Phóng to |
Người gốc Syria biểu tình phản đối Tổng thống al-Assad trước Đại sứ quán Syria ở Cairo, Ai Cập. Hình ông al-Assad được vẽ thêm bộ ria mép giống Hitler - Ảnh: AFP |
Những thông tin rất hạn chế từ Syria đưa ra bên ngoài (bởi truyền thông độc lập bị cấm) bao giờ cũng trái ngược nhau giữa chính phủ với phe đối lập. Chính phủ thường viện cớ “các nhóm vũ trang khủng bố bắn vào dân thường và giết nhân viên công lực” để biện minh cho việc quân đội và an ninh phải sử dụng vũ lực nhằm diệt trừ phiến loạn.
Còn thông tin do các hãng truyền thông quốc tế và Ả Rập đưa theo phe đối lập, hoặc từ nguồn do người dân tại chỗ cung cấp bằng Internet lại cho thấy chỉ có xe tăng của quân đội và an ninh tràn vào một số thành phố, bắn phá như quang cảnh chiến trường. Có những số liệu được đưa ra như khoảng 2.000 thường dân đã bị giết, hàng chục nghìn người bị bắt giam và hàng chục nghìn người khác lánh nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ và Libăng.
Có thể thấy Mỹ và các quốc gia phương Tây một mặt tăng mức độ lên án và trừng phạt có giới hạn đối với chính quyền Syria, mặt khác khẳng định không có giải pháp quân sự hay can thiệp trực tiếp vào Syria giống như Libya. Nga và Trung Quốc không tỏ thái độ bênh vực chính quyền al-Assad nhưng kiên quyết chống lại khả năng xảy ra can thiệp quốc tế vào Syria, ít nhất là trong thời gian hiện nay.
Thổ Nhĩ Kỳ, một nước láng giềng vốn rất thân thiết với chế độ Syria, ngày càng tỏ ra không tán thành và “thất vọng” trước hành động trấn áp bằng bạo lực của nhà cầm quyền ở Damascus. Các nước Ả Rập tránh né việc phê phán chính quyền của Tổng thống al-Assad, không như trường hợp với chính quyền của ông Gaddafi ở Libya. Chỉ có một vài quốc gia ít ỏi, nổi nhất là Iran, lên tiếng công khai bênh vực chính quyền al-Assad.
Chính quyền của Tổng thống al-Assad tuy bị cô lập nghiêm trọng trên phạm vi quốc tế nhưng chưa có dấu hiệu rạn nứt nội bộ đáng kể như đang diễn ra tại Libya, Yemen. Chưa có quan chức cao cấp nào trong bộ máy chính quyền, quân đội và an ninh ly khai hay từ chức. Dường như vẫn có sự nhất trí cao trong chính quyền, quân đội và an ninh về quyết sách trấn áp thẳng tay đối với mọi biểu hiện phản kháng.
Chính quyền Syria đang từng bước cải thiện chế độ hà khắc kéo dài hơn 40 năm qua. Đầu tiên là bãi bỏ “tình trạng khẩn cấp” vẫn có hiệu lực từ năm 1963 đến nay. Tiếp đó là lệnh “ân xá tù chính trị”. Rồi đến chuẩn bị “đối thoại quốc gia”. Mới nhất, ngày 4-8 ông al-Assad đã ban bố luật tổ chức tổng tuyển cử. Nhưng dường như các động thái được coi là “nhượng bộ chẳng đặng đừng” này của chính quyền Syria là quá chậm trễ và muộn màng. Bản thân ông al-Assad có lẽ cũng ý thức được hoàn cảnh của mình là không có đường lùi nữa.
Trong khi đó, bất chấp sự trấn áp quyết liệt và con số thương vong ngày càng cao, các cuộc biểu tình đòi lật đổ ông al-Assad vẫn tiếp diễn. Nhưng phe đối lập ở Syria chưa thể trưởng thành về chất để có thể lật đổ được chế độ cầm quyền. Phong trào bùng nổ bằng những cuộc biểu tình bột phát. Những nhóm đối lập còn manh mún, không có lãnh tụ xứng tầm, trong nước và ngoài nước chưa thể hợp nhất. Họ chung một mục tiêu lật đổ chính quyền nhưng chia ra nhiều phe nhóm rất khác nhau về hệ tư tưởng, thậm chí mâu thuẫn về bản chất tôn giáo và sắc tộc.
Có lẽ ông al-Assad cũng hiểu với tất cả những gì đã diễn ra, mọi nỗ lực dùng bàn tay sắt nhằm đè bẹp sự phản kháng cũng không thể khôi phục lại trật tự của thể chế từng “vững như bàn thạch” từ năm 1970 đến giữa tháng 3-2011. Ngược lại, lực lượng đối lập đã nghiệm ra rằng dù họ có khẩn thiết hô lớn “sự im lặng của các vị đang giết chết chúng tôi” thì cũng không có thế lực nào từ bên ngoài đổ người đổ của ra để mang đến những đổi thay mà họ đòi hỏi.
Người Syria sẽ phải tiếp tục tự mình phân định thắng thua trong cuộc đấu chưa có hồi kết này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận