Xe
07/02/2025 12:30 GMT+7

Người Việt hiếm hoi điều hành giải đua F1: 'Tự bỏ tiền để thấy xe vút 350km/h trước mặt'

Anh Việt Hưng cho biết những ai muốn tham gia điều hành giải đua F1 có thể bắt đầu với vai trò tình nguyện viên ở những cuộc đua nhỏ hơn ở địa phương, trong khu vực.

Người Việt hiếm hoi điều hành giải đua F1: 'Tự bỏ tiền túi để thấy xe vút 350km/h trước mặt' - Ảnh 1.

Anh Ngô Việt Hưng, giám đốc kỹ thuật giải đua VOC và VGC - Ảnh: HOÀNG DŨNG

Anh Ngô Việt Hưng là một trong những người Việt hiếm hoi tham gia điều hành giải đua F1. Trong chương trình Trên Ghế ngày 6-2, anh đã tiết lộ những gian nan để đến với công việc này.

* Điều gì khiến anh tự hào nhất trong năm qua, và còn gì mà anh tiếc nuối?

- Về sự tự hào, sau nhiều năm, chúng tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, bộ môn đua ô tô thể thao motorsport tại Việt Nam đang trên đà phát triển, dần bắt kịp với khu vực.

Bên cạnh giải vô địch quốc gia về ô tô gymkhana, chúng ta có một giải đua xe offroad uy tín. Từ giải đấu VOC, nhiều giải đua xe offroad khác cũng được tổ chức ở nhiều tỉnh thành.

Tuy nhiên, cũng có những sự tiếc nuối, phần nhiều đến từ việc chúng ta không tổ chức được giải đua xe F1 từ năm 2020 đến tận bây giờ. Nhiều cá nhân, tổ chức mong muốn mang F1 quay trở lại nhưng chưa làm được. Tất cả những gì chúng ta có là cơ hội hồi năm 2020, vì thế năm 2024 giải đua F1 vẫn chưa quay lại Việt Nam.

Người Việt hiếm hoi điều hành giải đua F1: 'Tự bỏ tiền túi để thấy xe vút 350km/h trước mặt' - Ảnh 2.

* Lý do là gì, thưa anh?

- Một trong những lý do chính là sau đại dịch COVID-19, mọi nguồn lực, về con người, tài chính cũng như sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, đều hạn chế hơn.

Một vài lý do khác đến từ quốc tế. Việc kết nối các nguồn lực từ các mối quan hệ quốc tế để tổ chức giải đua F1 rất gian nan, cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền và doanh nghiệp.

* Tháng 3 tới, anh sẽ là một trong những người Việt hiếm hoi tham gia điều hành giải đua F1 tại Úc. Anh có thể chia sẻ gì về điều này?

- Tôi được Liên đoàn Ô tô quốc tế (FIA) cũng như Liên đoàn Ô tô thể thao Úc (CAMS) đào tạo từ năm 2019-2020 để quản lý trường đua F1. Vì thế, tôi rất mong ngóng cơ hội được trải nghiệm và tham gia vận hành giải đua F1.

Năm vừa rồi, một người thầy cũng là bạn của tôi trở thành giám đốc trường đua F1 ở Úc, đã mời tôi tham gia vận hành giải đua tại đây. Sau đó tôi mời thêm 3 thành viên tại Việt Nam đã được đào tạo năm 2019-2020 cho giải đua F1 ở Mỹ Đình cùng tham gia.

Đến tháng 3 này, đoàn chúng tôi bao gồm 4 người sẽ sang trường đua Albert Park ở Melbourne. Chúng tôi sẽ được đứng ngay sát đường đua, tận mắt chứng kiến những chiếc xe F1 chạy qua mặt với tốc độ lên tới 320-350km/h.

* Tham gia vận hành giải đua là như thế nào, thưa anh?

- Chúng tôi là những người tình nguyện viên, nghĩa là chúng tôi tự bỏ chi phí ra để đi sang Úc để tham gia vận hành giải đua.

Bởi vì những người vận hành giải đua F1 là những người tình nguyện, không thuộc bất kỳ tổ chức nào mang tính thương mại hóa. Đây là tinh thần chung của tất cả các tình nguyện viên tham gia các giải thể thao ở các nước trên thế giới. Nhờ đó, kết quả của cuộc đua sẽ phản ánh trung thực.

Cộng đồng vận hành giải đua F1 trên thế giới rất lớn. Ví dụ, chặng đua tại Úc có 700-900 người tham gia, trong đó có 200-300 người đến từ các quốc gia khác.

Người Việt hiếm hoi điều hành giải đua F1: 'Tự bỏ tiền túi để thấy xe vút 350km/h trước mặt' - Ảnh 5.

* Làm thế nào để một người mới hoàn toàn có thể bắt đầu tham gia vào việc điều hành giải đua F1?

- Đây là kết quả của cả một quá trình dài và mất nhiều công sức.

Để bắt đầu, các bạn có thể tham gia tình nguyện ở các giải đua nhỏ ở địa phương. Từ đó, các bạn có thể tham gia vào cộng đồng tình nguyện viên điều hành các giải đua, dần dần đi lên các nấc thang cao hơn.

Tôi có 17 năm tham gia vào các hoạt động tình nguyện viên, tổ chức các giải đua xe. Vì thế, khi F1 đến Việt Nam, tôi mới có cơ hội được FIA và CAMS đào tạo. Từ đó tôi trở thành một thành viên trong cộng đồng những tình nguyện viên vận hành đua ô tô thể thao trên toàn thế giới.

Người Việt hiếm hoi điều hành giải đua F1: 'Tự bỏ tiền túi để thấy xe vút 350km/h trước mặt' - Ảnh 6.

* Tôi nghĩ rằng anh có những thuận lợi nhất định. Vậy với một người mới bắt đầu thì nên làm gì?

- Chúng tôi có may mắn là F1 đã đến Việt Nam năm 2020. Tuy chưa thực sự tổ chức nhưng chúng tôi đã được đào tạo để tham gia điều hành. Vì thế chúng tôi rất mong muốn có cơ hội đó, và luôn muốn kêu gọi cộng đồng những người đã được đào tạo tham gia vào các hoạt động như vậy.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, nếu muốn tham gia sẽ có đôi chút khó khăn. Với những ai thực sự muốn, các cộng đồng tại một số nước gần Việt Nam như Thái Lan, Singapore… luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Các bạn có thể đăng ký tham gia làm tình nguyện viên các giải đua nhỏ tại Thái Lan, Singapore rồi tiến lên các nấc tiếp theo.

Người Việt hiếm hoi điều hành giải đua F1: 'Tự bỏ tiền túi để thấy xe vút 350km/h trước mặt' - Ảnh 7.

* Một bộ phận không nhỏ nghĩ rằng đua xe là vô bổ, trái pháp luật, nguy hiểm… Anh muốn nói gì với những người này?

- Chúng tôi, những người xuất phát từ đam mê, đã tìm hiểu làm sao để đua xe ô tô thể thao motorsport an toàn. Khi đam mê, chúng ta phải tìm hiểu cách để chơi một cuộc chơi lâu dài và an toàn cho bản thân.

Ở Việt Nam trước đây rất khó để đua xe trên đường nhựa, vì hầu hết là đường công cộng. Vì vậy chúng tôi thường xuất phát từ bộ môn đua xe địa hình.

Chúng tôi tìm những bãi đất trống không có người, xin phép các cơ quan chức năng và ngăn khu vực đó tách biệt để chơi một cách an toàn. Từ đó đến nay, chúng tôi đã tạo ra những sân chơi hợp pháp để mọi người có thể tham gia.

Nếu muốn tập luyện, các bạn có thể xin phép chính quyền địa phương cho mượn một bãi đất trống. Khi đó, các bạn có thể luyện tập và có người quan sát, có người bảo vệ để đảm bảo không gây tai nạn.

Đua xe địa hình offroad ở Việt Nam đã rất phát triển. Với đua xe onroad, ở phía Nam chúng ta có những trường đua trả phí.

Quan trọng nhất các bạn phải đảm bảo an toàn cho bản thân, cho những người xung quanh trước khi nghĩ đến những gì lớn hơn.

Nếu muốn chơi lâu dài, an toàn và muốn đạt được những nấc thang mới, các bạn nên bắt đầu bằng cách tham gia những hội nhóm, học hỏi những người đi trước về cách làm sao để chơi an toàn.

Người Việt hiếm hoi điều hành giải đua F1: 'Tự bỏ tiền túi để thấy xe vút 350km/h trước mặt' - Ảnh 8.

* Cảm ơn anh rất nhiều.

Người Việt hiếm hoi điều hành giải đua F1: 'Tự bỏ tiền túi để thấy xe vút 350km/h trước mặt' - Ảnh 9.Tay đua tuổi Tỵ: Từ bị chê 'biết gì về xe' đến người dẫn đoàn chuyên nghiệp

Tiến Trần, tay đua xe địa hình và huấn luyện viên lái xe an toàn, nhớ mãi câu chê bai của bạn bè thời đi học để lấy đó làm động lực cho các bước thăng tiến sau này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên