05/11/2019 10:00 GMT+7

Người Việt nhập cư lậu ở nước ngoài: Hồi chuông cảnh báo trách nhiệm quản lý nhà nước

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Ngày 4-11, tại phiên họp Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường dành trọn bài phát biểu để phân tích nguyên nhân, truy trách nhiệm quản lý nhà nước trong vụ có người Việt thiệt mạng trong container trên đường nhập cư lậu.

Đề nghị Chính phủ, các cơ quan tư pháp trung ương làm rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước trong vụ việc và rút ra các bài học kinh nghiệm từ vụ việc để kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Mạnh Cường (phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội)

"Cả thế giới bàng hoàng", "bày tỏ sự căm phẫn đối với những kẻ phạm tội mua bán người, tổ chức môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép". 

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đã dùng những từ ngữ mạnh mẽ đó để chỉ tính nghiêm trọng của vụ việc 39 người chết tại Anh. Ông cho rằng những ngày qua các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã có nhiều hành động kịp thời, phối hợp với nước bạn để xử lý vụ việc, chia sẻ và động viên với gia đình các nạn nhân. 

"Những việc làm này là cần thiết nhưng chưa đủ. Cần có sự nhìn nhận, đánh giá tình hình một cách nghiêm túc và rút ra những bài học để những thảm kịch đau lòng tương tự không tái diễn" - đại biểu Cường lên tiếng.

Theo ông, trong vụ việc này "không thể không nói đến nguyên nhân từ những hạn chế trong thực hiện vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Vụ việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý nhà nước". 

Dẫn số liệu mỗi năm Việt Nam đưa hơn 100.000 người đi lao động nước ngoài theo con đường chính thức, ông Cường khẳng định số người lao động Việt Nam làm việc thực tế ở nước ngoài lớn hơn nhiều.

Đại biểu Cường truy trách nhiệm: "Thực trạng tội phạm mua bán người, tội phạm tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép cho thấy công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của việc tham gia vào những đường dây buôn bán người kết quả còn rất hạn chế, trách nhiệm này trước hết thuộc về chính quyền địa phương". 

Cụ thể là việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý an ninh biên giới, quản lý xuất nhập cảnh trên các địa bàn còn bất cập. Việc giải quyết công ăn việc làm để nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, việc tổ chức đưa người đi lao động ở nước ngoài theo con đường chính thức... vẫn còn hạn chế về mặt hiệu quả. 

Đặc biệt, các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn chưa đấu tranh hiệu quả để kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây mua bán người, các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo, tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Cũng đề cập đến vấn đề này, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật hình sự, coi loại tội phạm này là một trong những loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm để có biện pháp chế tài và đấu tranh tương xứng.

Trao đổi lại, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - thiếu tướng, giám đốc Công an tỉnh Nghệ An - cho rằng vụ 39 người chết tại Anh là "một thảm họa nhân đạo". Tuy nhiên, ông Cầu giải thích rằng vụ việc này xảy tại Anh, cho nên kết luận tội gì thì sẽ do cơ quan của Anh kết luận. 

Còn ở Việt Nam, theo điều 349 của Bộ luật hình sự, đó là "tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép". 

"Ngày hôm qua chúng tôi đã bắt thêm 8 đối tượng liên quan đến vụ việc này, sẽ điều tra làm rõ vụ việc" - tướng Cầu cho biết.

Nhiều gia đình nóng ruột chờ nhận dạng 39 nạn nhân ở Anh Nhiều gia đình nóng ruột chờ nhận dạng 39 nạn nhân ở Anh

TTO - Nhiều gia đình tại Nghệ An có người thân đang ‘mất liên lạc’ trên đường qua Anh rất nóng ruột, khi suốt nhiều ngày phải chờ đợi nhà chức trách xác định danh tính 39 nạn nhân trong thùng container.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên