11/09/2018 11:26 GMT+7

Người tâm thần ngày càng tăng

DIỆU NGUYỄN
DIỆU NGUYỄN

TTO - Thông tin từ khoa tâm thần Bệnh viện 175 (TP.HCM) cho biết trước đây tỉ lệ người Việt mắc bệnh tâm thần chiếm khoảng 15-20% dân số. Nhưng những năm gần đây tỉ lệ này tăng lên khoảng 30%.

Người tâm thần ngày càng tăng - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ca khám bệnh và tư vấn cho bệnh nhân có dấu hiệu tâm thần tại Bệnh viện 175 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bác sĩ Nguyễn Văn Ca - phó trưởng khoa tâm thần - nói rằng điều đáng lưu lý trong đó có 29% là người trẻ và 2,3% trong số này có hành vi muốn tự sát hoặc tự sát.

Cần phát hiện sớm

Điển hình như trường hợp gần đây nhất mà khoa tâm thần Bệnh viện 175 tiếp nhận là người phụ nữ trung niên N. chỉ có một đứa con, nhưng con của cô không may bị bệnh và mất. Cô N. có những phản ứng biểu hiện tâm thần cấp, phải điều trị tại bệnh viện. 

"Đây là trường hợp nặng nề, có những hành vi gây tổn hại đến bản thân, ảnh hưởng đến người thân cùng những người xung quanh mới phải điều trị tích cực tại bệnh viện. Việc điều trị được kết hợp giữa thuốc và trị liệu tâm lý. Sau một tháng thì người bệnh được ra viện và tiếp tục được theo dõi tại nhà" - bác sĩ Ca cho biết.

Theo bác sĩ Ca, hầu hết các biểu hiện tâm thần do rối nhiễu tâm lý sẽ được điều trị khỏi. Nhưng mọi người cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề sức khỏe tinh thần để được can thiệp sớm bằng trị liệu tâm lý, tránh để nặng nề phải nhập viện điều trị bằng thuốc. 

Bởi những biểu hiện như mất ngủ kéo dài, rối loạn nhịp tim, rối loạn thở, có những hành vi bất thường… diễn ra trong thời gian khá dài đủ để nhận diện được vấn đề.

Vì vậy, dù tỉ lệ người mắc cao song phần lớn bệnh nhân trầm cảm đều không được nhận biết nên chậm trễ trong việc điều trị đúng chuyên khoa. Vấn đề khó khăn khác là điều trị trầm cảm cần phải kéo dài, việc dùng liệu pháp hóa dược đôi khi có thể có tác dụng không mong muốn, bản thân bệnh nhân và gia đình người bệnh không tuân thủ, bỏ điều trị.

Thực tế điều trị, 30% người bệnh trầm cảm thành công sau lần điều trị đầu tiên, 70% sẽ tái diễn nhiều lần. Một số thuốc chống trầm cảm đạt được mức độ đáp ứng điều trị bệnh nhưng khi đó bệnh nhân vẫn còn các triệu chứng gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động khác. Người bệnh cần tuân thủ phác đồ và hợp tác với bác sĩ điều trị.

Nữ mắc nhiều hơn nam

Theo các bác sĩ, bệnh tâm thần chưa có thống kê nào về giới tính nhưng phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều hơn nam giới. Bởi phụ nữ có sự thay đổi hormon trong nhiều giai đoạn sống như tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai, bị sẩy thai, giai đoạn mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm. 

Nhưng tỉ lệ người tự tử thành công do trầm cảm ở nam cao hơn ở nữ.

Đặc biệt, đầu năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công nhận nghiện game online gây nên bệnh tâm thần cũng là điều đáng quan tâm trong bộ phận giới trẻ ngày nay.

Khi người chơi game coi game là tất cả những gì họ có trong cuộc sống, hành vi chơi game này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, các mối quan hệ, nghề nghiệp… của người nghiện. 

Đa số game hiện nay có nội dung xoay quanh các vấn đề bạo lực, khiến người chơi chìm đắm vào thế giới của máu me, súng ống và chém giết. WHO cho rằng ảnh hưởng từ việc nghiện game nghiêm trọng hơn nghiện smartphone hoặc Internet.

Bên cạnh đó, các chất gây nghiện khác như ma túy, ma túy đá, rượu… cũng gia tăng người bệnh tâm thần có những hành vi đặc biệt nghiêm trọng cho bản thân và những người xung quanh.

Tại sao mắc bệnh tâm thần?

Theo bác sĩ Ca, bệnh tâm thần là tổng hợp nhiều yếu tố gây nên, không phải do một nguyên nhân cụ thể nào. Tuy nhiên, theo thống kê, có khoảng 10% nguyên nhân là rối nhiễu tâm lý từ áp lực công việc, học tập, thu chi tài chính, các mối quan hệ cộng đồng… gây nên.

Có nhiều người phát bệnh do có các bệnh lý không phát hiện ra dẫn đến không nhận diện ra sớm vấn đề tâm lý của mình. Và tỉ lệ còn lại do nội sinh, chuyển hóa từ bào thai đến khi trưởng thành thì phát bệnh và với nguyên nhân này chỉ điều trị mang tính ổn định, không khỏi bệnh như những nguyên nhân khác.

Gia tăng stress, trầm cảm do áp lực cuộc sống

Thời gian gần đây có nhiều bệnh nhân đến điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sĩ Dương Minh Tâm - Viện Sức khỏe tâm thần - cho hay đã có nhiều bệnh nhân than bị đau đầu, khó thở, đau nhiều nơi trong cơ thể nhưng đi khám không thể tìm ra bệnh, bác sĩ chuyển bệnh nhân đến điều trị về sức khỏe tâm thần.

Mới đây, một nữ bệnh nhân là giáo viên ở Nam Định thấy tức ngực, khó thở nhưng đo lưu lượng oxy vẫn thấy đảm bảo yêu cầu. Theo lời kể của bệnh nhân, đời sống hôn nhân của chị không hạnh phúc, chị hay bị chồng đánh và thường xuyên sống trong nỗi sợ hãi, ám ảnh, lâu dần nỗi sợ hãi khiến chị thấy đau đớn thật, bệnh thật.

Theo bác sĩ Tâm, chứng bệnh của chị là một dạng rối loạn về sức khỏe tâm thần.

Bác sĩ Tâm cho biết cuộc sống hiện đại khiến con người phải chịu nhiều thứ áp lực hơn, có gia đình đặt quá nhiều mong muốn vào con khiến trẻ stress vì không đáp ứng được yêu cầu của bố mẹ.

Có gia đình do quá mải miết với công việc, để con chơi điện tử quá nhiều, có biểu hiện nghiện các thiết bị công nghệ. Khi yêu cầu cháu ngưng sử dụng các thiết bị này thì cháu có biểu hiện bồn chồn, thậm chí tự làm tổn thương như tự cấu vào tay chân, dùng dao và vật sắc nhọn cứa vào người gây chảy máu...

Chưa có thống kê nào chuẩn xác về số lượng người có vấn đề về sức khỏe tâm thần ở Việt Nam, nhưng năm 2016 riêng Viện Sức khỏe tâm thần trung ương khám và điều trị ngoại trú trên 18.000 lượt bệnh nhân trầm cảm. Mỗi ngày viện tiếp nhận 50 bệnh nhân trầm cảm tới khám và ở nhóm bệnh nhân trên 45 tuổi, có 1/3 có biểu hiện muốn tự sát.

L.ANH

Cả xóm cùng nuôi một phụ nữ tâm thần Cả xóm cùng nuôi một phụ nữ tâm thần

TTO - Đã 30 năm nay các mẹ, các chị ở xóm Lẫm, thôn Phước Thạnh của xã Tam Thạnh (huyện Núi Thành, Quảng Nam) cùng nhau nuôi một phụ nữ trong xóm bị bệnh tâm thần và liệt chân là bà Phạm Thị Sòng, 60 tuổi.

DIỆU NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên