09/04/2015 13:07 GMT+7

Người trẻ vô cảm: bất hạnh không chỉ của mỗi cá nhân

NGUYỄN VĂN CÔNG (ĐỒNG NAI)
NGUYỄN VĂN CÔNG (ĐỒNG NAI)

TTO - Tại một trường học, 2 nữ sinh đánh nhau tơi tả còn các học sinh khác thì cổ vũ, kích động, để … tiếp tục đứng xem, thậm chí còn quay phim để... xem tiếp hoặc tung lên mạng. Đúng là vô cảm hết biết!

Ảnh minh họa

Và những câu chuyện cũng khác rất đáng để chúng ta suy nghĩ:

Trên chuyến xe buýt, ở vị trí dành cho người già và trẻ em có hai thanh niên thản nhiên ngồi trò chuyện rôm rả.

Họ dường như không nhìn thấy cảnh một cụ già đang run rẩy vịn vào chiếc cột đứng lắc lư theo sự di chuyển của chiếc xe.

Xung quanh đấy cũng có không ít bạn trẻ, nhưng ai yên phận nấy.

Hiện tượng này có thể diễn ra cho đến khi hết cuộc hành trình nếu như không có sự việc diễn ra rất đỗi bình thường nhưng lại là bất bình thường trong mắt không ít người trẻ.

Đó là từ hàng ghế sau cùng một em bé khoảng 7-8 tuổi đứng dậy dẫn cụ già lại chỗ em vừa ngồi.

Vậy mà đôi ba bạn trẻ đã không thấy chạnh lòng.

Chuyện người trẻ dẫn trẻ em hay người già yếu qua đường dường như đã trở thành chuyện dĩ vãng.

Tại ngã tư đường kia, ở phần dành cho người đi bộ, có em bé gái khoảng 6-7 tuổi ngập ngừng muốn đi qua.

Nhiều bạn trẻ nhìn thấy, nhưng… rồi vì không muốn bận tâm nên đã hòa vào dòng người náo nhiệt, ồn ào đi tiếp như chưa nhìn thấy gì.

Em bé đành đứng im, chờ đợi một phép mầu “ước gì có đôi cánh thiên thần” giúp bé qua đường vì không ai bớt chút thời gian dìu dắt bé.

Trên đường phố có vụ tai nạn giao thông, người bị nạn thân thể bê bết máu. Không ít người trẻ dịch xe vào thờ ơ đứng nhìn, nhìn xong rồi bình phẩm, thậm chí có người còn quay phim, chụp ảnh.

Người trẻ thường suy nghĩ đơn giản, không muốn liên lụy đến vụ tai nạn kia, nên ai cũng ngại xả thân đưa người bị nạn đến bệnh viện.

Đến dự một đám tang đau thương để chia buồn, nhưng một số bạn trẻ không kiềm chế được mình vẫn nói chuyện luyên thuyên và thỉnh thoảng lại cười rúc rích. Ấy là hình ảnh rất phản cảm.

Một số bạn trẻ ngay cả khi tham gia các hoạt động từ thiện, tình nguyện cũng không hẳn là do xuất phát từ sự đồng cảm với những khó khăn, vất vả của người khác, không hiểu một cách sâu sắc ý nghĩa của việc mình làm, mà chỉ vì theo phong trào hoặc vì hình thức, muốn đánh bóng mình bằng những hoạt động xã hội.

Thái độ và hành vi vô cảm đó xuất phát từ sự nhận thức nông cạn, thiển cận, chỉ thấy được lợi ích trước mắt, lợi ích của cá nhân mình.

Lối sống hời hợt, dửng dưng với thời cuộc, thiên về hưởng thụ vật chất, ích kỷ, không biết quan tâm, chia sẻ cùng người khác.

Hệ lụy của sự vô cảm đó chính là thái độ bàng quan với cuộc sống, mơ hồ, mờ nhạt về lý tưởng, hoài bão và lẽ sống.

Mang tâm lý “mặc kệ nó” bước vào đời sẽ gây sẽ thiếu hụt nghiêm trọng về nhân cách.

Đó không chỉ là nỗi bất hạnh của cá nhân mà còn là của gia đình và xã hội.

Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc Nguyễn Văn Công. Bạn có thể gửi những chia sẻ, tâm sự, ý kiến của mình cho mục Tâm sự trên Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết.
NGUYỄN VĂN CÔNG (ĐỒNG NAI)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên