30/07/2018 12:05 GMT+7

Người về sau giấy báo tử: Lá thư kỳ lạ

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Lúc nhập ngũ năm 1977 mới 20 tuổi, khi trở về ông Tiến đã 59 tuổi. Năm tháng cứ thế lặng lẽ trôi qua trong cuộc đời ông cho đến khi cô con dâu làm lý lịch kết nạp Đảng.

Người về sau giấy báo tử: Lá thư kỳ lạ - Ảnh 1.

Ông Đinh Thế Thắng, em trai ông Tiến, người đã nhận “lá thư kỳ lạ” để đưa người anh trai về với đại gia đình - Ảnh: MY LĂNG

Lúc nhập ngũ năm 1977 anh ấy mới 20 tuổi. Khi trở về, anh ấy đã 59 tuổi. Nhưng tôi vẫn nhận ra.

Ông ĐINH THẾ THẮNG

Cuối năm 2015, ông Đinh Thế Thắng ở xóm Trại Mới, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) bất ngờ nhận được một lá thư rất kỳ lạ. Lá thư đề tên người nhận là bố mẹ ông vốn đã mất từ lâu: "Bố Đinh Văn Nhòi, mẹ Đinh Thị Nho".

Lạ hơn nữa là người gửi ghi tên "Đinh Thế Tiến" - người anh của ông đã hi sinh từ năm 1978 theo giấy báo tử của đơn vị gửi về năm 1992.

Người anh biệt tích 38 năm

Vậy nhưng trong thư, người viết lại xưng là con dâu của anh trai ông Thắng.

"Cháu viết ngắn gọn, đại loại: bố chồng cháu là Đinh Thế Tiến, hiện nay vẫn còn sống, đang ở An Giang. Bố cháu muốn tìm về quê nhưng bị mất trí nhớ. Giờ cháu muốn làm lý lịch kết nạp Đảng nhưng không biết nguồn gốc của bố.

Bố cháu chỉ nhớ ở Hòa Bình, vùng sâu vùng xa. Cháu gửi thư này rất hi vọng được tìm thấy chú và gia đình. Tôi không tin vì anh tôi đã hi sinh lâu lắm rồi. Nếu còn sống mà sao không về? 38 năm kể từ ngày anh ấy đi bộ đội, gia đình không nhận được tin tức gì" - ông Thắng kể.

Nói về lá thư này, chị Ngọc Loan, con dâu ông Tiến, kể: "Tôi gửi thí thôi chứ không chắc chắn là có người nhận. Tôi là thống kê của xã đội, khi làm lý lịch để kết nạp Đảng không biết quê quán, người thân bên chồng ở đâu. Hỏi thì bố chồng không biết.

Ông hay xem tivi, thấy nhắc đến địa danh Hòa Bình, nhiều lần như vậy thì nhớ ra nói ngày xưa ở tỉnh Hà Sơn Bình (sau này tách thành hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình). Tôi lên mạng đọc hết tên những huyện, xã vùng sâu, đọc đến huyện Lương Sơn, bố nói hình như đúng rồi.

Tôi xem bản đồ, đọc những tên xã ở vùng sâu vùng xa, khi đọc đến xã Cao Răm bố nhớ rồi dần dần mới nhớ ra thôn Trại Mới. Nói tưởng nhanh chứ mất mấy năm bố mới nhớ dần ra và tôi cũng mất mấy năm mới hoàn thiện lý lịch vô Đảng".

Đọc xong thư, ông Thắng vội gọi theo số điện thoại ghi trong thư để gặp ông Tiến. Bên kia điện thoại là giọng người đàn ông nói tiếng miền Nam, ông Thắng không thấy có chút gì giống giọng của người Mường quê mình.

"Tôi nghi ngờ lắm, hỏi anh có biết tên anh chị em trong nhà không. Một lúc lâu sau ông ấy mới nhớ ra, nói có em thứ tư tên Hiên, thứ năm là Giới. Tôi tạm tin. Hỏi nhiều chuyện khác nữa nhưng ông ấy không nhớ, không biết gì..." - ông Thắng nhớ lại.

Nửa tháng sau khi nhận được lá thư đó, ông Thắng vẫn không báo cho ai biết, ông rất bình tĩnh và cẩn trọng gọi điện thêm nhiều lần xem thật giả thế nào. Sau đó người em thứ sáu trong gia đình đang du lịch ở miền Nam, tiện thể xuống An Giang xem thực hư thế nào.

"Em ảnh xuống đây mà ảnh có nhận ra đâu. Nhưng tui nhìn là biết anh em ruột rồi vì mặt giống nhau lắm" - bà Lê Thị Tha, vợ ông Tiến, nói. Lúc này ông Tiến ở cùng vợ con tại Tịnh Biên - một huyện giáp biên giới Campuchia của An Giang.

Người về sau giấy báo tử: Lá thư kỳ lạ - Ảnh 3.

Ông Đinh Thế Tiến thắp nhang cho bố mẹ mình sau khi trở về nhà sau 38 năm - Ảnh: M.L.

Đi 20 tuổi, về 59 tuổi

Tháng 3-2016. Ông Tiến trở về thăm gia đình ở Hòa Bình. "Lúc nhập ngũ năm 1977 anh ấy mới 20 tuổi. Khi trở về anh ấy đã 59 tuổi. Giờ anh ấy già rồi nhưng tôi vẫn nhận ra" - ông Thắng nói về ông Tiến.

Về nơi chôn nhau cắt rốn sau gần 40 năm xa cách, ông Tiến như về một nơi xa lạ. Là người Mường nhưng ông Tiến không còn nhớ được tiếng dân tộc mình. Ông không nhận ra anh chị em, xóm giềng, bà con họ hàng...

Nhìn ảnh thờ cha mẹ, ông cũng không thể nhớ nổi đó là người đã sinh ra mình. Và bất ngờ hơn, ông mới biết trước khi đi bộ đội, ông đã có vợ tên Thả (cưới năm 1976) và có một đứa con trai. Khi con chưa tròn 3 tháng tuổi, ông Tiến nhập ngũ vào chiến trường Tây Nam rồi biệt tích.

Chiều 30-8-1978, trong một trận đánh bộ binh phối hợp với không quân ở Gộc Xây (Kiên Giang), ông Tiến khi đó là hạ sĩ, tiểu đội trưởng (đại đội 6, tiểu đoàn 5, trung đoàn 2, sư đoàn 330 - Quân khu 9), dẫn một mũi tấn công tiến vào rừng.

Lính Pol Pot cài trái nổ. Ba người hi sinh. Còn lại bị thương toàn bộ. Tiến bị thương khắp người, lòi cả ruột. Tới giờ vết sẹo vẫn còn sâu hoắm.

Được đưa về chữa trị ở Bệnh viện Quân y 121 tại Cần Thơ một thời gian, hạ sĩ Đinh Thế Tiến được đơn vị đưa về Quân khu 9 chờ giải quyết chính sách. Nhưng một cơn sốt cấp tính đột ngột làm ông Tiến bị mất trí nhớ.

Là thương binh nặng (bậc 3/4) nên ông Tiến được cho xuất ngũ. Năm 1980, ông được đưa về an dưỡng ở chùa Văn Râu (ấp Srây Skôth, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên). Ở đây, ông gặp lại bà Lê Thị Tha, vợ ông hiện tại, vốn là một nữ y tá quân y.

"Hồi ổng về đây đóng quân tụi tui đã biết nhau rồi. Lúc gặp lại nhau ổng không biết tui là ai. Hỏi cha mẹ ở đâu, ổng kêu không biết. Tên ổng cũng không biết. Hỏi có vợ con chưa cũng không biết.

Thấy tội nghiệp, tui mang về nhà nuôi. Má tui chịu ổng, nói ổng hiền lành. Nằm nhà thương hàng tháng trời mà mảnh đạn lấy ra chưa hết. Về nhà nó cứ từ từ lòi ra ngoài thịt, ổng lại gắp ra.

Tui chăm sóc ổng một thời gian rồi thành vợ thành chồng, có sáu đứa con. Ổng bị thương nên không làm việc nặng được. Tui đi làm thuê, ai kêu gì làm đó nuôi ổng" - bà Tha kể.

Không hiểu vì lý do gì, ông Tiến lại được đơn vị gửi giấy báo tử về địa phương. Để rồi năm tháng cứ thế lặng lẽ trôi qua trong cuộc đời ông cho đến khi cô con dâu làm lý lịch kết nạp Đảng.

Hai bà vợ Nam và Bắc

5 - ky 8 4(read-only)

Ông Tiến giữa hai người vợ, bà Tha (phải) và bà Thả (trái) - Ảnh gia đình cung cấp

"Từ hồi anh em ổng nhận nhau, tui có thêm hai đứa con và hai đứa cháu nội. Tui thấy tội nghiệp vợ trước của ổng. Lúc ảnh mất tích, chị ấy vẫn ở với con và thờ chồng. Chị ấy cảm ơn tôi, nói nhờ có tôi chăm sóc mà anh Tiến mới còn sống" - bà Tha kể.

Giờ hỏi về chuyện hai bà vợ người Nam người Bắc, ông Tiến cười bẽn lẽn: "Nói thật là lúc về tui cũng hơi khó xử. Nhưng may mắn là hai bà ấy rất hiểu chuyện. Chị em vui vẻ lắm. Tui vẫn ở lại đây với bà sau vì cái tình nghĩa bả chăm nuôi tôi mấy chục năm nay".

__________________________

Kỳ tới: Chuyến xe định mệnh

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên