21/04/2014 14:01 GMT+7

Cách nào bảo vệ trẻ trước dịch sởi?

TT
TT

TTO - Nhiều thắc mắc, lo lắng của phụ huynh về tình hình dịch sởi và cách bảo vệ con em trước diễn biến phức tạp của bệnh đã được gửi đến chương trình giao lưu trực tuyến với các chuyên gia Bộ y tế và TP.HCM do Tuổi Trẻ tổ chức chiều nay 21-4.

Không công bố, chỉ thông báo dịch sởi!Hơn 7.000 ca bệnh sởi, 111 ca tử vongBệnh sởi gây biến chứng gì, điều trị ra sao?

DTKoJwh5.jpgPhóng to
Các Y bác sĩ tại Bệnh viện Nhi T.Ư đang điều trị cho một bệnh nhi mắc sởi - Ảnh: Nguyễn Khánh

Việt Nam chưa công bố dịch nhưng công tác phòng chống dịch được tổ chức như thế nào? Nguy cơ lây nhiễm chéo từ bệnh viện sẽ đáng ngại ra sao? Những biện pháp phòng bệnh sởi ở trẻ chưa đến tuổi tiêm ngừa sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi?... sẽ lần lượt được giải đáp tại buổi giao lưu.

Khách mời tham gia buổi giao lưu gồm:

* Ông NGUYÊN TRẦN HIỂN - Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, Bộ Y tế;

* TS. TRẦN MINH ĐIỂN - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư;

* PGS.TS.BS PHAN TRỌNG LÂN - Viện trưởng Viện Pasteur;

*BS TRƯƠNG HỮU KHANH , trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1.

NÔI DUNG BUỔI GIAO LƯU:

* Con tôi được 5 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm phòng vắcxin sởi. Tôi phải làm gì để phòng tránh bệnh sởi cho cháu một cách hiệu quả nhất? Biểu hiện khi trẻ mắc sởi là gì? (Hoàng Đức Huyên, 25 tuổi, hoanghuyen.jpa@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Trẻ năm tháng tuổi thì chưa thể chủng ngừa sởi. Nguồn lây sởi từ người lớn ra ngoài môi trường tiếp xúc với người bệnh, rồi mang về lây cho trẻ, hay ngay trong nhà có người mắc bệnh. Do vậy, nhóm tuổi này phải cách ly tuyệt đối với người mắc bệnh ít nhất mười ngày. Người lớn khi đi ra ngoài, về nhà tiếp xúc với trẻ nhóm tuổi này cần rửa tay, thay quần áo trước. Nếu người mẹ lúc nhỏ chích ngừa sởi đủ thì con của họ rất khó bị sởi trước 9 tháng tuổi.

* Con tôi 15 tháng tuổi, đã chính ngừa sởi 3 trong 1 khi được 12 tháng tuổi tại Pasteur. Theo lịch hẹn, đến năm 2017 con tôi mới chích mũi 2. Vậy có nên chích mũi 2 sớm hơn hay đợi đến đúng lịch hẹn? Vì đang có dịch sởi nên tôi rất ngại đưa bé đến chỗ đông người. (Bùi Thị Thanh, 31 tuổi, buithanhhoay@...)

- PGS.TS Phan Trọng Lân: Việc tiêm phòng phải theo đúng lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng đối với văcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (mũi 1 lúc 9 tháng tuổi, mũi 2 lúc 18 tháng tuổi). Nếu con bạn tiêm ở viện Pasteur TP.HCM, có nghĩa là con bạn tiêm vắcxin 3 trong 1 của hãng Sanofipasteur, mũi 1 vào lúc 12 tháng tuổi. Như vậy con bạn tiêm mũi 2 theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Tuy nhiên với tình hình bệnh sởi ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ mắc dưới 1 tuổi không nhỏ, do đó nên hướng dẫn cho những người thân có con chưa tiêm vắcxin tiêm vào lúc 9 tháng tuổi.

* Con tôi 29 tháng tuổi nhưng chưa chích ngừa sởi lần nào. Nếu bây giờ chích thì hiệu quả miễn dịch là bao nhiêu. Con tôi đang sốt nên không thể chích ngừa bây giờ được, liệu vắcxin sởi có hết như những thông tin đã đăng không? (Đoàn Trần Lan Phương, 33 tuổi, Phuong.doan@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Bạn nên thu xếp cho con bạn đi chích ngừa vì đã 29 tháng tuổi mà chưa tiêm mũi nào. Chích một mũi hiệu quả miễn dịch khoảng 80% đến 90%. Đang sốt thì không nên chích ngừa văcxin. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay còn văcxin sởi.

* Con tôi 30 tháng tuổi, đã tiêm phòng mũi sởi tiêm chủng mở rộng khi 9 tháng tuổi. Nay muốn tiêm phòng sởi mũi 2 cho cháu thì phải tiêm đúng loại mũi sởi tiêm chủng mở rộng hay tiêm mũi phòng sởi - rubella - quai bị? Nếu lúc này tiêm mũi sởi - rubella - quai bị thì sau đó có phải tiêm nhắc lại những mũi nào nữa để phòng sởi - rubella - quai bị? (Huyền, 29 tuổi, autumn842001@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Bạn tiêm vét mũi sởi trong chiến dịch tiêm vét hiện nay hay bạn tiêm 3 trong 1 trong tiêm chủng dịch vụ vẫn được. Nếu lúc này bạn tiêm 3 trong 1, bạn có thể nhắc lại vào lúc 4,5 tuổi.

* Ngoài biện pháp tiêm phòng đủ 2 mũi thì có biện pháp nào hữu hiệu để phòng sởi? Các bé dưới 9 tháng tuổi khả năng mắc sởi rất cao. Có bài thuốc tây hay bài thuốc dân gian hữu hiệu nào để phòng sởi cho các bé không? (Tuấn Anh, 38 tuổi, tuananhconinco@...)

- PGS.TS Phan Trọng Lân: Việc phòng chống bệnh sởi phải dùng biện pháp tổng thể trên 3 mắt xích của quá trình phát sinh bệnh: Trên đối tượng cảm nhiễm (người chưa mắc bệnh, chưa tiêm phòng và chưa có miễn dịch); Trên đường lây truyền; Trên nguồn bệnh.

1. Trên đối tượng cảm nhiễm: tiêm phòng là biện pháp hiệu quả nhất để tạo miễn dịch cho cá nhân và cộng đồng, đặc biệt đối tượng nguy cơ cao.

2. Trên đường lây truyền: đối với người chưa mắc hoặc chưa có miễn dịch, tránh tiếp xúc đông người những nơi có nguy cơ cao.

3. Trên nguồn bệnh: xử lý triệt để ổ dịch; những người mắc bệnh phải cách ly với những người xung quanh ít nhất là 4 ngày trước và sau khi phát ban (trước khi phát ban với các biểu hiện sốt, viêm đường hô hấp); đặc biệt là người đã tiếp xúc với người mắc bệnh, trong vòng 10 ngày không tiếp xúc gần với những người xung quanh. Với đối tượng nguy cơ cao hiện nay là trẻ em dưới 18 tháng tuổi, đặc biệt là dưới 9 tháng tuổi, trong trường hợp phải tiếp xúc nên đeo khẩu trang hoặc giữ khoảng cách trên 1,5m.

Đối với trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm phòng, ít ra khỏi nhà thì biện pháp hiệu quả nhất là không đến nơi tập trung đông người, nguy cơ cao. Do đó trẻ em dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh chỉ do người xung quanh mang đến. Vì vậy vai trò người ông, người bà, người bố, người mẹ rất quan trọng trong việc giữ gìn cho trẻ không mắc bệnh.

Hơn nữa những người biết mình đã tiếp xúc với người mắc bệnh trong vòng 10 ngày thì không nên đến gần các cháu, vì đối tượng này nếu chưa đủ miễn dịch từ mẹ, chưa được tiêm phòng, lúc mắc bệnh lại có nguy cơ biến chứng cao.

* Khi đọc những bài viết về dịch sởi, thấy hàng trăm cái chết vì sởi, đặc biệt là những trẻ em thì tôi có những câu hỏi như sau: Tại sao Bộ Y Tế lại chậm chạp trong việc công bố dịch sởi trên toàn quốc? Tại sao không lập ra một vùng cách ly để tìm cách chữa bệnh? Người đứng đầu Bộ Y tế đã làm hết trách nhiệm của mình chưa? (Cao Thị Kim Ngân, 21 tuổi, cnblack.cao@...)

- GS.TS Nguyễn Trần Hiển: Trước hết, bạn cần phân biệt hai khái niệm: công bố dịch và thông báo dịch. Không công bố dịch, không có nghĩa là không có dịch. Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế luôn thông báo tình hình dịch bệnh các bệnh truyền nhiễm nói chung và dịch sởi nói riêng, kèm theo chỉ đạo các sở y tế, trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh như đối với tay chân miệng, cúm, bệnh dại, sốt xuất huyết...

Còn công bố dịch, theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, phải tuân thủ theo đúng các quy định: công bố dịch phải đáp ứng điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Có nghĩa là dịch được công bố khi có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số mắc dự tính bình thường và khi có ít nhất một trong bốn điều kiện sau:

1- Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố

2- Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ tăng tỉ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả

3- Bệnh dịch có tỉ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả

4- Bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.

Cũng trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định rõ Chủ tịch UBND tỉnh công bố dịch đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B và nhóm C. Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm nhóm B khi có từ hai tỉnh, thành trực thuộc trung ương đã công bố dịch.

Ngoài ra, công bố dịch đồng nghĩa với việc chúng ta không kiểm soát được tình hình dịch bệnh, đồng nghĩa với việc chúng ta cần sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài và cần áp dụng các đáp ứng đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp như đóng cửa trường học, hạn chế đi lại, hạn chế thương mại, du lịch...

Hiện nay, chưa có tỉnh, thành nào công bố dịch sởi. Như vậy, Bộ Y tế đã tuân thủ đúng các quy định về Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm trong công bố dịch.

Không công bố dịch không có nghĩa là chúng ta không làm gì. Ngay từ khi phát hiện dịch sởi ở một số tỉnh miền núi phía Bắc năm 2013, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch sởi, truyền thông cho người dân về dịch sởi, triển khai các kế hoạch tiêm vét về sởi, tiêm vắcxin sởi chống dịch ở những vùng có nguy cơ cao.

Cuối tháng 2-2014, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành về phòng chống dịch cúm H7N9 và phòng chống dịch sởi dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã đến làm việc tại tỉnh Yên Bái khi bùng phát dịch sởi ở tỉnh này và quán triệt chỉ đạo phòng chống dịch sởi.

Gần đây, trong chuyến thị sát tại Bệnh viện Nhi trung ương, Bộ trưởng cũng chỉ đạo công tác phòng chống lây nhiễm sởi trong bệnh viện bao gồm: giảm tải, thành lập các bệnh viện vệ tinh, phân loại bệnh nhân, phân luồng, thành lập các khu cách ly điều trị sởi riêng biệt, tuyên truyền cho người dân khi mắc bệnh sởi thì nên đến các cơ sở y tế địa phương để được chẩn đoán và tư vấn kịp thời về cách chăm sóc và hướng điều trị bệnh nhân...

* Con tôi đã tiêm phòng mũi tổng hợp (sởi, quai bị, rubella) khi 1 tuổi. Bây giờ cháu được 17 tháng, có phải tiêm tiếp mũi thứ 2 theo chiến dịch TCMR không hay vẫn chờ đến 3 năm sau theo lịch hẹn của bác sĩ? Và nếu tiêm luôn mũi 2 thì đến năm 2017 có phải tiêm nữa không?(Lê Thu Hiền, 31 tuổi, Hienkd_thanhnam@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Khi con bạn 4 đến 5 tuổi, bạn chích thêm một mũi 3 trong 1 thì cháu sẽ không còn sợ gì ba con virút sởi, quai bị, rubella.

* Triệu chứng ban đầu của bệnh sởi khi phát ban khác thế nào với những phát ban do nóng rôm hay nóng sốt bình thường? (Bùi Văn Tùng, 29 tuổi, tung.bui@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Bệnh sởi là phải sốt và thường sốt rất cao, kèm theo ho, chảy mũi. Ban sởi mọc theo thứ tự từ đầu đến chân và bay đi cũng thứ tự như thế. Trong khi rôm sảy thì không sốt. Rôm sảy thường mọc ở vùng có nếp gấp: cổ, bẹn...

U4KoE5Q3.jpgPhóng to
Ông Lê Xuân Trung (áo trắng) - Tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ tăng hoa cho các bác sĩ tham gia bàn tròn trục tuyến - Ảnh: Thanh Đạm
PBj1H1hg.jpgPhóng to
BS Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 - Ảnh: Thanh Đạm
YAnf6kOY.jpgPhóng to
Các khách mời giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo - Ảnh: Thanh Đạm
1OnhQQAN.jpgPhóng to
PGS.TS.BS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur - Ảnh: Thanh Đạm
SgfJ5Xx6.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Trần Hiển - Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, Bộ Y tế - Ảnh: Nguyễn Khánh

* Con tôi được tiêm 1 mũi sởi khi 11 tháng tuổi tại Trạm Y tế phường theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Sau đó tôi được tư vấn cho cháu tiêm ngoài dịch vụ 1 mũi ngừa 3 bệnh (sởi-quai bị-rubella) lúc 16 tháng tuổi. Vậy con tôi có cần phải tiêm thêm mũi nhắc sau 3 năm không? Hoặc có cần phải tiêm ngay lúc này vì bệnh sởi đang hoành hành? (Trương Quỳnh Anh, 29 tuổi, quynhanht@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Bạn nên tiêm ngừa nhắc lại một mũi ba trong một lúc 4-5 tuổi hoặc lúc bắt đầu đi học để tăng cường miễn dịch.

* Làm sao phân biệt các nốt phát ban của sởi và sốt siêu vi? Các triệu chứng sau khi nốt phát ban lặn? Bác sĩ địa phương nói cháu tôi bị siêu vi, sốt 37 -38độ C. Sau khi ban lặn cháu bị ho, bây giờ đã khỏe. Cháu được 7,5 tháng tuổi. (Vu Phuong, 39 tuổi, phuong12vu12@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Bệnh sởi cũng phát ban như các bệnh phát ban khác nhưng sởi thường làm trẻ sốt rất cao (trên 39 độ), và ho nhiều. Còn các loại ban khác thì thường không sổt cao và không ho. Tình huống của con bạn là ban do siêu vi khác. Do vậy, khi con bạn đến 9 tháng tuổi nên đưa cháu đi chích sởi mũi đầu.

* Dịch sởi tại TP.HCM tăng từ tháng 9-2013. Tại sao ngành y tế chậm chạp, trì trệ dập dịch sởi, làm lây lan khắp thành phố, trách nhiệm này thuộc về Viện Pasteur TP.HCM hay Sở Y tế TP.HCM? (Nguyễn Thị Hạnh, 29 tuổi, hanhnguyen85@...)

- PGS.TS.Phan Trọng Lân: Bệnh sởi là bệnh lây mạnh qua đường hô hấp, nguồn bệnh có thể có khắp nơi trên thế giới, việc giao lưu đi lại ngày càng nhiều, do đó để ngăn ngừa sởi bền vững và hiệu quả nhất là tiêm phòng.

Năm 2012-2013, sau những trường hợp tai biến ngay sau tiêm chủng (mặc dù chưa có bằng chứng liên quan đến tiêm chủng) làm cho tỷ lệ tiêm chủng giảm đáng kể, trong đó có bệnh sởi, đây là nguyên nhân làm gia tăng đối tượng cảm nhiễm.

Ngay khi có các trường hợp mắc ở huyện Bình Tân, Q.8, viện Pasteur TP.HCM đã cùng với Sở Y tế tập trung xuống địa phương và ngay sau đó nhận định là người dân có thể về các địa phương ăn tết, Lãnh đạo Sở Y tế đã triệu tập tất cả các quận huyện về để tập huấn, hướng dẫn triệt để các biện pháp chống dịch.

Như vậy, theo tôi thì ngành y tế TP.HCM đã quyết liệt kiểm soát với bệnh dễ lây cũng như nỗ lực trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong công tác tiêm phòng.

Phải nói rằng công tác phòng chống dịch phải gồm ngành y tế, chính quyền, người dân, trong đó người dân đóng vai trò quan trọng. Qua đợt dịch này mới thấy được tỷ lệ tiêm chủng thấp thì khả năng bùng phát dịch lớn, với số người mắc cao và tử vong, cho thấy cái giá để trả này quá lớn.

Vắcxin là sản phẩm sinh học, sản xuất với quy trình, kiểm định nghiêm ngặt, sử dụng cho hàng triệu người. Do đó để sản xuất ra 1 liều đòi hỏi thời gian từ 6-8 tháng đến hàng năm; và sử dụng cho dự phòng, vì vậy để không còn những trường hợp tử vong đáng tiếc xảy ra, mong các ngành, chính quyền và người dân với trách nhiệm của mình hỗ trợ cho công tác tiêm chủng, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, sẽ tạo nền miễn dịch vững chắc.

* Các biện pháp hữu hiệu phòng tránh tốt nhất cho trẻ chưa bị bệnh sởi là gì? (Bùi Văn Tùng, 29 tuổi, tung.bui@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Hữu hiệu nhất là tiêm văcxin theo hướng dẫn của Y tế dự phòng. Đừng bỏ mũi văcxin lúc 9 tháng và nhắc lại lúc 18 tháng. Khi có điều kiện thì chích văcxin 3 trong 1 theo hướng dẫn của các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

* Triệu chứng của bệnh sởi như thế nào? Bệnh có nguy hiểm không, thường xảy ra ở lứa tuổi nào? Cách điều trị và phòng tránh ra sao? (Nguyễn Hùng Thịnh, 30 tuổi, hungthinh_95@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Bệnh sởi ban đầu biểu hiện là sốt cao, ho nhiều, chảy mũi, đỏ mắt. 3,4 ngày sau sẽ phát ban. Sau khi phát ban, trẻ vẫn còn sốt cao thêm 4,5 ngày. Bệnh thường lành tính nhưng cũng có những trường hợp biến chứng: viêm phổi, viêm tai, tiêu đàm máu, viêm não... Đa số điều trị tại nhà, nếu không có biến chứng. Chỉ cần nhập viện khi có biến chứng. Phòng ngừa tốt nhất hiện nay là tiêm chủng.

* Con số thống kê chắc chắn sẽ không chính xác vì các bệnh viện sợ bị phê bình, bị đánh giá là yếu kém về chuyên môn. Hơn nữa con số đưa ra chỉ là thống kê trẻ tử vong trong bệnh viện, chưa kể trẻ bị trả về vì không cứu được. Vậy tại sao không công bố thành đại dịch hay trẻ con không quan trọng bằng người lớn? Sao không cho các trường mầm non nghỉ học để tiến hành khử trùng và để tránh lây lan thành nhiều ổ dịch? (Hong, 33 tuổi, hoahong@...)

- GS Nguyễn Trần Hiển: Hiện nay, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế về công bố minh bạch, công khai thông tin về dịch sởi, các tỉnh đã thực hiện báo cáo theo quy định hàng ngày. Tôi nghĩ, không có chuyện bệnh viện giấu số liệu vì "bệnh thành tích". Nếu có số liệu không phù hợp thì chủ yếu là do báo cáo chậm. Ngoài ra, cũng có thể là do nhiều bệnh nhân mắc bệnh không đến bệnh viện nên không được cập nhập vào những báo cáo thường xuyên của cơ sở y tế.

Đúng là hiện nay dịch sởi đang xảy ra ở một số tỉnh, thành phố với quy mô vừa và nhỏ. Bệnh dịch xảy ra theo chu kỳ, trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa loại trừ được bệnh sởi. Có nghĩa là, virút sởi vẫn đang lưu hành trong cộng đồng do không tiêm phòng vắcxin theo quy định của lịch tiêm chủng tại Việt Nam. Khi sởi chưa được loại trừ, virut sởi vẫn đang lưu hành thì vẫn có bệnh nhân sởi và dịch sởi .

Gần đây, tỉ lệ tiêm chủng mũi 2 sởi giảm đi do tâm lý e ngại phản ứng sau tiêm của nhiều bà mẹ.

Cụ thể năm 2013, trẻ tiêm mũi 2 chỉ đạt 86%. Dựa trên hiệu quả dự phòng của vắcxin sởi là 95% thì chỉ có 95% của 86% được bảo vệ, không mắc sởi. Con số này cho thấy còn đến gần 20% trẻ có nguy cơ cao mắc sởi.

Giả sử hàng năm có 1,6 triệu trẻ ra đời và với ước tính như trên thì có đến trên 300.000 trẻ có nguy cơ mắc sởi và bùng phát thành dịch. Với bệnh dễ lây như sởi, việc bùng phát dịch ở quy mô nhỏ và vừa là dễ xảy ra. Do đó, để loại trừ bệnh sởi trong tương lại, cần thiết có các biện pháp để duy trì việc tiêm phòng sởi mũi 2 đạt đạt từ 95% trở lên.

Như đã nói ở trên, dịch sởi năm nay xảy ra chủ yếu ở quy mô tản phát vừa và nhỏ, ít có dịch tập trung ở quy mô xã và huyện. Điều đó chứng tỏ hiệu quả vắcxin phòng sởi trong thời gian vừa qua. Nếu không, thì số mắc sởi sẽ rất cao, tập trung thành quy mô xã, phường, huyện và có nguy cơ bùng phát ở quy mô rộng hơn.

Báo cáo năm nay cho thấy số liệu bệnh nhân sởi thấp hơn dịch năm 2009-2010. Năm 2009, tổng số có 6.200 ca sởi được xác định bằng xét nghiệm. Trong khi đó, số bệnh nhân mắc sởi được xác định bằng xét nghiệm từ đầu năm 2014 đến nay chỉ là 3.430 trường hợp. Như vậy, càng chứng minh vai trò bảo vệ của vắcxin sởi và không thể nói là đây là đại dịch được.

Mục đích của chương trình tiêm chủng mở rộng là bảo vệ nâng cao sức khỏe trẻ em, giảm tỷ lệ mắc, giảm tử vong, giảm tàn phế, nhờ tạo miễn dịch chủ động dự phòng các bệnh nhiễm trùng bằng vắcxin.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

* Tôi đang nuôi con thứ 2 được 4 tháng tuổi. Trước đây tôi chưa tiêm phòng vacxin sởi. Vậy bây giờ tôi đi tiêm phòng thì con tôi có thể miễn dịch sởi qua đường sữa mẹ không? (Dang Kim Oanh, 33 tuổi, dangoanh@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Kháng thể chống virut sởi có thể truyền từ mẹ sang con trong lúc mang thai và khi cho con bú. Mẹ có miễn dịch (từ việc chích ngừa lúc nhỏ) sẽ bảo vệ con mình trong bào thai và khi cho bú.

* Con trai tôi 8 tuổi. Năm 2010 tôi có đưa cháu đi chích ngừa sởi- rubella- quai bị. BS yêu cầu chích nhắc lại sau 2 năm, nhưng tôi quên cho đến nay. Vậy cháu có phải đi chích lại không? (cháu đã bị trái rạ). (Phạm Thị Bích Nga, 37 tuổi, ngacoi13@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Bạn nên chích nhắc lại một mũi là đủ.

* Trẻ mắc bệnh sởi lúc 8 tháng tuổi, nay 11 tháng có cần tiêm mũi 1 không (chưa tiêm mũi sởi nào). Nếu tiêm lần đầu lúc 11 tháng hoặc không tiêm mũi 1 nữa) thì đến 18 tháng có cần tiêm mũi 2 không? (Trương Hoài Phong, 40 tuổi, nttngulai@...

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Bạn nên chích mũi sởi vì việc chẩn đoán sởi ở trẻ 8 tháng tuổi đôi khi không chính xác (có thể trẻ mắc các loại virut gây phát ban mà không phải sởi). Bạn chích mũi sởi lúc này và cũng phải nhắc lại lúc 18 tháng, lúc đó con bạn mới an toàn với virut sởi.

* Con gái tôi lúc 9 tháng tuổi có tiêm phòng mũi sởi tại Trung tâm y tế huyện. Đến lúc 12 tháng, tôi cho bé tiêm phòng mũi 3 trong 1 ngừa sởi, quai bị, rubella nhưng không tiêm ngừa sởi mũi 2 lúc bé 18 tháng. Như vậy trường hợp bé có miễn dịch bệnh sởi chưa? Có phải chích ngừa sởi mũi 2 tại trung tâm y tế huyện không? (Trần Thị Xuân Hương, 31 tuổi, huong2202@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Nếu con bạn tiêm chủng như vậy thì đã có miễn dịch nhưng nên tiêm nhắc vào lúc 4-5 tuổi.

* Trước khi mang thai chưa tiêm ngừa sởi, vậy trong lúc mang thai có tiêm ngừa được không? Khi vừa sinh em bé, mẹ có tiêm sởi liền được không? (Dư Quang Quốc Thắng, 27 tuổi, quoc.thang@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Khi mang thai thì không được chích ngừa văcxin này. Sau khi sinh, có thể chích ngừa được.

* Con tôi được tiêm ngừa sởi lúc 9 tháng tuổi, nay cháu được 42 tháng tuổi nhưng chưa được tiêm ngừa mũi thứ 2. Khi nghe nói về dịch sởi tôi đã đưa cháu đến Trung tâm y tế dự phòng tỉnh để tiêm ngừa mũi thứ 2, xin hỏi như vậy cháu có được miễn dịch và không bị lây bệnh không? (Lê Phúc Vinh, 34 tuổi, levy080910@)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Bạn thực hiện mũi tiêm thứ 2 theo hướng dẫn của trung tâm y tế dự phòng là rất đúng. Và như vậy bé đã có được miễn dịch và không sợ gì virut sởi nữa.

* Con tôi lúc 9 tháng tuổi không chích mũi sởi đầu tiên (vì hết thuốc). Lúc 12 tháng tuổi, bé được chích mũi sởi-rubella-quai bị. Sau 2 ngày bé phản ứng với thuốc bị sốt nhẹ, sổ mũi va nổi ban đỏ khắp người. Tôi lau người cho bé bằng nước ấm, khoảng 3 ngày các vết ban đỏ từ từ mất đi. Thời điểm này, bé đã 19 tháng và đang có dịch sởi nên tôi muốn cho cháu chích thêm mũi sởi thứ 2. Xin hỏi có nên cho bé chích nhắc lại không với tình trạng bé có phản ứng thuốc với lần chích trước? (Phạm Nguyễn Ngọc Anh, 29 tuổi, anhpham10986@)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Phản ứng như vậy là tốt, chứng tỏ trẻ đã có tác dụng với văcxin. Hiện nay, trẻ 19 tháng là nhóm được tiêm vét. Bạn có thể tiêm vét theo hướng dẫn của y tế phường.

* Có nên cho bé uống bổ sung vitamin C để phòng sởi không? (Nguyễn Minh Yến, 29 tuổi, yennm85@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Phòng sởi là chích ngừa. Khi mắc sởi thì uống vitamin A. Còn bổ sung các loại vitamin khác chỉ là bổ trợ thôi, chứ không phòng ngừa được bệnh.

* Con tôi 6 tháng tuổi. Tôi sắp phải đi làm lại, do không có ai chăm bé nên tôi định gửi bé ở nhà trẻ nhưng dịch sởi đang hoành hành thế này, tôi lo lắng và bất an quá. Tôi phải làm sao để bảo vệ bé khỏi dịch bệnh? (Lê Tâm An, 30 tuổi, ynhi0414)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Đúng là khó thật! Trong nhà trẻ sẽ có những biện pháp phòng ngừa từ hướng dẫn của ngành y tế và giáo dục. Chị có thể tìm hiểu thêm tại nơi gửi con và đề nghị họ có phương pháp phòng ngừa bệnh lây qua đường hô hấp: cho trẻ mắc bệnh nghỉ, vệ sinh môi trường, rửa tay...

* Kính gửi bác sĩ Khanh. Theo thông tin trên báo chí, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM từ đầu năm đến nay tiếp nhận điều trị hơn 1.000 bệnh nhi mắc sởi, trong đó khoảng 10% bị biến chứng nhưng không có ca nào tử vong. Phải chăng, bác sĩ ở TP.HCM có kinh nghiệm và điều trị giỏi hơn bác sĩ ở một số bệnh viện phía Bắc? (Saomh_tmm@....)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Nguyên nhân tử vong của bệnh sởi hiện nay là biến chứng đường hô hấp, cụ thể là viêm phổi. So sánh tỉ lệ tử vong giữa các vùng miền là rất khó vì có nhiều yếu tố đóng góp. Ví dụ: thời tiết, cơ địa, mức độ quá tải...

Ở bệnh viện chúng tôi, ngay từ tháng 12-2013, khi thấy có hiện tượng lạ (nhập viện nhiều ca do sởi liên tiếp) đã cảnh báo và tập huấn cơ bản cho tất cả bác sĩ trong bệnh viện việc phát hiện sớm, phân công công việc, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là bệnh đông.

Riêng tại khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã thống nhất các bước điều trị chuẩn, tránh lãng phí, tránh bỏ sót những ca nặng, tránh làm những việc gây bội nhiễm thêm cho bệnh nhân và những trường hợp đặc biệt đều phải xin y kiến trưởng khoa khi quyết định điều trị.

Bên cạnh đó, bệnh viện đã báo cáo Sở Y tế TP.HCM cũng như kết hợp với Viện Pasteur TP.HCM trong việc theo dõi sát diễn tiến dịch. Sở Y tế TP.HCM đã huấn luyện cho tất cả các quận huyện về xử trí, theo dõi bệnh sởi và luôn có thông tin liên lạc giữa tuyến quận huyện và thành phố khi có vấn đề điều trị.

Các yếu tố này góp phần rất lớn trong việc giảm quá tải, điều trị đúng, không lãng phí, và quan trọng là các ca có biến chứng được phát hiện và xử lý đúng mức, kịp thời nên chưa có ca tử vong.

Nguyên nhân chính xác của sự khác biệt không thể biết được. Nhưng sự quá tải chắc chắn có góp phần. Kinh nghiệm xử trí có thể nâng lên được bằng công tác huấn luyện và hội chẩn.

* Con trai tôi 10 tuổi, chưa chích ngừa sởi. Cách đây 2 tuần, cháu sốt 4 ngày liên tục, sau đó phát ban từ mặt đến chân (có biểu hiện sợ ánh sáng, đeo kính đen khi ăn cơm). Tôi không đưa đi BV vì sợ lây thêm bệnh mà chăm sóc ở nhà. Cháu rất khỏe, có tập thể thao, dinh dưỡng tốt. Vậy nếu đã mắc sởi cần làm gì để loại trừ khả năng biến chứng não? Các cháu không sốt có cần chích ngừa không? (Đỗ Hoài Như Thụy, 35 tuổi, dohoainhuthuy@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Nếu trẻ hết bệnh mà vẫn chơi bình thường thì khả năng biến chứng não là rất hiếm. Bạn nên cho trẻ ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng khoảng 1 tuần. Các cháu nếu chưa chủng ngừa thì nên thu xếp đi chích ngừa. Còn nếu đã chủng ngừa rồi thì chỉ cần theo dõi.

* Trong việc điều trị bệnh nhi bị mắc sởi, vai trò của bác sĩ, điều dưỡng, trang thiết bị... góp phần như thế nào để giảm thiểu tử vong cho bệnh nhi? (phamvanquen@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Tất cả các bệnh, không riêng gì bệnh sởi, vai trò của thầy thuốc và trang thiết bị là rất quan trọng trong việc giảm tử vong. Đội ngũ thầy thuốc ngoài số lượng, còn phải đảm bảo chất lượng, trong đó kinh nghiệm theo dõi bệnh nhân, xử lý kịp thời các tình huống biến chứng cũng rất quan trọng.

Trang thiết bị càng không thể thiếu, tuy nhiên phải phù hợp vì nó giúp cho người thầy thuốc giảm rất nhiều công sức và quan trọng hơn có những thiết bị không có sẽ không chữa được bệnh.

Riêng bệnh sởi, việc hỗ trợ hô hấp cho các biến chứng phổi là quyết định sống còn của trẻ. Tùy mức độ mà chúng ta dùng các hỗ trợ này.

Không đủ đội ngũ thầy thuốc, trang thiết bị thì khó có thể giải quyết vấn đề.

* Con tôi được 11 tháng 8 ngày tuổi, ở tại quận Thủ Đức và chưa chích ngừa mũi sởi lúc 9 tháng. Lý do là tôi được tư vấn đợi đến 12 tháng chích luôn mũi sởi, quai bị, rubella. Tuy nhiên hiện nay, trước tình hình sởi bùng phát như thế, tôi khá lo lắng và không biết là nên cho cháu đi chích mũi sởi đơn hay đợi thêm 3 tuần nữa (tròn 12 tháng) để chích mũi 3 trong 1. Hoặc là với số tháng tuổi hiện giờ, bé chích sớm mũi 3 trong 1 có được không? Xin nhờ các bác sĩ tư vấn giúp tôi, cảm ơn. (Nguyễn Đức Huy, 37 tuổi, nguyenduchuy80@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Bạn nên chích ngay một mũi sởi trong chiến dịch tiêm vét hoặc chích ngay 3 trong 1 vì con bạn đang có nguy cơ.

* Con tôi bị nổi ban vùng cổ và vai, mụn đỏ li ti như rôm trên trán và đầu đã 3 hôm nay. Cháu không bị sốt trong vòng 2 tuần nhưng lại ho và sổ mũi. Vùng ban trên cổ lúc nổi dày đặc lúc lại lặn gần hết. Tôi rất lo lắng không biết cháu có nguy cơ mặc bệnh sởi không? Cháu 18 tháng đã tiêm 1 mũi 3 trong 1.(Minh Đăng, 34 tuổi, uyentrant@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Theo mô tả, con bạn không phải bị sởi. Khả năng là bé bị nhiễm trùng da. Ho sổ mũi trong trường hợp này là bệnh lý của bệnh đường hô hấp.

* Hiện con tôi được 2 tháng tuổi, lúc mang thai tôi chưa chích ngừa sởi, như vậy bé không có kháng thể đúng không? Tôi phải làm gì để phòng bệnh sởi cho con? (Minh châu, 27 tuổi, mychausp@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Phòng ngừa bằng cách người chăm sóc và trẻ không tiếp xúc với người mắc bệnh sởi. Người lớn khi ra ngoài môi trường phải thực hiện vệ sinh rửa tay, thay quần áo trước khi đến thăm hoặc chăm sóc trẻ.

* Hiện gần nhà tôi có 1 cháu hơn 12 tháng tuổi mắc bệnh sởi. Cháu đang có 1 em nhỏ 8 tháng tuổi. Vậy xin bác sĩ cho biết: 1. Bệnh có dễ lây không? Nếu lây thì sẽ lây như thế nào? 2. Cách phòng tránh và chế độ ăn uống để tăng sức đề kháng cho cháu? (Nguyễn Văn Hiếu, 23 tuổi, hikikudo@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Như vậy bé đang có nguy cơ vì gần nhà có nguồn bệnh. Cách phòng ngừa: không cho trẻ mắc bệnh đến chơi, người nhà không đến thăm bé mắc bệnh, nếu thân thì gọi điện thoại thăm được rồi. Nếu bạn nghi ngờ tay chân mình có bám virut thì khi ra ngoài về nên rửa tay và thay quần áo trước khi tiếp xúc trẻ. Tuổi của con bạn chưa tiêm sởi được.

* Con trai tôi hiện được 20 tháng. Cháu chưa đươc tiêm mũi phòng sởi nào. Cháu mới ốm dậy và có dùng thuốc kháng sinh. Xin cho hỏi dùng thuốc kháng sinh sau bao lâu có thể tiêm phòng sởi? (Trịnh Thùy Trang, 32 tuổi, thuytranggv83@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Kháng sinh không ảnh hưởng gì đến văcxin. Do vậy nếu trẻ đang dùng kháng sinh, hay đã dùng kháng sinh vài ngày thì vẫn chích ngừa được. Nhưng nếu đang bệnh nặng thì không nên chích ngừa.

* Hai con tôi 12 tuổi và 8 tuổi, đã chích ngừa sởi mũi 1 nhưng không nhớ rõ là có chích mũi nhắc lại hay không (vì ở với bà). Bây giờ tôi muốn cho 2 con đi chích ngừa sởi được không? Tôi và chồng tôi đi chích ngừa luôn được không? (Trần Thị Hồng Nhung, 42 tuổi, hongnhung)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Có thể chích được một mũi 3 trong 1 cho hai bé và anh chị là đủ phòng ngừa.

* Con tôi 6 tuổi, đã tiêm ngừa sởi cách đây 4 năm, có cần tiêm ngừa lại không? (Tran Tan, 47 tuổi, trantankg68@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Con bạn nên tiêm thêm một mũi 3 trong 1 vì sẽ tăng cường miễn dịch.

* Con tôi 22 tháng tuổi, đã tiêm đủ 2 mũi sởi. Hiện tại tôi đang sống ở Vũng Tàu, tháng 5 này sẽ đưa bé ra Hà Nội chơi. Tôi đang lo ngại về vấn đề này. Tôi có dùng được dung dịch cồn sát trùng cho bé mỗi khi tiếp xúc nhiều nơi công cộng không? Ngoài ra có cách nào để phòng tránh? (Chu Thị Kiều Nhung, 27 tuổi, kieunhung0710@...)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Nếu con bạn đã tiêm đủ 2 mũi sởi thì không lo lắng gì nữa. Con bạn đã có đủ kháng thể chống lại bệnh sởi. Còn việc bạn sử dụng dung dịch sát trùng nhanh thì có lợi phòng chống nhiều bệnh.

* Con tôi đã chích 1 mũi sởi lúc 9 tháng và 1 mũi 3 trong 1 sởi - quai bị -rubella. Vậy có cần chích thêm sởi lần 2 nữa không? Con tôi hiện 18,5 tháng tuổi (Nguyễn Ngọc Thùy Trang, 33 tuổi, minhtrangkhoi@...)

- Ông Trần Minh Điển: Tôi chưa đầy đủ thông tin về trường hợp của con chị về mũi 3 trong 1 tiêm vào lúc cháu mấy tháng tuổi, nếu tiêm sau mũi 1 thời gian 8-12 tháng là đủ miễn dịch cho bé.

* Bằng chứng nào cho thấy virus sởi chưa bị biến đổi hay chỉ là phát biểu "lấp liếm" trong khi đặc tính virus là luôn biến đổi qua từng thế hệ bằng đột biến và chon lọc tự nhiên. Nếu không biến đổi thì độc tính của chủng năm 2014 đã được chứng minh là giống hệt những năm trước chưa? Phác đồ điều trị ở miền Bắc có khác miền Nam không?(Ngo Viet, 35 tuổi, ksviet2003@...)

- GS. TS Nguyễn Trần Hiển: Hiện nay virus sởi lưu hành trên toàn thế giới không có sự biến đổi liên quan đến độc lực của virus, nghĩa là có một cấu trúc kháng nguyên giống nhau (kháng nguyên H). Bệnh cảnh lâm sàng tương đối giống nhau, vắcxin giống nhau, và vắcxin phòng sởi có hiệu quả đối với tất cả trẻ em ở các nước khác nhau trên toàn cầu.

Đúng là có biến đổi của virus trên toàn cầu, nhưng ở kháng nguyên khác không có liên quan đến độc lực và đáp ứng với vắcxin, đó là kháng nguyên N. Hiện nay có sự biến đổi của kháng nguyên này dẫn đến có 23 kiểu gen khác nhau lưu hành ở các nước khác nhau. Nhưng sự thay đổi về kiểu gen này không liên quan đến độc lực, và chỉ có ý nghĩa về mặt giám sát dịch tễ học về sự lây truyền và nguồn gốc của dịch sởi, cũng như đánh giá hiệu quả của vắcxin. Các kiểu gen gây bệnh sởi ở VN hiện nay giống kiểu gen gây sởi ở các nước trong khu vực, như Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Philippines, Singapore...

Phác đồ điều trị sởi ở miền Nam và miền Bắc giống nhau, đều tuân thủ phác đồ điều trị sởi của Bộ Y tế.

* Con trai tôi bị viêm tai giữa và đã điều trị kháng sinh 14 ngày. Ngày 19-4 bác sĩ khám lại và kết luận cháu đã khỏi. Vậy khi nào cháu có thể tiêm phòng sởi được? Cháu 2 tuổi nhưng chưa tiêm mũi nào. (Lê Thu Trà, 31 tuổi, tra.lethu@...)

- Ông Trần Minh Điển: Cần cho cháu đi tiêm ngay ở giai đoạn này.

* Các bé bị sởi đều chuyển qua biến chứng viêm phổi, vậy có nên cho các bé chích ngừa viêm phổi luôn không? Các bé không chích ngừa sởi lúc 9 tháng, chỉ chích 3 trong 1 lúc trên 12 tháng có cần tiêm nhắc sởi mũi 2 không? (Nguyễn Thị Xuân Thanh, 30 tuổi, Ntxthanh@...)

- Ông Trần Minh Điển: Không phải em bé nào bị sởi cũng biến chứng viêm phổi, khi các biểu hiện ho và sốt chỉ là biểu hiện của viêm hô hấp trên, cần kiểm tra máu và X quang phổi mới kết luận là viêm phổi. Không cần thiết chích ngừa vì chích ngừa cũng chỉ được 1-2 tác nhân gây viêm phổi, cần phải cho em bé đi chích lại vắcxin sởi lúc 18-24 tháng tuổi thì sẽ đảm bảo tốt về hiệu quả miễn dịch.

* Ngày 20-2-2014, Bộ Y tế đã có Quyết định về việc triển khai tiêm văcxin phòng chống dịch sởi và tiêm vét văcxin sởi. Vậy Bộ Y tế tổng kết các tỉnh thực hiện công văn này như thế nào? 2. Bộ Y tế nên kiểm tra lại tỷ lệ tiêm chủng các địa phương có ca sởi tăng cao, tiêm thật hay tiêm trên giấy. Tình hình dịch sởi hiện nay cần tiêm diện rộng cho trẻ đến 15 tuổi không? (Pham Văn Luân, 51 tuổi, nguyenluan62@...)

- GSTS Nguyễn Trần Hiển: Để kiểm tra việc triển khai kế hoạch tiêm vét của các tỉnh, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, đến làm việc với UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh. Về việc lập kế hoạch triển khai và thực hiện kế hoạch tiêm vét, đặc biệt ở những tỉnh có tỉ lệ mắc sởi cao, cho đến nay đã có khoảng 50% các cháu trong độ tuổi được tiêm theo lịch và tiêm vét đã được tiêm đợt này. Nhiều tỉnh đang tiếp tục triển khai để đạt mục tiêu đề ra và tổng hợp số liệu, báo cáo về Bộ Y tế. Việc tiêm trên giấy đến nay chưa ghi nhận.

Trước mắt, đa phần số mắc, các trường hợp nặng, tử vong xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, nên tập trung tiêm vét trước. Tùy từng địa phương, dựa trên đánh giá tình hình dịch sẽ mở rộng diện tiêm đến 3 tuổi như TP.HCM hoặc đến dưới 6 tuổi như Hà Nội. Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cuối năm nay sẽ triển khai tiêm chủng ngừa sởi- rubella cho trẻ 1 đến 14 tuổi, hy vọng qua đó lấp lỗ hổng miễn dịch của trẻ em trong cộng đồng, giảm tỉ lệ mắc và tiến tới loại trừ sởi.

* Tại sao bệnh sởi làm chết nhiều trẻ đến vậy? Có phải virus nguy hiểm hơn trước kia không hay quy trình chữa bệnh có vấn đề? (Nguyen Van Phong, 31 tuổi, hieuvana5@...)

- Ông Trần Minh Điển: Hiện nay chưa có bằng chứng virus sởi thay đổi, nguyên nhân tử vong chia làm nhiều nhóm, nhóm nhiều nhất là trẻ mắc sởi trên nền các bệnh như tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa, down, bại não, đẻ non, suy dinh dưỡng... Còn lại một nhóm có tình trạng đồng nhiễm các vi khuẩn virus khác, gây tổn thương phổi nặng nề. Các số liệu dịch tễ tại các nước đang phát triển nếu dịch sởi bùng phát, biến chứng nhiều đến phổi thì tỷ lệ tử vong còn cao.

* Cách phòng và tránh bệnh sởi tốt nhất như thế nào? Biểu hiện ban đầu của sởi? Khi mắc bệnh nên xử lý bệnh như thế nào? Dịch sởi đã có mặt trên những tỉnh, thành nào? Khánh Hòa đã có trường hợp nào chưa? (Trần Thị Yến Nhi, 27 tuổi, thocon8820032003@...)

- Ông Trần Minh Điển: 61/63 tỉnh thành đã có bệnh nhân sởi, ngoại từ Cao Bằng và Bắc Kạn. Khi em bé đã tiêm đủ vắcxin phòng sởi, thì khả năng miễn nhiễm sởi có thể lên đến 95%. Biểu hiện ban đầu của sởi là tình trạng sốt chảy nước mắt nước mũi, có các hạt Koplic ở niêm mạc trong má màu trắng đục, sau đó phát ban lần lượt từ đầu xuống thân mình và chân tay. Khi phát hết ban, sốt giảm dần, nếu như không có các biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp... thì trẻ dần ổn định, cần chú ý giai đoạn này là giai đoạn suy giảm miễn dịch, tránh cho các em bé tiếp xúc với nhiều người, ăn uống đầy đủ cẩn thận.

* Khi trả lời phóng vấn báo chí, một quan chức Bộ Y tế cho rằng dịch bùng phát là do chu kỳ (4-5 năm). Như vậy, Bộ đã biết năm nay hoặc sang năm sẽ có dịch sởi bùng phát nhưng lại không có công cụ và bước đi cụ thể nhằm phòng ngừa sự cố. Đến khi dịch sởi trở nên trầm trọng thì lại đổ do trùng chu kỳ bùng phát. Là người đứng đầu chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, tôi đề nghị ông Nguyên Trần Hiển giải thích trách nhiệm của mình và các giải pháp cụ thể nhằm tránh lặp lại trong tương lai. (Nguyễn Trí Nhân, 31 tuổi, bluezonesky@...)

- GS TS Nguyễn Trần Hiển: Tính chu kỳ là bản chất của dịch sởi, không chỉ VN và toàn thế giới hiện nay. Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã cố gắng đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng sởi đầy đủ, cao trong nhiều năm. Và thực tế là tỷ lệ mắc sởi giảm gần 600 lần so sánh 1984 và 2012 nhờ tiêm vắcxin sởi.

Khi bệnh sởi chưa được loại trừ, có nghĩa là virus sởi vẫn lưu hành trong cộng đồng cùng với việc hiệu quả bảo vệ của vắcxin sởi là 95%, tại một cộng đồng khi tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ không cao thì luôn luôn có một quần thể cảm nhiễm với virus sởi.

Giả sử hàng năm có khoảng 1,6 trẻ, tỷ lệ tiêm chủng mũi 2 của sởi năm 2013 là 87% thì chỉ có 95% của 87% này được bảo vệ, tương đương khoảng 80% quần thể đích.

Như vậy, mỗi năm có khoảng 320 ngàn trẻ không được bảo vệ và có nguy cơ mắc sởi. Trên thực tế số mắc sởi hiện nay được báo cáo là 3.400 cháu, thấp hơn nhiều so với số ước tính này. Điều đó chứng tỏ hiệu quả cao của chương trình tiêm chủng mở rộng trong việc giảm số mới mắc hàng năm, hạn chế những ổ dịch lớn. Do đó, chúng tôi đã rất cố gắng và rất mong được sự hợp tác của người dân và các bà mẹ mang con đi tiêm chủng đầy đủ với tỷ lệ cao, thì chúng ta mới có hy vọng giảm tỷ lệ mắc sởi hàng năm, giảm tần suất mắc và tử vong trong các chu kỳ tiếp theo, tiến tới mục tiêu loại trừ sởi của khu vực tây Thái Bình Dương vào 2017.

Theo kế hoạch, bên cạnh bảo đảm tiêm chủng đầy đủ vắcxin hai mũi theo lịch, dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắcxin sởi và rubella cho 23 triệu trẻ em từ 1-14 tuổi.

GciI4j8C.jpgPhóng to
TS. Trần Minh Điển - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương trả lời các câu hỏi của bạn đọc- Ảnh: Nguyễn Khánh

* Tôi thấy các phụ huynh đưa con đi tiêm phòng văcxin sởi rất đông mặc dù có cháu đã được tiêm đủ 2 mũi. Tôi muốn cho con và các cháu của mình đi tiêm được không? Các cháu đều tiêm đủ 2 mũi. Tôi muốn bổ sung vitamin A cho các cháu có được không, nhất là cháu bé nhà tôi mới sinh mới được 2 tuần tuổi. (Nguyễn Thị Hồng Xiêm, 34 tuổi, hongxiem_pt@...)

- Ông Trần Minh Điển: Khi đã tiêm chủng đủ 2 mũi thì đảm bảo trẻ miễn nhiễm mắc sởi đến 90-95%. Trong điều kiện thành phố, các thực phẩm phẩm có rất nhiều vitamin A, trong rau củ quả màu, do vậy bổ sung cho các em bé bằng thức ăn đường miệng là tốt nhất, không cần bổ sung vitamin A nếu không mắc bệnh lý sởi hoặc bệnh lý thiếu vitamin A khác. Em bé hai tuần tuổi chủ yếu cho tăng cường bú mẹ là đảm bảo đủ miễn dịch với sởi và các bệnh lý khác nếu bà mẹ đã tiêm chủng đủ hoặc đã mắc sởi.

* Tôi đã từng mắc sởi lúc nhỏ. Tôi có 2 con. Cháu lớn 4 tuổi đã tiêm sởi đủ 2 mũi vào lúc 9 tháng và 18 tháng, giờ tiêm thêm mũi sởi, quai bị, rubella được không và như vậy đã an toàn với sởi chưa? Bé nhỏ 8 tháng, tôi đã từng mắc sởi vay bé có được truyền miễn dịch từ mẹ không? (Nguyen Nhinh, 30 tuổi, hoadongnoind04)

- Ông Trần Minh Điển: Nếu em bé đã tiêm đủ hai mũi vắcxin sởi không cần phải tiêm tiếp. Với em bé 8 tháng tuổi có thể đã có kháng thể từ mẹ cho qua từ thời kỳ bào thai, như vậy bé đủ 9 tháng gia đình cho đi tiêm phòng sởi mũi 1.

* Con tôi hiện được 8 tháng tuổi, theo chương trình tiêm chủng thì chưa được tiêm. Trước đây tôi đã mắc sởi như vậy bé có được miễn dịch từ mẹ đến 9 tháng tuổi không? Trong tình hình dịch như hiện nay, bé 8 tháng tuổi có được xem xét để tiem ngừa sớm không? Trường hợp đã mắc sởi rồi thì sẽ không bị mắc nữa phải không? Từ khi tiêm chủng thì bao lâu bé mới có được miễn dịch?(Trần Minh Triết, 32 tuổi, trdphac@)

- Ông Trần Minh Điển: Em bé đã được nhận kháng thể từ mẹ truyền qua từ thời kỳ bào thai. Trong thời kỳ hiện nay cần giữ bé trong môi trường sạch sẽ, tránh tiếp xúc nhiều người, dinh dưỡng, bú mẹ đầy đủ và đến 9 tháng tuổi cho bé đi tiêm phòng vắcxin sởi mũi 1. Trường hợp bé đã mắc sởi rồi thì sẽ không mắc nữa. Từ khi tiêm chủng sau 2-3 tuần sẽ có miễn dịch, và trẻ sẽ miễn nhiễm với sởi đạt hiệu quả 95%.

* Con tôi 29 tháng tuổi, nặng 12,5 kg, đang bị mắc sởi và ở giai đoạn bắt đầu tan dần ban sởi từ vùng mặt. Cháu hiện giờ rất yếu, mặc dù đã được chăm sóc rất kỹ. Theo toa của bác sĩ tôi đã cho uống Vitamin A 50,000 UI /ngày, 3 viên Vitamin C liều cao và kháng sinh, chăm sóc vùng mắt và mũi hàng ngày, xin các bác tư vấn cách chăm sóc từ giai đoạn này. (Giao Phan, 42 tuổi, ptdgiao@)

- Ông Trần Minh Điển: Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ là yếu tố cực kỳ quan trọng, thân thể mắt mũi, các hốc tự nhiên khác như hậu môn, bộ phận sinh dục. Vệ sinh da bằng cách lau rửa bằng nước sạch, có thể nước lá kinh giới, sài đất làm lành da cho em bé. Môi trường cần phải thoáng khí, tránh tiếp xúc nhiều người. Dinh dưỡng bằng các thức ăn lỏng, nhẹ và thức ăn quen thuộc của em bé trước kia, vệ sinh thực phẩm thật tốt, tránh các thức ăn dễ gây dị ứng hoặc nhiễm khuẩn. Có lẽ không cần uống thêm vitamin C liều cao.

* Tôi muốn hỏi về lịch tiêm văcxin sởi. Theo tôi biết thì WHO&CDC không khuyến cáo tiêm văcxin sởi cho trẻ dưới 6 tháng tuổi vì sợ sự trung hòa kháng thể từ mẹ. Tuy nhiên kháng thể từ mẹ chỉ có trong trường hợp mẹ đã từng tiêm ngừa sởi hoặc từng mắc sởi. Bản thân người mẹ cũng không thể nhớ được mình từng mắc sởi hay đã chích ngừa sởi chưa? Và từ 6 tháng-9 tháng tuổi, nếu có kháng thể chăng nữa từ mẹ thì giai đoạn này kháng thể cũng giảm. Vậy có nên đề ra 1 khuyến cáo tiêm văcxin trong lứa tuổi <9 tháng tuổi (ít nhất là trong giai đoạn khủng hoảng này)? (Hieu, 24 tuổi, wrack_conduonggio@...)

- Ông Trần Minh Điển: Hiện nay WHO chưa có khuyến cáo tiêm sởi cho trẻ dưới 9 tháng. Cũng không đảm bảo chắc chắn rằng bà mẹ đã tiêm chủng đủ hoặc đã mắc sởi, do vậy trong giai đonạ này nên giữ em bé trong môi trường sạch sẽ, tránh tiếp xúc với nhiều người, nhất là các bé nhỏ có nguy cơ mắc sởi từ cộng đồng, như nhà trẻ, trường học, tích cực cho con bú mẹ hoặc ăn sữa công thức để đảm bảo dinh dưỡng tốt.

* Tôi có con gái 25 tháng tuổi, xin hỏi ông liệu cháu có thể mắc hoặc lây bệnh sởi không. Ở tuổi nào thì không còn mắc bệnh sởi, tôi phải làm gì để tránh cho cháu không mắc bệnh trong đợt dịch này? (Phạm Văn Tiến, 41 tuổi, tienphamvan99@...)

- Ông Trần Minh Điển: Tiêm phòng vắcxin sởi là biện pháp hiệu quả nhất để tránh bệnh lý sởi, cần phải cho cháu bé đi tiêm ngay sẽ có hiệu quả sau 2-3 tuần tới. Trong giai đoạn này, nên giữ gìn cháu bé trong môi trường sạch sẽ, tránh tiếp xúc nhiều người, đặc biệt là các em bé có bệnh sởi.

* Tôi được biết hiện nay bệnh viện Nhi trung ương đang quá tải và lo ngại hơn đây cũng chính là nơi đang trở thành ổ dịch sởi. Hiện tại cháu nhà tôi 6 tháng tuổi, đang bị sốt 2 ngày nay, tôi rất lo lắng và không biết đưa cháu đi khám ở đâu? Xin hỏi có thể đưa cháu đi khám ở đâu? (Hoàng Minh Thông, 30 tuổi, tomkkplastic@...)

- Ông Trần Minh Điển: Với tình trạng sốt của các em bé, chị có thể đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra. Ngay tại Bệnh viện Nhi T.Ư, chúng tôi đã có các biện pháp cách ly các em bé mắc sởi. Hiện nay tình trạng lây chéo trong bệnh viện đã giảm rất nhiều.

* Cháu nội tôi 18 tháng tuổi. Cháu đã tiêm ngừa sởi hồi 9 tháng tuổi. Đến lúc cháu 12 tháng tuổi thì bị sốt và phát ban đỏ trong khoảng 1 tuần. Nay ba mẹ cháu không dám cho chích ngừa vì sợ tai biến và lây lan từ chỗ đông người như bệnh viện, phòng khám. Cháu có cần phải chích ngừa lần 2 không? (Diệp Kim Quyên, 54 tuổi, quyen.diepkim@)

- Ông Trần Minh Điển: Gia đình nên kiểm tra lại lịch chích ngừa lần hai của bé và cho bé đi chích ngừa theo hạn. Sốt và phát ban đỏ lúc 1 tuổi có thể do sốt phát ban virus khác.

* Cách đây 1 tuần con tôi bệnh phải nằm viện 2 ngày (từ khi vào viện tới nay không thấy sốt). Tối qua cháu bị sốt lại không biết có phải lây nhiễm sởi khi cháu nằm viện không? Tôi đang lo lắng, xin cho biết cách nhận biết trẻ bị sởi sớm nhất để tôi kịp đưa con đi điều trị. (Nguyễn Hồng Phượng, 1983 tuổi, phuong1980vt@...)

- Ông Trần Minh Điển: Cần phải đưa cháu đến sớm lại bệnh viện để đánh giá tình trạng sốt và toàn trạng chung của bé, xem có ổ nhiễm khuẩn gì khác hay không, như viêm hô hấp trên, viêm tai, nhiễm khuẩn tiết niệu... Nếu như bé có biểu hiện sốt, ho, chảy nước mắt nước mũi thì cẩn thận bé đã mắc sởi. Nên đi đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị cho cháu.

* Bệnh sởi trở thành dịch một phần do nguyên nhân về vụ tiêm văcxin gây sốc thuốc trước đây nên các cha mẹ sợ đưa con đi tiêm ngừa. Và có người nghĩ bị sốc thuốc là do văcxin nhập về không được kiểm tra và không đảm bảo? (Trần Bảo Toàn, 24 tuổi, toan_tran@...)

- GSTS Nguyễn Trần Hiển: Vắcxin sởi được sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng hiện nay là vắcxin do Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắcxin và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế sản xuất. Toàn bộ dây chuyền sản xuất vắcxin do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, công nghệ do Viện Nghiên cứu về vắcxin hàng đầu của Nhật Bản chuyển giao.

Việc sản xuất vắcxin được thực hiện theo quy trình Thực hành sản xuất tốt của Tổ chức y tế thế giới và được các chuyên gia đánh giá là một trong những vắcxin tốt nhất hiện nay. Trước và trong khi sử dụng, vắcxin luôn được Viện Kiểm định vắcxin và sinh phẩm y tế quốc gia kiểm định về chất lượng.

Bên cạnh đó, vắcxin được bảo quản đúng quy trình, trong dây chuyền lạnh, cán bộ y tế được tập huấn về tiêm chủng an toàn. Toàn bộ châu Mỹ đã loại trừ bệnh sởi bằng vắcxin từ 2002. Ở VN đã sử dụng hơn gần 100 triệu liều vắcxin sởi trong tiêm chủng thường xuyên và chiến dịch,

TT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên