Rất ít người nói về sở thích, các bộ phim hay nhà hàng yêu thích của mình trong buổi hẹn hò này. Thay vào đó, họ nói về những đứa con đã trưởng thành, vẫn còn độc thân mà họ hy vọng sẽ kết hôn sớm nhất có thể.
Một phụ nữ trạc 60 tuổi tự hào nói về cậu con trai 34 tuổi hiện là giáo viên tiểu học công lập. Người đàn ông ở độ tuổi 80 nói về người con trai 49 tuổi đang làm tại công ty điện lực một cách trìu mến.
Quá bận để hẹn hò và kết hôn
Mỗi bậc phụ huynh đã bỏ ra 14.000 yen (96 USD) để tham dự sự kiện do Hiệp hội Cha mẹ về thông tin cầu hôn tổ chức. Tất cả đều mong gặp một người giống mình, một bậc cha mẹ có con độc thân có thể là người phối ngẫu phù hợp với con của họ.
Với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, triển vọng kinh tế kém và văn hóa làm việc đòi hỏi khắt khe, ngày càng ít người trẻ Nhật chọn kết hôn và sinh con. Lo lắng cho tương lai của con cái và mong mỏi được ẵm bồng cháu, nhiều phụ huynh đã vào cuộc hẹn hò thay cho con mình.
Công ty Noriko Miyagoshi, đơn vị tổ chức các sự kiện mai mối trong gần hai thập kỷ, cho biết ý tưởng về việc cha mẹ có thể giúp con cái kết hôn theo cách này đã trở nên phổ biến hơn.
Trước đây, người ta có thể cảm thấy xấu hổ khi đến dự những sự kiện này nhưng giờ thời thế đã thay đổi.
Nhật Bản đang đối diện với cuộc khủng hoảng hôn nhân có nguy cơ gây tàn phá nhân khẩu học của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Ngày nay, người Nhật ít kết hôn, ít sinh con và quốc gia này cũng có ít người hơn.
Phải ưu tiên kết hôn trước đã
Đầu năm nay, Thủ tướng Fumio Kishida đã công bố kế hoạch trị giá hàng nghìn tỉ yen nhằm tăng tỉ lệ sinh, đồng thời cảnh báo đây là tình trạng "bây giờ hoặc không bao giờ". Một số ưu đãi dành cho các bậc cha mẹ bao gồm trợ cấp 15.000 yen (100 USD) hằng tháng cho mỗi đứa trẻ từ 2 tuổi trở xuống và 10.000 yen cho ba đứa trẻ trở lên.
Nhưng James Raymo, một chuyên gia nghiên cứu Đông Á tại Đại học Princeton, cho biết nỗ lực tăng tỉ lệ sinh khó có thể thành công nếu không thúc đẩy tỉ lệ kết hôn trước tiên.
Nhà xã hội học Shigeki Matsuda (Đại học Chukyo ở Aichi, Nhật Bản) cho biết nếu không giải quyết được vấn đề này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, như suy giảm sức mạnh kinh tế tổng thể và sự giàu có của quốc gia, khó khăn trong việc duy trì an sinh xã hội và mất vốn xã hội trong cộng đồng địa phương.
Ông Matsuda cho biết không phải mọi người không muốn kết hôn khi mà khoảng 80% vẫn muốn kết hôn, theo một cuộc khảo sát của Viện Dân số và An sinh xã hội quốc gia năm ngoái. Điều quan trọng hơn là họ tin rằng những trở ngại trên hành trình là "không thể vượt qua".
Giới trẻ Nhật Bản đã phải đối mặt với triển vọng việc làm kém và mức lương không đổi kể từ những năm 1990. Điều này làm suy yếu khả năng kinh tế của họ để bắt đầu kết hôn.
Ông Raymo cũng có quan điểm tương tự, cho rằng chi phí sinh hoạt cao và thời gian làm việc kéo dài "nổi tiếng" ở Nhật Bản khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
"Nếu bạn làm việc 70 giờ mỗi tuần, tất nhiên bạn sẽ không có được đối tác phù hợp vì không có thời gian để gặp ai đó", ông giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận