, đến nay đã khoảng 150 năm (không phải gần 130 năm như thông tin lâu nay).

Việc viện lý do "không nằm trong danh sách" để quyết định đập bỏ tòa nhà dinh Thượng Thơ là một hạ sách. Nếu chưa lập hồ sơ thì lúc này lập hồ sơ cũng có sao đâu!

Tính từ 17h41 ngày 3-5 đến 13h30 ngày 4-5, chỉ sau hơn 20 giờ Tuổi Trẻ Online tổ chức thăm dò về "phương án tốt nhất với dinh Thượng Thơ", đã có 2.020 bạn đọc bỏ phiếu đưa công trình này vào danh sách bảo tồn, 150 bạn đọc đồng ý với phương án chỉ nên cải tạo một số hạng mục trong khi chỉ có 108 phiếu đồng thuận với việc tháo dỡ tòa nhà.

Lắng nghe và sửa chữa là điều cần thiết.

Nguy cơ dinh Thượng Thơ bị đập bỏ:  Cần lắng nghe ý kiến của dân - Ảnh 2.


Ý kiến chuyên môn:

* TS NGUYỄN ĐỨC HIỆP (chuyên gia khoa học về khí quyển ở Bộ Môi trường và di sản, bang New South Wales, Úc):

Công trình dinh Thượng Thơ là một công trình kiến trúc Pháp rất đẹp giữa lòng TP. Công trình này không chỉ mang giá trị về mặt kiến trúc mà còn gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử phát triển đô thị Sài Gòn.

Rất nhiều người danh tiếng trong lĩnh vực chính trị, văn học như Diệp Văn Cương (nhà giáo dục), Trương Minh Ký (nhà văn, nhà báo), Nguyễn Hữu Vang (người dẫn đoàn đờn ca nhạc tài tử qua Pháp dự hội chợ đấu xảo Paris 1900)... đã làm việc trong công trình này.

Luật di sản ở bang New South Wales (Úc) đặt người dân, qua Hội đồng di sản, là trung tâm của công tác bảo tồn di sản. Kinh nghiệm cho thấy điều này rất thành công trong công tác bảo tồn di sản và trong sự gia tăng ý thức, hiểu biết lịch sử văn hóa của người dân, hài hòa trong phát triển.

Với kiến trúc dinh Thượng Thơ, điều cần làm vào lúc này khi có nhiều ý kiến trái chiều (đa số người dân đều muốn bảo tồn dinh Thượng Thơ vì ý nghĩa lịch sử, kiến trúc và ký ức đô thị, trong khi chính quyền muốn phá bỏ) là có sự đối thoại giữa các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực trong chính quyền và từ các hội đoàn dân sự để nghe được nhiều quan điểm và người dân được tường rõ. Không khó khăn gì để tổ chức một hội thảo như thế.

Nguy cơ dinh Thượng Thơ bị đập bỏ:  Cần lắng nghe ý kiến của dân - Ảnh 3.

Dinh Thượng Thơ Sài Gòn - Ảnh: Tim Doling sưu tầm

KTS Nguyễn Tuấn Anh (Sáng lập viên Trung tâm kiến trúc AGOhub):

Những đồ vật, hay công trình kiến trúc có tuổi đời trăm năm thì đều là những hiện vật lịch sử, là di sản văn hóa, lịch sử được. Dinh Thượng Thơ với gần 130 tuổi, chưa phải là quá xuống cấp và vẫn đang được sử dụng, thì rất cần được bảo tồn bằng mọi giá, dù ai đó có công nhận nó là di tích hay không. Nếu giờ đây chúng ta xây một công trình mới thì phải mất 100 năm nữa nó mới tạo ra một giá trị văn hóa, lịch sử, trong khi đó công trình này đã có sẵn giá trị đó rồi.

KTS Lê Việt Hà:

Việc công nhận di tích với một công trình giống như dinh Thượng Thơ thì chỉ có ý nghĩa về mặt hành chính thôi, còn giá trị của dinh Thượng Thư thì nó đã được xác lập ở trong đời sống và nó là ký ức đô thị rồi. Nó chưa phải là di tích là do cơ quan chức năng chưa kịp xếp hạng hoặc người ta bỏ quên chưa xếp hạng thôi. Đâu phải được cấp bằng di tích thì mới là có giá trị.

Xu hướng là nên giữ lại tất cả những công trình như dinh Thượng Thơ hiện còn lại, để bảo tồn được ký ức đô thị, bảo tồn cái "hồn" của đô thị. Đô thị hấp dẫn chính là ở cái ký ức đô thị, ở "hồn" của nó. Đập bỏ dinh Thượng Thơ thì sẽ không thể lấy lại được. Xây cái mới lên thì phải hơn 100 năm sau mới có giá trị bằng cái dinh ấy.

Còn quan điểm "không bảo tồn dinh Thượng Thơ vì nó không phải là di tích" là quan điểm không ổn. Nhiều khi các công trình phải xếp hàng để được công nhận là di tích. Nếu một công trình nào đó, chỉ vì xếp hàng cuối, chưa kịp đợi được công nhận di tích mà bị đập đi thì rất oan uổng cho nó.

Không chỉ riêng tòa nhà dinh Thượng Thơ, có những tòa nhà 150 tuổi khác cũng không nằm trong danh sách các công trình, địa điểm được xếp hạng di tích trên địa bàn TP.HCM. Đó là tòa nhà Wangtai ở số 1 Hàm Nghi (xuất hiện trên hầu hết bản đồ Sài Gòn thế kỷ 19, được xây dựng từ năm 1860), nay là trụ sở Cục Hải quan TP.HCM; tòa nhà Diên Hồng (được xây dựng từ năm 1864) - nơi từng là thượng nghị viện của chế độ Việt Nam cộng hòa, nay là Trung tâm chứng khoán TP trên đường Võ Văn Kiệt.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, phương án tốt nhất với dinh Thượng Thơ là...

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Từ dinh Thượng Thơ đến dinh Tổng thống Bogor Từ dinh Thượng Thơ đến dinh Tổng thống Bogor

TTCT - Cuối thế kỷ 18, chủ nghĩa lãng mạn như một cơn gió thổi vào văn minh phương Tây, quét đi những gì cổ điển rập khuôn, chỉ lưu ý đến tưởng tượng và cảm xúc thúc đẩy con người đạt tới điều mới mẻ hơn, rộng lớn hơn.

TRẦN NHẬT VY - TIẾN LONG - THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên