Phóng to |
Cao Huy Hiệp (trái) và Nguyễn Huy Phúc - hai tác giả nhận giải đặc biệt Chương trình hỗ trợ nghiên cứu biển Đông - Ảnh: Việt Dũng |
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, hai bạn Cao Huy Hiệp, Nguyễn Bá Phúc chia sẻ:
- Với người trẻ, biên cương Tổ quốc không chỉ là tình yêu mà còn là trách nhiệm. Chúng ta vẫn nói “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, nhưng quan trọng là các bạn trẻ cần nhận thức đầy đủ về chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trên hai quần đảo này.
* Thế hệ trẻ thường thích những vấn đề sôi động. Tại sao các bạn - những người còn rất trẻ - lại chọn hướng nghiên cứu cần chiều sâu và độ lùi thời gian như đề tài về biển Đông?
- Ý tưởng nghiên cứu bắt nguồn vào cuối năm 2010, sau một đêm chúng tôi thức nói chuyện về chủ đề này. Tôi không thể lý giải cụ thể, chỉ biết tinh thần lúc đó rất sục sôi, muốn tìm hiểu ngay những người trẻ như mình hiểu về biển đảo đến đâu.
Kế hoạch ban đầu là để dành tiền dần cho đến khi được 10 triệu đồng sẽ đi từ Hà Nội vào TP.HCM điều tra xã hội học nhận thức của các bạn trẻ về chủ quyền biển Đông. Tuy nhiên do thiếu kinh phí, hành trình buộc phải rút ngắn với điểm đến là Đà Nẵng. Phương án cuối cùng được lựa chọn là tàu hỏa với loại vé rẻ nhất.
Là SV năm thứ hai, không dám xin giấy giới thiệu, nên nhiều trường ĐH, CĐ ở Đà Nẵng từ chối hợp tác. Có thầy hiệu trưởng sau khi nghe chúng tôi trình bày, lại được xem những lời tâm huyết chúng tôi ghi ra nóng hổi khi ngồi trên tàu từ Hà Nội vào cũng xúc động bày tỏ sự chia sẻ nhiệt huyết đặc biệt của người trẻ, nhưng rồi vẫn lắc đầu “đáng tiếc, đó là nguyên tắc”.
Song cuối cùng, sau mấy ngày ở Đà Nẵng chúng tôi cũng phát và thu về đủ số phiếu như dự kiến. Về Hà Nội chúng tôi tiếp tục thực hiện điều tra tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Học viện Báo chí và tuyên truyền. Tổng số phiếu là 300, trong đó 200 phiếu phát cho SV, 100 cho thanh niên lao động.
* Kết quả điều tra có như tiên lượng hay đó là những con số bất ngờ?
- Câu hỏi chỉ đề cập những kiến thức phổ thông liên quan đến việc khẳng định chủ quyền của nước ta trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà mọi người cần được biết.
Theo số liệu điều tra, phần lớn bạn trẻ đều ý thức sâu sắc rằng Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng họ lại thiếu thông tin liên quan. Có quá nửa số người được hỏi không hề biết đến các vấn đề như: Công ước luật biển quốc tế 1982. Có tới 86% số người được hỏi khẳng định ASEAN có vai trò quan trọng và rất quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông, nhưng lại không hề biết ASEAN có tuyên bố hay quy tắc gì để tiến hành giải quyết những tranh chấp ấy.
* Một trong những đề xuất của đề tài được đánh giá cao là phải đưa nội dung giáo dục biển đảo vào chương trình học các cấp. Điều này xuất phát từ cơ sở thực tiễn nào? Các bạn có muốn phát triển đề tài theo hướng này?
- Theo số liệu điều tra, 82,7% số người được hỏi đều cho rằng chương trình giáo dục hiện nay về biển đảo nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng thiếu cả về chất và lượng, 92% số người được hỏi cho biết việc đưa biển đảo vào giảng dạy ở các bậc học là việc làm hết sức cần thiết.
Nếu như người trẻ không được trang bị kiến thức về chủ quyền quốc gia trên biển và các đảo thì rất có thể họ đã bị cuốn theo thông tin sai lệch về những tranh chấp chủ quyền quốc gia trên biển đảo.
Về phía chúng tôi, vấn đề biển Đông sẽ là mạch nguồn nghiên cứu lâu dài. Một đề tài nghiên cứu chính sách biển Đông của Việt Nam và Trung Quốc từ năm 1988 đến nay do chúng tôi thực hiện vừa được giải khoa học tại trường. Phúc sẽ thực hiện đề tài khóa luận với chủ đề “Xung đột biển Đông - phân tích và dự báo”, còn Hiệp đang phát triển đề tài chính sách của Việt Nam, Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Vui hơn nữa khi trước đây biển Đông được xem là vấn đề nhạy cảm, SV đều tránh các đề tài khoa học về biển Đông thì nay nhiều SV các khóa sau đã tìm gặp chúng tôi trao đổi về những đề tài các em đang ấp ủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận