17/05/2015 10:36 GMT+7

Người Sài Gòn nói về sông Sài Gòn: "Bờ sông của người dân"

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - 218 phiếu thăm dò gồm cả câu hỏi định lượng và định tính đã được thực hiện tại nhiều khu vực thư giãn, giải trí của người dân TP trong những buổi cuối tuần: bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ, bờ sông Thủ Thiêm, An Khánh, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Bến Nghé...

"Bờ sông phải là của người dân"

Không hẹn mà gặp, đa số những người tham gia khảo sát đều cho biết mình là “người Sài Gòn”, sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn mấy mươi năm hay học tập và làm việc nhiều năm, chỉ duy nhất có một du khách Hà Nội vừa đến Sài Gòn được ba ngày.

Bờ sông phải là của người dân

Những “người Sài Gòn” ấy đã tham gia trả lời các câu hỏi một cách đầy nhiệt tình, hứng khởi và cho biết họ đợi điều này lâu lắm rồi.

Kết quả đầy ấn tượng: với câu hỏi “Nếu được lựa chọn trong một cơ hội cải tạo lại cảnh quan hai bên bờ sông Sài Gòn ở khu vực trung tâm, bạn sẽ chọn gì?”, chúng tôi thu được kết quả như sau: 124 người chọn “công viên cảnh quan, cây xanh” (chiếm 52% số người trả lời), 85 người chọn “công viên + công trình văn hóa công cộng” (39%), 10 người chọn “công viên + trung tâm thương mại” (5%) và 9 người cuối cùng chọn “trung tâm thương mại, cao ốc, chung cư” (4%).

Kèm theo lựa chọn ấy là rất nhiều tình yêu chất chứa với Sài Gòn. “Sông Sài Gòn uốn lượn dịu dàng mà mạnh mẽ ôm lấy TP, tài sản vô giá của TP. Ước mong sông Sài Gòn sẽ trong xanh hơn, hai bên bờ thông thoáng, trồng nhiều cây xanh, hoa trái hơn và thật sự là của chung mọi người...”.

“Tôi mong ước TP quy hoạch lại hai bên bờ sông thành nơi cảnh quan tươi đẹp, nơi người dân có thể nghỉ ngơi sau giờ làm việc, thư giãn ngắm nhìn dòng sông; thanh thiếu nhi có chỗ xanh sạch đẹp vui chơi, gặp gỡ, giao lưu. Du khách đến Sài Gòn mang dấu ấn của dòng sông theo mình và mong ngày trở lại...”.

“Hãy xây dựng hai bên dòng sông những công viên, quảng trường, cầu đi bộ bắc qua sông, nhà hát, sân khấu ngoài trời, thư viện, nhà triển lãm, khu vui chơi vận động... Sài Gòn còn thiếu nhiều thứ lắm”...

Sông Sài Gòn - sao không là điểm hẹn?

Bảng khảo sát dành đến ba câu hỏi cả định lượng lẫn định tính để tìm hiểu độ hấp dẫn của dòng sông với người dân Sài Gòn: Chọn lựa một điểm đến? Những điều thích và không thích ở con sông? Thuận tiện và không thuận tiện khi đi dọc bờ sông?

Kết quả thật đáng ngại vì trong lúc khẳng định sự vô giá của dòng sông “có một không hai” mà tạo hóa ban cho TP thì đa số người được hỏi cho biết họ không hài lòng về bờ sông Sài Gòn hiện tại.

Nhiều người cho rằng hiện giờ nói đến bờ sông, bờ kênh người ta nghĩ ngay đến bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đại lộ Võ Văn Kiệt dọc kênh Bến Nghé hay bờ Khánh Hội, không mấy ai đến bến Bạch Đằng dù ở đó chính là trung tâm TP. Bờ sông Sài Gòn không còn chỗ cho người dân nữa...

Tôi tin những người trả lời rất thật lòng. Một chị công nhân đã sống ở Sài Gòn 14 năm tâm sự: “Buổi tối đi làm về muốn chạy ra sông Sài Gòn hóng mát, nhưng tới một chút phải về. Không gian thay đổi quá nhiều, tâm tình con người cũng khác...”.

Một người đàn ông 53 năm sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nói: “Ước mơ đến một ngày người Sài Gòn có thể dễ dàng đi dọc hai bờ sông Sài Gòn bằng mọi phương tiện: đi bộ, xe đạp, xe máy, canô, thuyền chèo, tàu du lịch...”.

Một bạn sinh viên Sài Gòn tuổi 19 cho biết: “Cầu Mống bắc ngang sông rất đẹp, là điểm hẹn lý tưởng. Nhưng chúng em vẫn e ngại về tình hình an ninh, vệ sinh. Thêm một điểm khó chịu nữa là khi quan sát tổng thể hai bờ sông có thể thấy rõ sự tương phản, chênh lệch giàu nghèo...”.

Một chị nhân viên văn phòng hơn 20 năm sống và làm việc tại Sài Gòn: “Muốn tìm cảm giác yên tĩnh, hòa vào thiên nhiên, tôi chỉ có cách chờ đến dịp được nghỉ lễ, nghỉ phép để về quê hay đi du lịch”...

Nỗi lo của ngành du lịch

Đồng ý kiến với những người dân Sài Gòn, ông Võ Xuân Nam, phó trưởng phòng kế hoạch - nghiên cứu phát triển Sở Du lịch TP.HCM, bày tỏ:

“Lịch sử Sài Gòn xưa và TP.HCM ngày nay đã và sẽ mãi mãi phải phát triển dựa trên nền tảng tự nhiên của hệ sinh thái, sông, kênh rạch. Nếu không sự phát triển sẽ không còn được sự ưu đãi của tự nhiên, lợi thế cạnh tranh cũng không còn”.

Ông Nam cho biết Sở Du lịch đã nghiên cứu và đề xuất nhiều ý tưởng để khai thác lợi thế và tiềm năng sẵn có như xây dựng các công viên, phát triển các điểm du lịch văn hóa, làng nghề, sinh thái dọc bờ sông, tận dụng các cầu cảng sẵn có để mở tuyến du lịch đường thủy... phục vụ sự phát triển mang tính chiến lược, bền vững, vì cộng đồng.

“Chúng tôi rất mừng khi ý tưởng ấy gặp được sự ủng hộ của báo chí và dư luận. Sông Sài Gòn là do tạo hóa ban tặng, con người không thể làm ra được nhưng những ứng xử không phù hợp, không minh bạch, công bằng như xây quá nhiều nhà cao tầng sẽ làm mất lợi ích chung của người dân và còn có thể giết chết dòng sông. Và chúng ta không thể để điều đó xảy ra”.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên