19/04/2014 08:24 GMT+7

Không công bố, chỉ thông báo dịch sởi!

LAN ANH
LAN ANH

TT - Trước sức ép của báo chí và người dân, hôm qua 18-4 Bộ Y tế đã tổ chức họp báo công bố dịch sởi. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long một mặt né nhiều câu hỏi khó, một mặt tuyên bố có dịch sởi ở VN, nhưng không công bố mà chỉ thông báo dịch.

Hà Nội chưa công bố dịch sởiHơn 7.000 ca bệnh sởi, 111 ca tử vongBệnh sởi gây biến chứng gì, điều trị ra sao?

UgcISybi.jpgPhóng to
Phụ huynh đưa con em đi tiêm phòng sởi tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội chiều 18-4 - Ảnh: Việt Dũng
NnxSRvZ2.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi họp báo “thông tin phòng chống dịch sởi” vào chiều 18-4

Gần 100 cơ quan báo chí đã tham dự cuộc họp báo do Bộ Y tế tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì. Hầu hết câu hỏi người dân quan tâm đều không được trả lời tại cuộc họp báo, đặc biệt các câu hỏi như vì sao Bộ Y tế chưa công bố dịch, có phải số ca mắc và tử vong do sởi thấp hơn thực tế...

Trong khi đó, trả lời Tuổi Trẻ sáng cùng ngày, ông Nguyễn Trần Hiển, chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, thừa nhận có ít nhất hai bất thường trong mùa dịch sởi này. Thứ nhất, tỉ lệ tử vong do sởi và liên quan đến sởi trong gần bốn tháng qua gần gấp 30 lần tổng số tử vong do sởi trong chín năm gần đây. Thứ hai là tỉ lệ trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm ngừa sởi) mắc sởi rất cao.

Báo động bệnh viện thành ổ dịch

Hôm 18-4 là ngày thứ hai Bệnh viện Nhi T.Ư tiến hành phân luồng để giảm tải bệnh viện. Mặc dù đưa thêm năm khoa phòng khác vào điều trị bệnh sởi, giảm phẫu thuật theo lịch mà chỉ mổ cấp cứu và bán cấp cứu, nhưng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi T.Ư vẫn còn đến 173 bệnh nhi, gấp đôi số giường hiện có tại khoa. Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gửi Thủ tướng Chính phủ, chỉ trong ngày 17-4 đã có tới 33 bệnh nhi từ các khoa phòng khác được chuyển về khoa truyền nhiễm do... lây sởi trong bệnh viện.

"Chúng tôi sẽ công bố tên và tỉ lệ tiêm ngừa ở các địa phương, để từ đó các địa phương tự xem xét lại mình"

Ông NGUYỄN THANH LONG(thứ trưởng Bộ Y tế)

Tình hình mới giảm được một chút nhiệt tại Bệnh viện Nhi T.Ư, nhưng việc phân luồng lại khiến bệnh nhân tăng vọt tại Bệnh viện Bạch Mai. Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu kê giường ngoài hành lang. Với đặc thù là bệnh truyền nhiễm dễ lây, chỉ cần “đi qua đầu giường một bé bị sởi đã có thể mắc sởi”, mà theo nhận định của chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia Nguyễn Trần Hiển, bệnh viện trông như một cái chợ, rất khó để chống lây nhiễm chéo! “Lẽ ra Bệnh viện Nhi T.Ư phải tiến hành khám phân loại, sàng lọc từ phòng khám và đưa bệnh sởi vào khu cách ly ngay từ đầu” - ông Hiển nói.

Ở bệnh viện tuyến đầu, nhưng có giường xếp bệnh nhi tiêu chảy cạnh bệnh nhi sởi, nên không lạ khi chính bệnh viện trở thành ổ dịch. Một trong những trường hợp tử vong mới nhất (ngày 16-4) là bé H.N.P., 9 tháng tuổi, ở Văn Giang, Hưng Yên, nhiễm sởi khi điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Trả lời báo chí ngày 18-4, ông Trần Minh Điển, phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết bệnh viện đang quyết liệt giảm tải để tránh lây nhiễm chéo. Nhưng lẽ ra hoạt động này đã phải được triển khai từ đầu mùa dịch để tránh những ca lây nhiễm chéo và những cái chết oan uổng.

0kNBd6sp.jpg
Ông Nguyễn Trần Hiển - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương Ảnh: n.khánh
“Việt Nam hiện nay là đã thông báo dịch”

Theo ông Nguyễn Trần Hiển, có ít nhất hai điểm bất thường rất dễ nhìn thấy ở mùa dịch sởi năm nay. Đó là tỉ lệ tử vong rất cao. Trong 10 năm gần đây chỉ có năm 2009 có hai ca tử vong do sởi, năm 2010 hai ca, nhưng gần bốn tháng qua, con số này là 116 trường hợp (trong đó Bệnh viện Nhi T.Ư có thêm hai bệnh nhi nặng xin về ngày 17-4, tính riêng bệnh viện này đã có 107 ca tử vong). Tính chung, tổng số tử vong trong gần bốn tháng qua do sởi và biến chứng do mắc sởi, liên quan đến sởi gần gấp 30 lần tổng số tử vong từ năm 2004 đến 2013. Điểm lạ thứ hai là tỉ lệ bệnh nhi dưới 9 tháng tuổi (thời điểm tiêm văcxin ngừa sởi mũi 1) mắc sởi rất cao, 28% số tử vong ở lứa tuổi này. “Không phải các nước không có trẻ dưới 9 tháng mắc sởi, nhưng tỉ lệ ở Việt Nam cao hơn”- ông Hiển cho biết.

Trả lời tại cuộc họp báo chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết quy định hiện hành cứ có ba ca sốt phát ban nghi sởi ở một ổ dịch, trong đó có hai trường hợp dương tính với sởi đã có thể thông báo dịch. Các văn bản, giấy tờ từ đầu mùa dịch sởi đến nay đều ghi rõ là “phòng chống dịch sởi” chứ không nói là không có dịch. “Việt Nam hiện nay là đã thông báo dịch”- ông Long nói.

"Hiện các nước vẫn giữ lịch tiêm ngừa mũi 1 khi trẻ 9 tháng tuổi, tương tự Việt Nam. Tuy nhiên họ có khuyến cáo trẻ dưới 9 tháng đi du lịch ở vùng có dịch sởi cũng có thể tiêm ngừa"

Ông NGUYỄN TRẦN HIỂN (chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia)

Cứ luẩn quẩn thông báo dịch hay công bố dịch, số tử vong do sởi đột ngột tăng cao có phải là giấu dịch, vì sao đang công bố 25 ca tử vong mà đột ngột sau năm ngày số tử vong tăng lên trên 100 trường hợp... nên ông Long không còn thời gian để trả lời chất vấn việc Bộ Y tế đã chậm trễ chống dịch và không lường hết được mức độ vụ dịch này. Tuy nhiên, ông Long thừa nhận trong vụ dịch sởi năm nay có chuyện “nóng văn bản nhưng lạnh thực thi”, tức là tình hình triển khai chống dịch ở địa phương rất chậm. “Ngay trong ngày mai chúng tôi sẽ công bố tên và tỉ lệ tiêm ngừa ở các địa phương, để từ đó các địa phương tự xem xét lại mình”- ông Long nói.

Mặc dù có đến 116 ca tử vong, nhưng theo báo cáo mới được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đánh giá số tử vong và số bệnh nhi mắc sởi có diễn biến nặng sẽ còn tăng. Ngay trong chiều 18-4, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký công văn cử năm doàn kiểm tra phòng chống dịch sởi tại Hà Nội và TP.HCM, việc kiểm tra bắt đầu từ ngày 23-4 và tập trung công tác điều trị, phòng chống dịch sởi, rà soát lại số mắc, số tử vong và tổ chức tiêm vét văcxin...

Tặng bơm kim điện cho Bệnh viện Nhi trung ương

Ngày 18-4, Công đoàn Ngân hàng BIDV đã tặng cho khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi T.Ư 10 bơm kim điện để có thiết bị điều trị cho bệnh nhân sởi nặng. Theo bà Dương Minh Thu - trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Nhi T.Ư, sau khi đọc lời kêu gọi hỗ trợ thiết bị y tế tối cần thiết để cấp cứu bệnh nhi mắc sởi nặng được đăng tải trên Tuổi Trẻ, cán bộ công nhân viên BIDV đã đóng góp để dành 250 triệu đồng mua 10 bơm kim tiêm điện. Số bơm kim tiêm này được chuyển ngay tới bệnh viện trong chiều 18-4.

Ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi

Ngày 18-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã ký ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sởi mới cập nhật, nhằm đáp ứng điều trị cho nhóm trẻ mắc sởi nặng và trẻ dưới 9 tháng tuổi. Điểm mới của phác đồ này là dành riêng một mục hướng dẫn chống phơi nhiễm sởi cho trẻ mắc các căn bệnh khác đang điều trị tại bệnh viện. Theo đó, sử dụng Immune Globuline tiêm bắp cho trẻ đang điều trị bệnh khác nhưng có phơi nhiễm với bệnh sởi, trẻ có suy giảm miễn dịch được tiêm liều gấp đôi.

Phác đồ này cũng phân tuyến điều trị sởi, trong đó tuyến xã hướng dẫn điều trị cho trẻ chưa có biến chứng, tuyến huyện chăm sóc điều trị cho bệnh nhân sởi có biến chứng hô hấp nhưng không có suy hô hấp, tuyến tỉnh chăm sóc và điều trị bệnh nhân sởi có biến chứng, tuyến T.Ư chỉ điều trị bệnh nhân có biến chứng vượt quá khả năng điều trị của tuyến tỉnh.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên