Hơn 7.000 ca bệnh sởi, 111 ca tử vongBệnh viện Nhi trung ương kêu gọi hỗ trợ bơm tiêm điệnBệnh sởi gây biến chứng gì, điều trị ra sao?
Nhiều trẻ bị sởi nặng nhập viện phải thở bằng máy tại khoa truyền nhiễm Viện Nhi Trung ương - Ảnh: Việt Dũng |
Tính chung cả bé 3 tháng tuổi tử vong do sởi ở Hải Phòng, đến nay đã có 114 bé được xác nhận tử vong do sởi và các biến chứng liên quan đến sởi. Nhưng ở vùng “tâm bão” sởi, nơi có 30% số mắc và 50% số tử vong liên quan đến sởi, Hà Nội vẫn nói không công bố dịch sởi.
WHO: 3 ca bệnh sởi đã có thể công bố dịch
Yêu cầu cung cấp thông tin chính xác Ngày 17-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có văn bản gửi các Sở Y tế tỉnh thành về thực hiện công điện chống dịch sởi của thủ tướng. Đáng chú ý trong văn bản này, thứ trưởng Long yêu cầu khi chưa đủ điều kiện công bố dịch theo quy định hiện hành, các địa phương cung cấp thông tin một cách chính xác. Đồng thời đánh giá chính xác tình hình dịch để có biện pháp phòng chống hiệu quả. L.ANH |
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, đến ngày 14-4 Hà Nội chiếm đến 2.800 trong tổng số hơn 8.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi của cả nước. Hơn 1.500 ca trong số này đã có xét nghiệm xác định mắc sởi. So với 61 địa phương trong cả nước đã xuất hiện bệnh nhân sởi (hiện chỉ còn Cao Bằng và Bắc Kạn chưa công bố ca mắc sởi), Hà Nội dẫn đầu về số mắc, số nghi mắc, số tử vong, với 30/30 quận huyện đã có bệnh nhân sởi.
Tại cuộc họp kín với Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 16-4, nguồn thông tin của Tuổi Trẻ cho biết trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN Takeshi Kasai đã khuyến cáo tùy mục tiêu từng quốc gia, nhưng theo WHO chỉ cần ba ca bệnh sởi đã có thể công bố dịch. Tuy nhiên, Hà Nội, nơi có số mắc và tử vong do sởi lớn nhất nước, nơi đang phải dựa phần lớn vào các bệnh viện tuyến T.Ư như Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư và Bệnh viện Bạch Mai điều trị cho bệnh nhân địa phương, vẫn tuyên bố chưa đủ điều kiện công bố dịch sởi.
Đáng chú ý hơn, các báo cáo về số ca mắc, số chưa được tiêm phòng lên UBND TP Hà Nội đã được “thu” cho thấp hơn so với thực tế. Theo đó, báo cáo của Bộ Y tế cho biết đến ngày 14-4, Hà Nội có trên 1.500 ca sởi đã có xét nghiệm xác định, thì đến 16-4, Sở Y tế vẫn chỉ báo cáo lên TP 1.052 ca mắc, “giấu” đi 30% so với con số Bộ Y tế có trước đó hai ngày. Việc UBND TP Hà Nội quyết định chưa công bố dịch một phần có thể vì họ chưa nhận được thông tin đầy đủ về vụ dịch này.
Bên cạnh đó, Hà Nội đối phó với bệnh sởi rất chậm. Theo báo cáo của Bộ Y tế, Hà Nội xuất hiện bệnh nhân sởi đầu tiên ngày 1-1-2014, nhưng phải đến 6-2-2014, thông tin Hà Nội có sởi mới được báo lên Bộ Y tế, khi đó Hà Nội đã có ca tử vong đầu tiên do sởi là một bé 7 tháng tuổi ở huyện Đông Anh. Suốt hai tháng đầu năm, bệnh sởi lây lan và dần phủ khắp các quận huyện, nhưng Hà Nội không có bất kỳ hoạt động phòng dịch nào đáng kể. Phải đợi đến tháng 3, khi Bộ Y tế tổ chức tiêm vét văcxin sởi thì Hà Nội mới vào cuộc.
Phân luồng bệnh nhân
Từ ngày 17-4, ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có cuộc làm việc với các bệnh viện đầu ngành và bệnh viện vệ tinh ở Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai đã nhận điều trị bệnh nhân sởi từ khu vực Hưng Yên, Hải Dương... chuyển về, thay vì tất cả bệnh nhân đổ về Bệnh viện Nhi T.Ư như trước. Theo ông Trần Đắc Phu, đây là một trong những biện pháp phân luồng bệnh nhân, giảm tải cho Bệnh viện Nhi T.Ư.
Cũng theo ông Phu, để chống lây nhiễm chéo bệnh sởi cho bệnh nhi đến điều trị các bệnh khác tại Bệnh viện Nhi T.Ư, Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Nhi T.Ư tiến hành chống nhiễm khuẩn bệnh viện ngay tuần này. Trong thời gian qua, một tỉ lệ rất lớn bệnh nhi mắc sởi do lây tại bệnh viện, hoặc cùng lúc nhiễm 2-3 loại vi khuẩn, virút tại bệnh viện. Ông Lê Thanh Hải, giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, cho hay mới đây khi giải phẫu tử thi một trẻ tử vong do biến chứng sau mắc sởi, thấy phổi của bé dầy đặc adeno virus nhiễm từ bệnh viện. “Nhiều loại virút cùng tấn công một cơ thể đã yếu ớt khiến các bé khó chống đỡ” - ông Hải giải thích.
Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ triển khai hai đề tài nghiên cứu về dịch tễ học, biểu hiện lâm sàng và đáp ứng miễn dịch sởi với trẻ sơ sinh, thông qua việc lấy máu cuống rốn của các bé sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, nhằm đánh giá tình trạng miễn dịch của trẻ đối với bệnh sởi. “Chúng tôi muốn tìm hiểu xem vì sao thời gian qua có quá nhiều trẻ chưa đến thời điểm tiêm sởi đã mắc bệnh sởi”- ông Phu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận