20/04/2014 07:00 GMT+7

Nguy cơ biến chứng do sởi

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - cảnh báo thêm như vậy về biến chứng do bệnh sởi ở trẻ em.

Giao lưu trực tuyến: Bệnh sởi đang diễn tiến thế nào?

ivmtbUNe.jpg
Bệnh nhi Đỗ Tiến Đạt (11 tuổi, Tây Ninh) bị biến chứng viêm phổi và viêm não đã được Bệnh viện Nhi Đồng 1 cứu sống sau hơn một tuần điều trị - Ảnh: L.TH.H.

Theo bác sĩ Khanh, khi bị sởi trẻ có thể gặp rất nhiều biến chứng trong lúc mắc bệnh là viêm phổi, viêm thanh quản, tiêu chảy phân có máu, viêm tai giữa gây chảy mủ tai, loét giác mạc do thiếu vitamin A... Tuy nhiên, còn có hai biến chứng khác về lâu dài cần được cha mẹ của trẻ hết sức lưu ý và chỉ có thể phòng ngừa được cho trẻ bằng việc chích văcxin ngừa sởi hai mũi lúc trẻ được 9 tháng và 18 tháng tuổi.

Biến chứng lâu dài

1.161

Đó là số trẻ bị sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 từ đầu năm 2014 đến ngày 15-4. Trong đó có 10% (gần 120 trẻ) bị biến chứng viêm phổi hoặc bị biến chứng viêm phổi, viêm não cùng lúc rất nặng nhưng chưa có ca nào tử vong.

(Nguồn: BS Trương Hữu Khanh)

Bác sĩ Khanh cảnh báo biến chứng lâu dài trẻ có thể gặp là biến chứng viêm não bán cấp. Tuy biến chứng viêm não bán cấp hiếm gặp (cứ 100.000 trẻ mắc sởi có hơn 10 trẻ bị biến chứng) nhưng khi đã xảy ra thì không có phương pháp điều trị. Biến chứng này thường xảy ra rất muộn, khoảng 10 năm sau khi trẻ bị mắc sởi. Trẻ đang khỏe mạnh bình thường đột nhiên có biểu hiện rối loạn hành vi, rối loạn vận động, rối loạn tâm thần. Cha mẹ có thể nhận biết biến chứng này khi trẻ có biểu hiện chân tay cứ quơ quào như trẻ bị bại não. Biến chứng này rất đáng sợ vì làm trẻ bị chậm phát triển về tâm thần và vận động, không có phương pháp, không có thuốc điều trị và trẻ phải sống chung với nó suốt đời. Nguyên nhân của biến chứng viêm não bán cấp do sởi hàng chục năm sau mới xảy ra là do virút sởi còn tồn tại và tạo chất miễn dịch tấn công vào não khiến trẻ tự nhiên thay đổi tính tình, hành vi, biểu hiện trì trệ, có những cử động bất thường.

Một biến chứng khác của sởi là gây suy dinh dưỡng, còi cọc lâu dài cho trẻ. Đây là biến chứng làm ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tầm vóc của trẻ. Theo bác sĩ Khanh, thường trẻ đã bị sởi, nếu không được cha mẹ chú ý chăm sóc dinh dưỡng đặc biệt tốt khi đang bệnh và sau bệnh thì đến tuổi dậy thì, trưởng thành thường chỉ là một thanh niên có dáng người “đẹt ngắt”. Để phòng tránh biến chứng suy dinh dưỡng, còi cọc về sau, bác sĩ Khanh khuyên khi trẻ bị bệnh cần phải ép trẻ ăn nhiều hơn bình thường, cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn thức ăn dễ tiêu, thức ăn lỏng và đủ chất dinh dưỡng.

Bác sĩ cũng cần cảnh báo

Bác sĩ Khanh cho biết hiện có hai mô hình sởi rất khác nhau nên phương pháp điều trị, chăm sóc cũng rất khác nhau. Mô hình thứ nhất là sởi gây biến chứng về hô hấp ở những em bé dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Mô hình thứ hai là sởi thường gây biến chứng viêm não ở trẻ lớn (9-10 tuổi trở lên) và người lớn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp vừa bị biến chứng viêm não vừa biến chứng viêm phổi. Khi bị biến chứng viêm phổi trẻ có biểu hiện thở nhanh, thở gấp. Nếu bị biến chứng viêm não, trẻ có biểu hiện bị co giật.

“Nguyên nhân cái chết của trẻ nhỏ dưới 5 tuổi bị sởi là về hô hấp” - bác sĩ Khanh khẳng định như vậy. Cái chết về hô hấp có ba lý do: một là nhiễm thêm vi trùng ở ngoài cộng đồng. Đặc điểm của trẻ bị sởi là hệ thống miễn dịch của trẻ rất kém, nếu bị nhiễm một loại vi trùng nhẹ cũng làm cho trẻ bị bệnh nặng thêm, diễn tiến nhanh hơn. Bác sĩ phải biết điều này, phải điều trị kháng sinh phù hợp, phải chẩn đoán hình ảnh sớm để đánh giá tình trạng hô hấp của trẻ và cho điều trị kháng sinh phù hợp ngay. Hai là trẻ tử vong do khi trẻ vào bệnh viện rồi bị nhiễm vi trùng trong bệnh viện. Ba là khi trẻ thở không được thì phải cho trẻ thở oxy. Nếu trẻ thở oxy không nổi thì phải cho thở áp lực dương liên tục. Trường hợp trẻ thở áp lực dương liên tục không nổi thì phải cho trẻ thở máy. Từng bước trẻ bị suy hô hấp thế nào, hỗ trợ hô hấp ra sao bác sĩ phải phát hiện thật sớm, kịp thời. Nếu không kịp thời, khi trẻ đã kiệt sức mới đưa cho thở máy thì trẻ chịu không nổi và dễ tử vong.

Bác sĩ Khanh cũng khuyến cáo một số vấn đề liên quan đến sởi, tạm coi là những “sai lầm” cần phải thay đổi. Chẳng hạn như khi trẻ bị sốt, ho (nhưng chưa ra ban) một số bác sĩ phòng mạch tư không có kinh nghiệm, không biết trẻ bị sởi đã cho trẻ sử dụng thuốc corticoid (để nhanh hết ho) là sai hoàn toàn. Nếu trẻ bị sởi mà uống thuốc này sẽ làm miễn dịch của cơ thể trẻ càng yếu đi, thúc đẩy bệnh diễn tiến nặng nhanh hơn.

Về phía thân nhân, cũng có sai lầm là kiêng cữ quá mức và quá lo lắng khi thấy trẻ sốt cao, ho nhiều. Thực tế điều mà người nhà lo lắng cho trẻ lại không liên quan đến mức độ nặng của trẻ. Quan trọng là xem trẻ thở làm sao. Nếu thấy trẻ thở mệt (thở nhanh, thở gấp hơn bình thường), đặc biệt là dưới 12 tháng thì phải theo dõi sát và đưa trẻ đến bệnh viện sớm.

Bàn tròn trực tuyến:

Bệnh sởi đang diễn tiếnthế nào?

Bệnh sởi đang tăng mạnh số ca mắc và tử vong khiến dư luận rất quan tâm, có phần hoang mang, lo lắng. Do đó chiều thứ hai 21-4 từ 14g-16g, báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức bàn tròn trực tuyến (tại địa chỉ http://tuoitre.vn) chủ đề “Bệnh sởi đang diễn tiến thế nào?” với sự tham gia của các chuyên gia Bộ Y tế và TP.HCM.

Ngay từ bây giờ, mời bạn đọc cùng tham gia đặt câu hỏi về những vấn đề liên quan đến sởi, các diễn tiến thời sự cũng như công tác phòng chống dịch sởi đến các khách mời: ông Nguyễn Trần Hiển - chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, Bộ Y tế, TS Trần Minh Điển - phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, PGS.TS.BS Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur, BS Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1.

TUỔI TRẺ

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên