Đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết tậtTiếp sức nghị lực sốngƯu tiên khả năng cập nhật công nghệ
Phóng to |
Các học viên khuyết tật có thêm thu nhập bằng những công việc giản đơn từ một xưởng làm việc nhỏ ngay trong quá trình theo học tại trung tâm - Ảnh: Q.Ng |
Với những bạn trẻ chi đoàn Trung tâm Bảo trợ, dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM (thuộc Sở Lao động - thương binh & xã hội), công trình “Theo dấu học viên” dẫu vất vả nhưng phải làm vì “biết đâu học viên gặp khó thì mình phải kịp thời hỗ trợ ngay”.
1 Hơn chục năm thành lập, có bao lớp học viên là người khuyết tật đã đến học nghề, học chữ rồi cũng đã rời trung tâm vào đời nên việc thống kê đầy đủ hết là không tưởng. Nên số liệu còn được bao nhiêu, các bạn cố gắng xử lý bấy nhiêu, miễn làm sao có được đầu mối liên lạc với học viên, dù chỉ là những thông tin ít ỏi.
“Các bạn khuyết tật hay chơi theo nhóm, làm theo nhóm, thậm chí nghỉ việc cũng theo nhóm, nên chỉ cần mất dấu một bạn nào đó là mất hết cả nhóm. Chưa kể các bạn đổi số điện thoại, chuyển chỗ ở nữa” - phó bí thư chi đoàn trung tâm Trần Thị Doan nói về khó khăn của việc giữ liên lạc với học viên. Nhưng khó cũng phải làm nên các bạn chỉ dám khoanh vùng trong danh sách lưu học viên theo học tại trung tâm từ năm 2008 trở lại đây.
2 Số điện thoại, email, gửi thư tay và thậm chí lần tìm theo những dòng địa chỉ hơi mơ hồ là những cách mà anh em chi đoàn tận dụng làm. Hơn 100 hồ sơ đã được lập. Lần theo những thông tin ít ỏi, niềm vui đong đầy khi hơn một nửa trong số ấy vẫn đang làm việc ổn định tại những nơi do chính trung tâm giới thiệu các bạn đến làm. Có người đã gắn bó với nơi làm việc cả chục năm qua, còn nên duyên và hiện có một mái ấm hạnh phúc với một học viên khuyết tật khác của trung tâm.
Lần theo dấu học viên, các bạn mới biết có những trường hợp đã nghỉ việc tại nơi được trung tâm giới thiệu trước đó và hiện đang tìm một công việc khác phù hợp hơn. Vậy là lại phải vận đủ công lực để cùng tìm chỗ làm mới cho học viên vì “người bình thường, lành lặn kiếm việc đã khó huống chi người khuyết tật, nên kiểu gì cũng phải giúp đỡ các bạn” như lời bí thư chi đoàn trung tâm Lê Thị Thanh Vân.
Cũng nhờ quá trình theo dấu này mà trung tâm nhận được thêm nhiều cơ hội việc làm mới, những ưu tiên dành cho lao động là người tàn tật. “Có vị lãnh đạo một đơn vị chuyên về tin học khẳng định sẵn sàng nhận học viên khuyết tật do trung tâm đào tạo gửi đến và tạo mọi cơ hội thuận lợi để các bạn có việc làm, ổn định cuộc sống bằng thu nhập do công sức họ bỏ ra chứ không phải chiếu cố vì họ tàn tật” - chị Trần Thị Doan khoe.
3 Ở trung tâm có một xưởng làm việc nhỏ dành cho học viên đang theo học tại trung tâm để các bạn có thêm thu nhập. Những công việc giản đơn (đóng gói tăm tre, dán các sản phẩm khuyến mãi đi kèm sản phẩm chính) mà nhờ các mối quan hệ của mình nhiều phòng ban của trung tâm đã tìm được. Có thể thu nhập không nhiều nhưng đó là niềm vui, là động lực để những bạn trẻ kém may mắn ấy biết rằng dù có khiếm khuyết một phần thân thể, họ vẫn có thể làm việc, vẫn có ích cho đời và không là gánh nặng cho ai khác.
“Ba năm rồi tụi mình tổ chức tuyên dương, khen thưởng các học viên có nhiều tiến bộ, học tốt, vượt khó vào đời trong chương trình “Thắp sáng ước mơ” để tiếp thêm niềm tin cho các bạn vào tương lai” - chị Lê Thị Thanh Vân cho biết. Những buổi ấy còn mời cả phụ huynh của học viên để nghe họ chia sẻ tâm tư, gửi gắm tình cảm và nói về những khó khăn của mình rồi trung tâm và gia đình cùng tìm cách giải quyết.
Giám đốc trung tâm Trần Văn Bổ nói lãnh đạo đơn vị rất tin tưởng khi giao việc này cho những cán bộ trẻ vì các bạn luôn gần gũi, lắng nghe tâm sự để hiểu và giúp được học viên phần lớn còn rất trẻ, tâm tính nhiều lúc rất khó đoán. “Chăm lo cho người khuyết tật càng nhiều càng tốt, làm sao để mỗi học viên sau khi rời nơi đây đều tự tin vào đời, có thu nhập, cuộc sống ổn định, ấy chính là mục tiêu của trung tâm này” - ông Bổ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận