21/07/2024 15:55 GMT+7

Người thầy phải giúp sinh viên vượt thầy, vượt sách

Ngày 21-7, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, Trường đại học Phú Yên, Tổ chức Đối thoại châu Á (ADS) Singapore tổ chức hội thảo quốc tế 'Giáo dục đại học vì sự phát triển châu Á'.

Quang cảnh hội thảo quốc tế "Giáo dục đại học vì sự phát triển châu Á" - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Quang cảnh hội thảo quốc tế "Giáo dục đại học vì sự phát triển châu Á" - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Hội thảo quốc tế "Giáo dục đại học vì sự phát triển châu Á" được tổ chức tại tỉnh Phú Yên.

Làm thế nào để nâng cao tính tự học cho sinh viên, cách nào để xu thế quốc tế hóa giáo dục đại học được nhân rộng... là những vấn đề được lưu tâm, thảo luận nhiều tại hội thảo quốc tế này.

Nâng cao tính tự học cho sinh viên

Phát biểu thông qua hình thức trực tuyến, tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - cho rằng trong vài ba thập niên tới, khu vực Đông Nam Á sẽ là khu vực phát triển năng động nhất thế giới, vì vậy cần chủ động và tích cực chuẩn bị cho sinh viên về tinh thần và tri thức để tiếp cận với cơ hội này.

Theo ông, việc đào tạo đại học cần chuyển động theo hướng quan tâm nhiều đến kiến thức và năng lực nền tảng cơ bản của sinh viên.

Ông Hoàng cho rằng ngày nay tốc độ phát triển rất nhanh và đa dạng, lượng kiến thức chung được tích lũy rất khổng lồ, các thông tin tác động qua lại lẫn nhau làm nảy sinh thông tin mới, kiến thức cứ vậy chồng chất theo cấp số nhân.

"Cách dạy và học theo lối truyền thụ kiến thức không còn phù hợp nữa, cần dạy cho các em cách học, cách tự học để các em chủ động tự trang bị kiến thức một cách thường xuyên, liên tục theo những mục tiêu mong muốn" - ông Hoàng đề nghị.

Chia sẻ về phương pháp nâng cao tính tự học cho sinh viên, ông Hoàng cho rằng người thầy phải có trách nhiệm và tâm huyết giúp học trò có khả năng vượt thầy, vượt sách. Công nghệ thông tin và môi trường của kỷ nguyên thông tin là một trong những "người thầy" truyền thụ quan trọng nhất để giúp sinh viên tự học.

"Còn người thầy (thầy đứng lớp - PV) không phải chủ yếu lo truyền thụ kiến thức như ngày xưa nữa mà là hướng dẫn và tổ chức quá trình học cho sinh viên, kể cả sự tự học của mỗi người, học theo các nhóm nhằm phát triển năng lực tư duy và năng lực hành động" - ông nói.

Theo ông, thầy giáo là nhà tâm lý học, giáo dục học, phải cần rèn luyện năng lực phát hiện các khả năng thế mạnh tiềm ẩn trong mỗi sinh viên, học sinh.

Quốc tế hóa giáo dục đại học rất quan trọng

PGS.TS Nguyễn Đức Hải - nguyên viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng (Bộ Quốc phòng) - trình bày tham luận tại hội thảo "Giáo dục đại học vì sự phát triển châu Á" - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

PGS.TS Nguyễn Đức Hải - nguyên viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng (Bộ Quốc phòng) - trình bày tham luận tại hội thảo "Giáo dục đại học vì sự phát triển châu Á" - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Trung tướng, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Hải - nguyên viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng (Bộ Quốc phòng) - cho biết việc quốc tế hóa giáo dục đại học là xu hướng tất yếu. Để đào tạo được những sinh viên làm chủ khoa học - công nghệ thì phải quốc tế hóa giáo dục để tiếp thu kinh nghiệm, tinh hoa của thế giới trên các lĩnh vực.

Ông Hải thừa nhận việc thực hiện xu thế quốc tế hóa giáo dục đại học ở Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn.

"Sinh viên của chúng ta học rất giỏi, nhưng ngoài các sinh viên nhận học bổng của Nhà nước, hoặc các sinh có điều kiện kinh tế từ gia đình được tiếp cận các trường quốc tế, nước ta vẫn còn nhiều sinh viên khác có điều kiện kinh tế khó khăn, hạn hẹp. Đây là cản trở rất lớn để các bạn tham gia học các trường quốc tế" - ông nhìn nhận.

Về giải pháp, ông Hải cho biết trước hết các quốc gia nên tính đến sự liên kết bằng chính nội lực của quốc gia mình.

"Hiện nay chỉ có những sinh viên xuất sắc nhận được học bổng của Nhà nước, hoặc gia đình có điều kiện thì sinh viên mới đi học các trường ở Úc, Mỹ, Anh... nhưng nếu chúng ta mở được các trường quốc tế, doanh nghiệp quốc tế tại Việt Nam sẽ giảm thiểu tối đa chi phí đi lại, học phí cho sinh viên. Từ đó sinh viên dễ tiếp cận, ngoài ra cũng tạo được nguồn thu cho Nhà nước" - ông Hải đề nghị.

Trường Đại học Bách khoa: Quốc tế hóa giáo dục là nhiệm vụ chiến lượcTrường Đại học Bách khoa: Quốc tế hóa giáo dục là nhiệm vụ chiến lược

Tầm nhìn đến năm 2030, Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) chú trọng phát triển các chương trình dạy và học bằng tiếng Anh, nâng cao năng lực cạnh tranh việc làm của sinh viên và thứ hạng của nhà trường trên phạm vi quốc tế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên