Xe
11/10/2024 10:29 GMT+7

Cô gái vàng trong làng offroad: 'Đua thật chứ không phải đồ trang trí!'

Chị Nguyễn Hà Giang đã ghi dấu ấn trong làng offroad vốn tưởng như chỉ dành cho cánh mày râu.

Cô gái vàng trong làng offroad: 'Đua thật chứ không phải đồ trang trí!' - Ảnh 1.

Nguyễn Hà Giang được mệnh danh là “Cô gái vàng trong làng offroad” - Ảnh: NVCC

Do đặc thù của đua xe, đặc biệt là đua offroad, nhiều người thường cho rằng nữ giới chỉ hiện diện như một "nhân tố bên lề". Tuy nhiên, Nguyễn Hà Giang đã chứng minh rằng bất kỳ ai, dù giới tính nào, đều có thể trở thành một tay đua đích thực.

Trong chương trình Trên Ghế ngày 10-10, "cô gái vàng trong làng offroad" đã chia sẻ những trải nghiệm khi quyết định dấn thân vào lĩnh vực tưởng chừng như chỉ dành cho nam giới này.

* Mỗi người phụ nữ đều rất tất bật với công việc và gia đình, còn chị có thêm đua xe. Chị cân bằng ba điều này như thế nào?

- Đua xe là môn thể thao, là đam mê của tôi. Việc cân bằng giữa gia đình, công việc với một môn thể thao, nếu ai có đam mê thực sự tôi nghĩ rằng sẽ không khó.

Môn thể thao nào cũng cần có thời gian luyện tập. Còn tôi làm kinh doanh riêng, có nhân viên hỗ trợ nên tôi có thể chủ động được về thời gian.

Bên cạnh đó, gia đình cũng là hậu phương vững chắc. Thời gian đầu, mọi người tỏ ra lo lắng. Thế nhưng sau khi được theo dõi các buổi luyện tập cũng như thi đấu nghiêm túc, gia đình đã ủng hộ tôi rất nhiều.

Cô gái vàng trong làng offroad: 'Đua thật chứ không phải đồ trang trí!' - Ảnh 2.

* Nhiều người nói rằng đua xe offroad không phù hợp với phụ nữ. Vậy điều gì đã thôi thúc chị đến với bộ môn này?

- Khoảnh khắc này từ khoảng năm 2015-2016, giữa một đêm đông tuyết rơi ở Hà Giang, trong một lần tôi đi hỗ trợ các đoàn từ thiện. Khi đó, chứng kiến đoàn 6 xe bán tải "cõng" rất nhiều hàng hóa chở đến bà con vùng cao, tôi cảm tưởng đó như đoàn kỵ binh với những chiến binh mạnh mẽ. Hình ảnh này khiến tôi ngưỡng mộ thực sự. Từ giây phút đó, tôi bắt đầu có niềm đam mê rất lớn với xe bán tải.

Sau đó, dù chỉ mua một chiếc Chevrolet Spark, tôi đã sưu tầm những logo của các giải đua xe dành cho bán tải để dán vào chiếc Spark. Nhìn rất buồn cười.

Khi có điều kiện hơn, tôi đã đổi từ chiếc Spark lên một mẫu bán tải. Chuyến đi đầu tiên cùng chiếc bán tải đó cũng là chuyến từ thiện. Sau đó, từ những cung đường gập ghềnh, khó khăn, khúc khuỷu, tôi đi xem giải đua VOC và không tin rằng những mẫu bán tải có thể đi qua địa hình như thế.

Vì thế, tôi cũng đã thử sức chiếc xe của mình đi các địa hình khó. Dù lần đầu khá chật vật và không được thuận lợi, có gì đó thôi thúc tôi chinh phục những thử thách. Đó là lý do tôi đăng ký tham gia đua xe địa hình tại VOC 2018. Đây là thời điểm đánh dấu việc bước chân vào bộ môn đua xe địa hình của tôi.

* Chị đã vượt qua những khó khăn ban đầu như thế nào?

- Phụ nữ chơi xe có nhiều yếu tố bất lợi hơn so với nam giới.

Đầu tiên là sức khỏe, tiếp theo là tầm nhìn và khả năng phản xạ. Sức vóc của phụ nữ không bằng đàn ông, nên sẽ gặp nhiều khó khăn khi lái bán tải.

Thế nhưng điều khó khăn hơn là ánh nhìn của nhiều người với việc phụ nữ chơi xe là "rất không bình thường". Đa số mọi người thường gọi phụ nữ chơi xe là "bóng hồng của offroad", chỉ đồ trang trí, sẽ không có thành tích hay điều gì nổi bật.

Nhưng tôi đã chứng minh điều đó sai bằng cách tự rút kinh nghiệm và cố gắng hơn qua mỗi giải đấu. Trong cuộc sống hay trong mọi việc, tôi luôn tâm niệm phải tin mình làm được thì mới làm được. Nếu nghĩ rằng không làm được thì đã thất bại ngay từ suy nghĩ đầu tiên.

Ngoài ra, tôi cũng được các anh em, các vận động viên nam và các bạn làm về xe hỗ trợ, tư vấn. Khi nhận thấy tôi nghiêm túc với cuộc chơi, mọi người đã có cái nhìn khác.

Cô gái vàng trong làng offroad: 'Đua thật chứ không phải đồ trang trí!' - Ảnh 4.

* Nhiều người cho rằng việc chị đua xe một phần cũng là bổ trợ cho công việc kinh doanh. Hoặc vì chị tự kinh doanh nên mới có thời gian và kinh tế để đi đua xe. Chị suy nghĩ gì về điều này?

- Tôi có nhiều lần tâm sự cùng các anh em cùng chơi xe. Điều đầu tiên và quan trọng nhất phải là đam mê. Mỗi sân chơi đều có nhiều yếu tố, mọi người có thể mở rộng mối quan hệ, cũng là cách để khẳng định bản thân.

Tuy nhiên, những ai chỉ chơi để biết thì sau 1-2 lần họ sẽ dừng cuộc chơi. Còn người đam mê thực sự sẽ duy trì chơi xe bền bỉ lâu dài. Sau mỗi giải đấu, họ sẽ tiến bộ lên rất nhiều.

Câu hỏi thứ hai về điều kiện kinh tế, tôi nghĩ rằng không sai. Điều quan trọng là tôi kết hợp chiếc xe của mình "3 trong 1", bao gồm công việc, phương tiện đi lại và chơi. Tôi vẫn sử dụng chiếc xe này đi lại hằng ngày, chở hàng phục vụ kinh doanh, tham gia các chuyến từ thiện và cho cả đam mê.

Cô gái vàng trong làng offroad: 'Đua thật chứ không phải đồ trang trí!' - Ảnh 5.

* Cảm ơn chị rất nhiều.

Chương trình Trên Ghế được phát sóng lúc 18h10 thứ 3, 5, 7 và phát lại cùng khung giờ thứ 2, 4 hằng tuần trên HTV9.

Cô gái vàng trong làng offroad: 'Đua thật chứ không phải đồ trang trí!' - Ảnh 6.Nữ doanh nhân cầm lái siêu xe từ TP.HCM về Singapore tại Gumball 3000: 'Việt Nam thật tuyệt vời'

Amanda Toh Steckler là một trong những thành viên đặc biệt nhất tham dự hành trình siêu xe Gumball 3000 khởi hành từ Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên