17/08/2015 11:22 GMT+7

Người theo IS hồi hương gây bất ổn an ninh

THU ANH
THU ANH

TTO - Hàng trăm người đi theo tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) chiến đấu ở Trung Đông rồi về lại quê nhà Đông Nam Á khiến khu vực đối mặt những thách thức nguy hiểm.

Các chuyên gia nói việc những người theo IS hồi hương ở Đông Nam Á sẽ là vấn đề nghiêm trọng trong 5, 10 năm nữa. Ảnh: Reuters
Các chuyên gia nói việc những người theo IS hồi hương ở Đông Nam Á sẽ là vấn đề nghiêm trọng trong 5-10 năm nữa. Ảnh: Reuters

Các nước Đông Nam Á hiện đang đối mặt với thách thức nhiều mặt của vấn đề IS: làm sao để phân biệt những người trở về từ chiến trường ở Syria và Iraq, làm sao để phân biệt những kẻ cực đoan với những người bị dụ dỗ và làm sao để đối phó với các đối tượng này. 

Theo Straits Times, hàng trăm người trong khu vực gia nhập IS ở Iraq và Syria. Nhiều người trong số họ bị dụ dỗ bởi giấc mơ tạo dựng một nhà nước Hồi giáo ở Đông Nam Á, thậm chí là bằng bạo lực nếu cần thiết. 

Phó giám đốc phụ trách chống khủng bố thuộc Đội đặc nhiệm Malaysia - ông Ayub Khan bày tỏ quan ngại: “Chúng tôi lo lắng những người trở về quê hương để tuyển mộ những người khác tham gia các hoạt động khủng bố và khuyến khích họ thực hiện các cuộc tấn công”.

Cảnh sát Malaysia và Indonesia nói những người theo IS trở về đều có nguy cơ thực hiện các vụ tấn công khủng bố quy mô lớn như vụ đánh bom ở Bali năm 2002 hay các vụ bắt cóc, ám sát.

Hầu hết những người theo IS đến từ Đông Nam Á vẫn đang ở Iraq và Syria nhưng nguy cơ họ trở về ngày càng nhiều hơn nếu xung đột giảm nhiệt. 

“Đây sẽ là vấn đề nghiêm trọng trong 5 đến 10 năm nữa” - ông Ayub nói.   

Thêm vào đó, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines đều có các nhóm Hồi giáo vũ trang. Một vài trong số này có cảm tình với IS và có thể cung cấp nguồn lực cũng như bao che cho những người theo IS trở về. 

Thế nhưng, không phải chính phủ nào cũng được trang bị đầy đủ để đối phó với vấn đề này. 

Indonesia chật vật đối mặt với các mối đe dọa an ninh từ những người theo IS trở về bởi những hạn chế liên quan đến luật chống khủng bố. 

Luật chống khủng bố hiện tại (có hiệu lực từ sau vụ đánh bom Bali) chỉ bao trùm các hành động khủng bố thực hiện trong nước.

Rất khó xử lý các nghi can đi theo IS và thực hiện các hành vi tội ác cũng như gia nhập các nhóm khủng bố ở nước ngoài. 

Thay vào đó, các nghi can IS được đặt dưới tình trạng bị theo dõi. 

Có một vấn đề khác mà khu vực cũng đang đối mặt đó là hầu hết các nước ASEAN thiếu nhân lực và nguồn lực để theo dõi hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn người thuộc diện rủi ro an ninh.

Cuối tuần trước, cảnh sát Indonesia bắt giữ 3 chiến binh có liên hệ với IS, những người đang lên kế hoạch thực hiện các vụ đánh bom trong dịp kỷ niệm ngày độc lập. Chưa rõ những người này có phải là những người theo IS hồi hương hay không. 

Cho đến nay, có 280 người Indonesia được cho là đã sang Syria, trong đó 20 người hồi hương. Trong số 20 người này, 13 người bị bắt. Số còn lại đang được theo dõi. 

Ở Malaysia, 111 nghi can có liên hệ với IS bị bắt từ tháng 2-2013. Trong số này, 7 người trở về từ Syria và tất cả họ bị truy tố. 

Cũng tại Malaysia, những người theo IS trở về nhưng không tham gia các hoạt động chiến đấu, cảnh sát yêu cầu các giáo viên Hồi giáo giúp cải tạo họ. 

Indonesia cũng có những chương trình cải tạo tương tự do Cơ quan chống khủng bố quốc gia thực hiện. 

Singapore cũng lập Nhóm cải tạo tôn giáo bao gồm các học giả Hồi giáo Singapore. Họ giúp khuyên nhủ những người bị giam giữ vì tội khủng bố và các cá nhân cực đoan.

THU ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên