Nên có chế độ dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch ngay sau mổ - Ảnh: CHÂU ANH
* BS HOÀNG HỒ THỐNG NHẤT (Viện nghiên cứu dinh dưỡng NutiFood):
- Chào bạn! Sau khi phẫu thuật, việc chăm sóc về dinh dưỡng rất quan trọng đối với người bệnh, nhằm giúp phục hồi sức khỏe và nhanh liền vết mổ. Nếu người bệnh tự ăn được thì có thể cho ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.
Nếu tình trạng nặng, chưa tự ăn uống được thì người nhà hoặc nhân viên y tế nên giúp người bệnh ăn qua ống thông dạ dày bằng các dung dịch giàu dinh dưỡng. Tùy theo loại phẫu thuật mà việc nuôi dưỡng sẽ khác nhau.
Trong trường hợp người bệnh không có can thiệp phẫu thuật lên ống tiêu hóa (mổ nội soi thăm dò, sinh thiết, cắt ruột thừa viêm nội soi, mổ cắt u tuyến thượng thận nội soi, mổ tử cung, buồng trứng...), thì thông thường dinh dưỡng qua dịch truyền chỉ cần trong ngày đầu sau mổ.
Sau đó, nên cho người bệnh ăn sớm, cho uống sữa, nước cháo ngay sau mổ 1 ngày.
Sau khi người bệnh đánh hơi được, nên cho ăn uống như bình thường, và tăng dần số lượng cùng mức độ đặc của thức ăn. Nên cho bệnh nhân ăn chất dễ tiêu, dễ hấp thu.
Đối với bệnh nhân có can thiệp lên đường tiêu hóa, nên có chế độ dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch ngay sau mổ.
Sau khi bệnh nhân đánh hơi được, bắt đầu cho ăn nước cháo, sữa với số lượng tăng dần, đồng thời giảm dần dịch truyền.
Nguyên tắc dinh dưỡng cho những người bệnh này là khẩu phần tăng dần năng lượng và protein.
Các loại thức ăn cần đảm bảo đầy đủ thành phần dinh dưỡng protid, lipid, glucid, vitamin và khoáng chất, đồng thời cần nhuận tràng, dễ tiêu như khoai, cơm, cháo, củ quả nhiều chất xơ tinh bột, nên xay mịn.
Cần hạn chế tối đa đồ ăn, hoa quả có chất xơ rắn, khó tiêu như măng, ổi, các loại xương băm nhỏ...
Nên cho bệnh nhân uống đủ nước, có thể là nước đun sôi để nguội, nước sinh tố, nhưng không nên dùng đồ uống có gaz, cồn...
Ở giai đoạn phục hồi, khi vết mổ đã gần liền, sức khỏe bệnh nhân đã khá hơn, vẫn cần duy trì chế độ ăn cung cấp đầy đủ calo và protein để tăng nhanh thể trọng, giúp vết thương mau lành. Người bệnh cần một chế độ ăn nhiều protein và calo.
Nên cho bệnh nhân dùng chất béo là dầu thực vật, hoặc chất béo trong cá trong chế biến thức ăn. Hạn chế dùng mỡ động vật như heo, gà, vịt..., ví dụ như các loại nước dùng bún phở, da gà vịt...
* Chào bác sĩ! Tôi năm nay 76 tuổi, bị tai biến đã 10 năm, theo lời BS hướng dẫn tôi ăn uống kiêng, uống thuốc đều đặn nên bệnh tạm ổn. Nhưng hiện nay xét nghiệm máu, chỉ số Triglyceride cao, BS điều trị nói không sao và cho uống thuốc. Tôi rất băn khoăn, xin hỏi BS nếu chỉ số Triglyceride tăng theo cấp số thì có ảnh hưởng gì không, và điều trị như thế nào? Bạn đọc N.T.C. (Huế)
* BS NGUYỄN VIẾT HẬU (chuyên khoa 1, phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) trả lời:
- Việc tăng Triglyceride liên quan trực tiếp đến xơ vữa mạch máu, mà xơ vữa này là một yếu tố nguy cơ của đột qụy, như vậy Triglyceride không gây trực tiếp đột qụy nhưng có thể tăng nguy cơ đột quỵ do ảnh hưởng đến quá trình xơ vữa động mạch (tăng nguy cơ khoảng 2.7 lần).
Tuy nhiên, chỉ số Triglyceride quá cao (trên 500mg/dl) có thể trực tiếp gây ra viêm tụy cấp (một bệnh lý hệ tiêu hóa khá nặng).
Mức độ Triglyceride hơn trị số bình thường có thể chỉ cần tăng cường tập thể dục, giảm cân, ăn các thức ăn ít tinh bột, đường...
Nếu cao hơn nữa (tùy cơ địa mỗi người) BS có thể có chỉ định các thuốc hạ Triglyceride và kiểm tra đáp ứng khoảng 1-2 tháng sau đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận