11/05/2015 06:00 GMT+7

Kiến trúc bờ sông Sài Gòn sao cho đẹp?

VÕ HƯƠNG - LÂM HOÀI - MẠNH KHANG - TÀI PHONG
VÕ HƯƠNG - LÂM HOÀI - MẠNH KHANG - TÀI PHONG

TTO - Hàng ngàn ý kiến bạn đọc cho rằng sông Sài Gòn rất đẹp, uốn lượn độc đáo nhưng cách khai thác cảnh quan hai bên bờ sông vẫn chưa xứng với vẻ đẹp đó.

Nhiều nơi trên bờ sông Sài Gòn đã trở thành lãnh địa riêng, khắc phục tình trạng này không hề đơn giản - Ảnh: Thanh Tùng

Theo Kiến trúc sư (KTS) Trần Ngọc Chính - chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị VN, sông Sài Gòn vừa mang ý nghĩa lịch sử, nhân văn vừa trải dài quanh thành phố với lượng nước lớn, tốc độ chảy hiền hòa và độ sâu đảm bảo nên tạo ra được những không gian, phân khúc, khu chức năng đặc biệt.

“Độ rộng sông vừa phải, không quá lớn như sông Hồng cũng không dữ dội như các con sông khác. Đây là một lợi thế cũng là giá trị khai thác rất lớn cho TP.HCM”, ông Chính cho biết.

Quá thiếu những không gian xanh ven sông

Với câu hỏi khảo sát: “Sắp tới, các cảng Khánh Hội, Ba Son... có kế hoạch di dời và TP đang có cơ hội cải tạo lại cảnh quan hai bờ sông Sài Gòn. Nếu được lựa chọn, bạn sẽ chọn những gì trên khu vực bờ sông?, TTO đã nhận được 1681 lượt ý kiến (tính đến 16g30 ngày 10-05).

Trong đó, gần 68% lựa chọn công viên cảnh quan (tương đương 1138 ý kiến).

Bạn đọc Phạm Thành Luân cho rằng: “Bờ sông phải là nơi công cộng, không bị lấn chiếm để kinh doanh,  là nơi có thảm cỏ cây xanh, nơi dạo bộ hóng mát, nơi lực lượng an ninh là những người thân thiện”.

Bạn Nguyễn Cao Sơn mong muốn hai bờ sông Sài Gòn phải được cải tạo như tuyến đường dọc bờ kênh - Trường Sa và Hoàng Sa, phải là nơi để người dân đi dạo mát và tập thể dục”.

Bạn đọc Ha Cong và Vietnhat cùng ý kiến: “Thành phố nên xây bờ kè chắc chắn hai bên sông Sài Gòn, phát triển thành phố ven sông”.

Riêng bạn Minh Luân cho rằng: “Phải có công viên cây xanh, đặc biệt là phải có nhiều loại cây cổ thụ để chim chóc sinh sống, tạo cảnh quan tươi đẹp, nơi người dân có thể nghỉ ngơi sau giờ làm việc, thư giãn nhìn ngắm dòng sông, các cháu thanh thiếu nhi có chỗ gặp gỡ giao lưu... để du khách đến với Sài Gòn sẽ mang dấu ấn của con sông theo mình”.

“Chỉ nên xây dựng với mật độ thấp những công trình mang tính biểu tượng để tăng thêm sự hiện đại”, bạn Phạm Quốc Bình góp ý.

Bạn Thanh Nga - sinh viên (ĐH Kiến trúc TP.HCM) cho rằng: “Các tòa nhà xung quanh bờ sông phải được thiết kế, xây dựng sao cho thống nhất, hài hòa với vẻ đẹp chung. Tăng cường mảng xanh ở các công viên”.

Hiện đại nhưng chưa hài hòa

KTS Trần Ngọc Chính cho rằng trong nghiên cứu quy hoạch và sử dụng đất ở hai bờ sông Sài Gòn phải có những kịch bản phù hợp với thiên nhiên của từng phân đoạn.

Tất nhiên, việc xây dựng những trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa là cần thiết nhưng công trình phục vụ cộng đồng, thư giãn, nghỉ ngơi mới là phần quan trọng, phải có mảng xanh, đường dạo,..

Ông Chính so sánh, nhiều thành phố nổi tiếng ở Nga, Pháp, Ý, Úc, Anh đều có các con sông tạo điểm nhấn văn hóa và bộ mặt đô thị. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những con sông làm nên cảnh quan đặc trưng của thành phố chưa nhiều, chỉ mới có sông Hàn tại Đà Nẵng là nổi trội hơn cả.

Đi vào quy hoạch tổng thể của thành phố, KTS Trần Ngọc Chính  phân tích: “Phải xác định khu trung tâm là khu nào, gồm cái gì và sử dụng đất thế nào? Khu mang tính chất cảnh quan môi trường thì phải như thế nào cho phù hợp?”.

Riêng với khu vực Q.1, đối diện là Thủ Thiêm, ông Chính khẳng định, TP đã từng cuộc thi quốc tế để lựa chọn phương án nhằm khai thác sông Sài Gòn tốt nhất, kết nối đôi bờ thuận tiện nhất, xây dựng không gian đối xứng nhau với những tầng cao và tổ hợp kiến trúc.

Liên quan đến những công trình kiến trúc và vấn đề tạo dựng không gian, KTS Chính nhận định hình ảnh Sài Gòn ở bờ Q.1 nhìn qua sông SG đã phản ảnh được kiến trúc của một đô thị hiện đại, tuy nhiên còn lộn xộn vì chưa được nghiên cứu không gian khi nhìn từ bờ bên kia sông.

“Các dự án xây dựng xin bao nhiêu tầng cao, hình thức kiến trúc như thế nào thì TP ký duyệt nhưng chưa có đánh giá về sự hài hòa giữa các không gian với nhau”, ông Chính giải thích.

Thành phố cần phải làm gì?

Theo KTS Trần Ngọc Chính, TP cần đầu tư hơn về thiết kế, triển khai và quản lý, tập trung vào yếu tố tạo nên vẻ đẹp, sự khác biệt của đô thị.

Sông Sài Gòn một sáng đầu đông. Ảnh: M.C

TP.HCM là đô thị có quy mô lớn nhất cả nước và là trung tâm thương mại, dich vụ, văn hóa mang tầm khu vực, thế giới. Vì vậy, không nhất thiết tất cả công trình thương mại dịch vụ đều phải tận dụng khai thác dòng sông.

“Ai chẳng muốn tận dụng lơi thế của sông để thu lợi cho mình nhưng vấn đề là phải xem chỗ nào khai thác thương mai, chỗ nào không được mà phải xây dựng cảnh quan công viên, phục vụ cộng đồng”, ông Chính nói.

Tháng 5-2007, TP.HCM từng tổ chức cuộc thi quốc tế “Ý tưởng thiết kế khu trung tâm hiện hữu mở rộng” nhằm tìm ra nhà tư vấn tốt. Tuy nhiên, theo ông Chính, vấn đề quy hoạch hai bên bờ sông Sài Gòn dường như chưa chú trọng.

Ông Chính cho biết, tại hai bờ sông, không được xây dựng công trình kiên cố hay mật độ dày đặc mà cần đảm bảo sự thông thoáng của không gian tự nhiên, không xâm hại đến sông.

Mọi bài toán về quy hoạch xây dựng phải hết sức cẩn trọng. Nếu làm sai là không sửa được vì sông là tự nhiên, không phải như công trình muốn xây xong rồi đập đi cũng được.

“TP nên có đề án dài hơi để gìn giữ sông Sài Gòn, tạo sự phát triển bền vững”, ông Chính nhấn mạnh.

67,7% bạn đọc lựa chọn công viên cảnh quan.

 

VÕ HƯƠNG - LÂM HOÀI - MẠNH KHANG - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên