Mỗi khi bà Sòng "lên cơn", các mẹ các chị cùng trưởng thôn Viên (bìa phải) đến dỗ dành bà ăn cơm - Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ
Sự đùm bọc của chòm xóm đã làm vơi đi nỗi bất hạnh của người phụ nữ không chồng con, không người thân thuộc...
"Bữa nay chỉ lại "giở chứng" rồi" - bà Trần Thị Tấn, người mang cơm trưa đến cho bà Phạm Thị Sòng theo lịch phân công của các mẹ, các chị xóm Lẫm, nói trong tiếng la lối, khóc lóc của bà Sòng. "Phải kêu anh Ba Viên thôi. Những lúc thế này chỉ có anh Ba Viên mới "trị" được chỉ".
Và quả đúng như vậy, khi ông Ba Viên đến vừa la, vừa dỗ thì bà Sòng mới chịu lết ra khỏi buồng để ăn.
Ông Ba Viên chính là thôn trưởng Ngô Quang Viên, nhà ở gần nhà bà Sòng.
"Nhiều người ở đây cho rằng bà Bốn Sòng vậy mà sướng, được nhiều người phục vụ" - người trưởng thôn tuổi 50 nói theo kiểu pha trò để vơi bớt nỗi u ám trong mái nhà đơn độc.
Theo ông Viên, bà Sòng lâm bệnh tâm thần từ năm 1985 - bốn năm sau ngày người cha thiểu năng của bà mất.
Đến năm 1989, ở tuổi 30, bà Sòng bị bệnh liệt hẳn đôi chân.
Hình ảnh cô gái trẻ trước đó không lâu biết làm lụng kiếm cơm nuôi cha nay trở thành cô gái bệnh tật khiến người xóm Lẫm day dứt.
"Phải giúp con Sòng thôi. Ai ở đây cũng có bà con, tộc thuộc hết. Chỉ có nó là một thân một mình. Xóm Lẫm mình không thể bỏ nó đói khát được. Phải nuôi nó thôi!" - trưởng thôn Viên nhắc lại những nghĩ suy, bàn tính của người xóm Lẫm ngày ấy.
Đã đùm bọc, nuôi nấng thì phải làm sao cho vẹn toàn, chu đáo chứ không thể làm qua loa, tắc trách. Sau khi tính toán, người xóm Lẫm quyết định để cho các mẹ, các chị trong tổ phụ nữ của xóm đảm trách nuôi ăn, tắm rửa, giặt giũ cho bà Sòng.
Kể từ năm 1989, họ quyết định mỗi người nuôi bà Sòng một ngày. Nuôi, ấy là đơm cơm và thức ăn ngày ba bữa đến cho bà Sòng. Còn việc tắm rửa, giặt giũ quần áo thì ba ngày một lần, nhằm phiên người nào nuôi cơm thì người ấy đảm nhận luôn.
Suy tính lại, để đỡ đần cho các mẹ, các chị, vợ chồng trưởng thôn Viên tình nguyện lo suốt cho bà Sòng bữa ăn sáng.
"Tụi tui chỉ phân công miệng, xoay vòng, người nuôi hôm nay nhắc phiên cho người nuôi ngày hôm sau. Vậy mà đã gần 30 năm qua, không ngày nào bỏ sót phiên để bà Sòng đói. Đến phiên mình nuôi thì dù có khó khăn ai cũng cố sắm bữa ăn khá khá cho chị Sòng" - bà Trần Thị Tấn nói.
Nhưng việc phục vụ cho một bệnh nhân thần kinh cũng không phải luôn suôn sẻ, dễ dàng. Gặp những lúc bà Sòng "dở chứng" vì thời tiết thì người nuôi phải gọi trưởng thôn và vài chị em trong xóm đến giúp sức.
Phó chủ tịch UBND xã Tam Thạnh Huỳnh Văn Cường cho biết: "Việc bà con xóm Lẫm nuôi nấng chu đáo bà Phạm Thị Sòng bị bệnh nặng suốt mấy chục năm nay là việc làm rất đáng trân trọng. Đây là một bài học thực tiễn về tình làng nghĩa xóm và có sức lan tỏa trong cộng đồng".
Xây mộ cho cha mẹ bà Sòng
"Bà con xóm mình đã nuôi được bà Sòng rồi. Hay là mình xây luôn mộ của cha mẹ bà Sòng?" - trưởng thôn Viên đặt câu hỏi và được cả xóm đồng thuận.
Đầu năm 2011, bà con xóm Lẫm đã xây mộ cho cha mẹ bà Sòng.
"Hôm hoàn công hai cái mộ này bà con xóm Lẫm mình rất vui. Vậy là dân mình đã giúp trọn được cho một gia đình bất hạnh trong xóm..." - trưởng thôn Viên nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận