Hình ảnh xuất hiện trên trang web của IS cho thấy cảnh một thành viên IS ở Mosul, Iraq kiểm tra các phong bì tiền thu thuế - Ảnh: New York Times |
Báo New York Times vừa phỏng vấn hàng loạt người dân từng sống trong những vùng lãnh thổ IS kiểm soát tại Syria và Iraq cùng các quan chức phương Tây và Trung Đông theo dõi hoạt động tài chính của IS. Và một bức tranh toàn cảnh về hệ thống tài chính của IS đã được mô tả lại rõ ràng, chi tiết.
Cứ ba tháng một lần, anh Mohammad al-Kirayfawai phải nộp phong bì 300 USD cho các tay súng IS để lái xe tải chở kem và các loại thực phẩm khác từ Jordan vào khu vực bị IS kiểm soát ở Iraq. Các tay súng IS giám sát biên giới coi đây là tiền thuế. Thậm chí chúng còn cung cấp hóa đơn có đóng dấu với logo của IS cho anh Kirayfawai.
Các loại thuế phí cắt cổ
Nếu từ chối chi tiền, anh Kirayfawai sẽ phải lãnh hậu quả nghiêm trọng. “Chúng dọa nếu tôi không đóng tiền thì chúng sẽ bắt giữ tôi hoặc đốt cháy xe tải của tôi” - anh Kirayfawai kể. Đó là trường hợp điển hình cho thấy IS đã lập ra một hệ thống công chức mang tính chất “thú săn mồi” để hút máu hút mủ của người dân sống hoặc di chuyển qua các vùng lãnh thổ chúng kiểm soát.
Các nhân chứng cho biết IS thu tiền thuế phí cầu đường, giao thông, cho thuê tòa nhà văn phòng chính phủ, bóp nặn người dân bằng tiền nước và điện cao, thuế thu nhập, thuế đánh lên vụ mùa, hoạt động chăn nuôi gia súc… và cả tiền phạt đối với những hành vi như hút thuốc hay mặc quần áo không đúng truyền thống đạo Hồi.
“Chúng chiến đấu vào buổi sáng rồi thu thuế vào buổi chiều” - chuyên gia Louise Shelley thuộc Trung tâm Khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và tham nhũng của ĐH George Mason (Mỹ) nhận định. Thời gian qua, tình báo quốc tế chỉ chú ý đến các nguồn thu nổi bật của IS như buôn lậu dầu thô, ăn cướp các ngân hàng ở Syria và Iraq, bán cổ vật, đòi tiền chuộc con tin và nhận tiền quyên góp từ các đại gia cực đoan giàu có tại vùng Vịnh.
Nhưng các chuyên gia tình báo và tài chính phương Tây và Trung Đông giờ xác định nguồn thu lớn nhất của IS xuất phát từ cộng đồng người dân và doanh nghiệp nằm dưới quyền sinh sát của chúng. Sau vụ khủng bố Paris và vụ đánh bom máy bay Nga, Mỹ và Nga liên tục công phá các cơ sở dầu khí và hàng trăm xe tải chở dầu của IS. Nhưng tình báo cho biết IS đủ sức bù đắp thiệt hại do mất nguồn thu dầu thô.
Và khi còn kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria và Iraq, đặc biệt các thành phố lớn, IS còn sống khỏe. “Chỉ có thể cắt nguồn tài chính của IS khi giành lại nền tảng thu nhập của chúng. Đó là các vùng lãnh thổ chúng kiểm soát” - chuyên gia chống khủng bố Seth Jones của Hãng RAND Corporation nhận định.
Người ủng hộ IS tuần hành ở Mosul - Ảnh: New York Times |
Lãnh thổ chính là nguồn tiền
Trong các vùng lãnh thổ đó, IS chiếm quyền kiểm soát hệ thống quản lý nhà nước và dùng mối đe dọa bạo lực để buộc người dân và các doanh nghiệp phải cúi đầu chịu phục. Ví dụ như tại khu dân cư Bab al-Tob ở Mosul (Iraq), IS biến một đồn cảnh sát lớn thành một khu chợ với 60 gian hàng bán trái cây và rau. Tiền thuê mỗi năm là 2,8 triệu dinar, tương đương 2.500 USD.
Tại “thủ đô” Raqa ở Syria, IS dựng lên một cơ quan gọi là Văn phòng Dịch vụ. Cơ quan này cử nhân viên tới các chợ trong thành phố thu thuế vệ sinh 4-7 USD/tháng. Cư dân Raqa phải đến các điểm thu tiền để đóng tiền điện nước hằng tháng với giá cao. Một cơ quan khác là Văn phòng Nguồn lực quản lý hoạt động buôn lậu dầu, cổ vật và các hoạt động kinh doanh khác.
IS mở các nhà máy sản xuất nước đóng chai, nước ngọt, xưởng may, đồ nội thất, công ty điện thoại di động, nhà máy ximăng, hóa chất…. Đây là một nguồn thu đáng kể. IS còn buộc các doanh nghiệp nhỏ phải chi tiền bảo kê. “Chúng tôi phải trả tiền mặt hoặc dầu olive” - ông Tarek, một người Syria mới trốn sang Beirut (Libăng), cho biết. Gia đình ông vẫn còn đang sống ở Al Bab, khu vực bị IS kiểm soát ở Syria.
Mức “thuế” bảo kê này tương đương 10% thu nhập của doanh nghiệp. IS cũng buộc cư dân phải đóng tiền đăng ký sử dụng ôtô, sinh viên phải trả tiền mua sách giáo khoa Hồi giáo. IS đề ra mức phạt nặng đối với các hành vi vi phạm Luật Hồi giáo hà khắc. Ví dụ anh Mohammad Hamid từng ở Mosul bị phạt nộp 50.000 dinar (40 USD) và lĩnh 15 roi vì tội hút thuốc.
Các quan chức tình báo phương Tây ước tính với các nguồn thu này, IS huy động được 800-900 triệu USD mỗi năm. IS còn có nguồn thu từ dầu khí, ước tính 100-500 triệu USD/năm. Chúng từng cướp được khoảng 1 tỉ USD tài sản từ các ngân hàng ở Syria và Iraq. Học giả Daniel Benjamin thuộc ĐH Dartmouth, cựu quan chức chống khủng bố Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định mô hình tài chính của IS hoàn toàn khác với các tổ chức khủng bố khác.
Do đó Mỹ và phương Tây rất khó cắt dòng tài chính của IS. “Cách duy nhất để lấy đi tài sản của IS và nguồn thu của chúng là giành lại các vùng lãnh thổ chúng kiểm soát bằng sức mạnh quân sự” - một quan chức Chính phủ Mỹ thừa nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận