Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội, ĐBQH Lê Quân - Ảnh: Quochoi.vn
Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội, GS.TS Lê Quân trao đổi với Tuổi Trẻ Online nhân dịp Quốc hội thảo luận dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) rằng công tác điều chỉnh chính sách phải khẩn trương, nếu không thì nguy cơ sẽ hiện hữu.
"Gánh nặng an sinh" cho người cao tuổi
* Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng "VN chưa giàu đã già", xin hỏi ông là tốc độ già hoá dân số đang đặt chúng ta trước những nguy cơ gì?
- Chúng ta đang ở thời kỳ dân số vàng. Tuy nhiên, tốc độ già hóa dân số của VN thuộc nhóm cao nhất thế giới. Năm 2018 tổng nguồn nhân lực nước ta khoảng 66,7 triệu người (chiếm gần 92% dân số từ 15 tuổi trở lên), trong đó lực lượng lao động (LLLĐ) là 55,3 triệu người (chiếm gần 82% tổng nguồn nhân lực).
Trước đây, hàng năm lực lượng lao động tăng khoảng 1 triệu người. Đến nay, lực lượng lao động chỉ tăng được khoảng 400.000 người, và có xu hướng giảm dần do già hóa dân số.
Do đó, cạnh tranh trong thu hút nhân lực, kể cả lao động thiếu kỹ năng sẽ tăng cao. Có thể nhìn nhận 4 nguy cơ lớn trong trung và dài hạn:
Thứ nhất, nguy cơ năng suất lao động thấp khi chất lượng đào tạo chậm được cải thiện. Đặc biệt, khi VN hiện đang rất thiếu nhân lực trình độ cao, nhân lực đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, nguy cơ lãng phí do đào tạo không gắn với nhu cầu. Khi mà đầu tư của nhà nước và xã hội không khớp với nhu cầu của thị trường lao động; gây ra tình trạng chạy theo bằng cấp và lãng phí nguồn lực. Tình trạng thừa thiếu cục bộ nhân lực có nguy cơ diễn ra phổ biến.
Thứ ba, nguy cơ thất nghiệp ở tuổi trung niên. Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nguy cơ thất nghiệp ở tuổi trung niên là rất cao. Nhiều triệu lao động cần được đào tạo lại để hội nhập các công việc mới.
Thứ tư, nguy cơ với hệ thống an sinh xã hội khi tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội vẫn còn thấp. Hiện chúng ta mới có khoảng 14 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy, nếu tỷ lệ này không được cải thiện nhanh chóng, trong tương lai không xa, VN sẽ cần có nguồn lực rất lớn để đảm bảo an sinh cho người cao tuổi không có lương hưu.
Tiền lương thực tế sẽ tăng nhanh
* Chưa nói đến lương hưu, mà vấn đề tiền lương và thu nhập của người lao động trong thời gian qua, đặc biệt là mỗi khi điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, thì đều xảy ra những tranh luận khá gay gắt. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Trước hết phải nói rằng tiền lương tối thiểu tại nước ta vẫn được coi là thấp nhất trong khu vực. Tại Indonesia, quốc gia có lực lượng lao động đông đảo, tiền lương tối thiểu cao gấp khoảng 1,5 lần của VN. Tiền lương tối thiểu của Indonesia hàng năm đều tăng nhanh hơn VN.
Tiền lương tối thiểu tại Trung Quốc cũng gấp hơn 2 lần so với chúng ta (thêm vào đó là các loại bảo hiểm xã hội bình quân ở mức khoảng 39%). Các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đến VN một phần vì tiền lương công nhân và kỹ sư tại VN thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Thực tế hiện nay, lao động phổ thông Trung Quốc ít dịch chuyển sang VN, mà có xu hướng ngược lại.
Hiện nay, tiền lương tối thiểu của VN tăng hàng năm khoảng 5-6%, gần bằng mức tăng của GDP. Nhiều doanh nghiệp cho rằng chúng ta tăng quá nhanh so với sức chịu đựng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, dự báo thời gian tới, mức tiền lương trên thị trường lao động sẽ tăng nhanh hơn nhiều lần mức tăng của tiền lương tối thiểu.
Ông Lê Quân phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn
* Tại sao vậy, thưa ông?
- Thứ nhất, làn sóng đầu tư FDI tăng mạnh đến từ xu hướng chuyển dịch đầu tư trong khu vực, nhu cầu nhân lực cho các khu công nghiệp, khu kinh tế tăng nhanh. Nhu cầu tuyển dụng lớn sẽ đẩy tiền lương tăng nhanh.
Thứ hai, cùng với tăng trưởng và đô thị hóa, nhu cầu nhân lực khu vực dịch vụ và thương mại tăng trưởng nhanh. Khu vực này hấp dẫn lao động trẻ hơn, và cũng có cơ hội có thu nhập cao hơn khu vực sản xuất. Do đó, đầu tư vào sản xuất dựa trên nhân công giá thấp sẽ gặp khó trong tuyển dụng.
Thứ ba, nhu cầu nhân lực đi làm việc tại nước ngoài tăng rất mạnh. Hàng năm, khoảng gần 150 ngàn người đi làm việc tại nước ngoài; trong khi thị trường lao động hàng năm chỉ tăng hơn 300 ngàn người.
Số lao động đi làm việc bên kia biên giới hoặc đi lao động ngoài nước dưới hình thức du học cũng khá lớn. Mức thu nhập hấp dẫn đã hút một lực lượng đông đảo lao động khỏe mạnh và nhanh nhẹn.
Do vậy, doanh nghiệp VN phải nhanh chóng có chiến lược đổi mới chuỗi giá trị để tăng năng suất lao động, tăng giá trị gia tăng. Nếu chỉ dựa vào nhân công giá thấp, doanh nghiệp sẽ sớm gặp khó khăn bởi chi phí đầu vào tăng, trong khi giá bán khó tăng.
* Như vậy, áp lực đối với các doanh nghiệp VN là rất lớn?
- Đúng như vậy, trước hết áp lực đổi mới sáng tạo trong thời gian tới là rất cao. Doanh nghiệp nếu tiếp tục dựa vào nhân công giá rẻ sẽ gặp nguy cơ phá sản bởi chi phí nhân công tăng nhanh trong khi giá trị gia tăng và năng suất lao động không tăng.
Với doanh nghiệp FDI, thực tế hơn 30 năm thu hút FDI, khu vực này thu hút hơn 3 triệu lao động. Nhưng trên 90% nhân lực là công nhân và có kỹ năng nghề chưa cao.
Trong thời gian tới, dù mức tiền lương tăng nhanh, nhưng VN vẫn là quốc gia có chi phí nhân công thấp với các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, doanh nghiệp FDI tiếp tục có ưu thế trong tuyển dụng so với với doanh nghiệp VN.
Bên cạnh đó, hàng trăm ngàn lao động thanh niên có sức khỏe lựa chọn đi làm việc tại nước ngoài cũng góp phần làm khan hiếm nhân lực trên thị trường lao động trong nước.
Phải làm gì để tránh nguy cơ "chưa giàu đã già" ?
Quốc hội đang thảo luận để sửa đổi Bộ luật Lao động nhằm duy trì ổn định của lực lượng lao động thông qua tăng tuổi nghỉ hưu. Bên cạnh đó, chính sách linh hoạt về giờ làm thêm trong 5 năm tới sẽ góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp đủ nhân công trong khi chưa chuyển đổi kịp công nghệ. Tôi nghĩ rằng đây là những biện pháp quan trọng.
Cũng cần triển khai tốt chính sách đào tạo lại. Theo đó, sớm chuyển từ khuyến khích sử dụng nhân lực giá thấp, chưa qua đào tạo; sang sử dụng lao động qua đào tạo. Nghiên cứu sửa đổi Luật Việc làm để hạn chế sử dụng lao động chưa qua đào tạo. Nhiều ngành nghề bắt buộc phải sử dụng lao động qua đào tạo.
Cần sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh phân luồng, đổi mới giáo dục phổ thông để thanh niên sớm gia nhập thị trường lao động. Học nghề sớm gắn với học tập suốt đời giúp xã hội nhanh chóng có thêm vài trăm ngàn lao động có kỹ năng trong trung hạn.
Do áp lực cạnh tranh về nhân lực có kỹ năng, các doanh nghiệp và nhà trường có động lực và áp lực để hợp tác. Thay vì chờ tuyển dụng, doanh nghiệp phải chủ động tổ chức đào tạo, đào tạo lại, hoặc hợp tác với nhà trường để đào tạo.
Trong khi đó, giáo dục đại học phải tập trung đào tạo tinh hoa. Chúng ta cần có chính sách phát triển nhân lực đổi mới sáng tạo và đội ngũ doanh nhân, chuyên gia. Chính sách tự chủ tài chính nếu không được triển khai đúng, vô tình tạo áp lực bắt các trường phải tăng quy mô đào tạo.
Khi đó tỉ lệ thất nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn của nhân lực trình độ cao gia tăng sẽ gây lãng phí lớn.
Cuối cùng là tiếp tục hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động đảm bảo tính cập nhật dựa trên nền tảng công nghệ số, chú trọng đầu tư cho công tác dự báo thị trường lao động trong ngắn, trung và dài hạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận