15/06/2022 09:34 GMT+7

'Người quý hiếm' ở các bệnh viện

HỒNG HÀ - THU HIẾN
HỒNG HÀ - THU HIẾN

TTO - Không phân biệt ngày nghỉ, ngày thường, trong hay ngoài giờ hành chính, công việc đặc biệt của các y bác sĩ ở những bệnh viện này rất vất vả.

Người quý hiếm ở các bệnh viện - Ảnh 1.

Điều dưỡng cắt tóc, cắt móng tay, móng chân cho bệnh nhân, các chị sẽ làm công việc này hằng ngày cho lần lượt bệnh nhân trong khoa. Có người đã bị “tai nạn” khi bệnh nhân lên cơn trong lúc được y bác sĩ chăm sóc - Ảnh: HỒNG HÀ

Người ta gọi y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân phong, lao, tâm thần, pháp y, HIV... là "quý hiếm", bởi vì mức độ vất vả, đặc thù nghề nghiệp, các chuyên khoa này đều rất khó tuyển sinh và sau này là tuyển dụng. Lương thấp, công việc đặc thù, giữ người làm việc ở những cơ sở y tế đặc thù này mới khó làm sao!

Những người "quý hiếm"

10h sáng, điều dưỡng Nguyễn Thị Diệu Linh, khoa bán cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 (Hà Nội), bắt tay vào cắt tóc cho bệnh nhân. 

Sau cắt tóc là cắt móng tay, móng chân. Đây là công việc thứ 4, 5 kể từ khi giờ làm bắt đầu, mà nhiều công việc trong đó ít ai tưởng tượng rằng nhân viên y tế phải làm như: cho bệnh nhân ăn sáng, đưa những người đang ì trệ đi tắm, chia thuốc và kiểm tra từng bệnh nhân uống thuốc...

Đã quá 11h30, bác sĩ Vũ Thị Hạnh - phụ trách chương trình chống lao tại trạm y tế phường Tăng Nhơn Phú B (TP Thủ Đức, TP.HCM) - vẫn miệt mài bên xấp hồ sơ của bệnh nhân lao.

Trạm y tế của bác sĩ Hạnh đang có 22 bệnh nhân lao đang được điều trị. Công việc chính của chị là nhập danh sách, quản lý, điều trị, theo dõi... những bệnh nhân lao được các bệnh viện tuyến trên chuyển về địa phương điều trị. Nguồn nhân lực của trạm y tế rất hiếm hoi, bác sĩ Hạnh còn kiêm luôn cả các chương trình khám, chữa bệnh, tiêm chủng...

"Đa số những người bệnh lao đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Họ là những người chạy xe ôm, tiểu thương, công nhân, lao động tay chân... khi mắc lao bắt buộc phải ở nhà điều trị, ít nhiều tạo ra gánh nặng cho gia đình, do vậy tôi luôn đồng cảm với các bệnh nhân của mình, có thêm động lực gắn bó với nghề", bác sĩ Hạnh nói.

Nhiều lúc, danh sách 500 bệnh nhân được các bệnh viện tuyến trên gửi về để trạm y tế xác minh, điều trị tại địa phương nhưng khi đi kiểm tra gọi mãi họ không nghe máy, hay sai địa chỉ, xuống nhà nhiều lần nhưng không thấy bệnh nhân, chúng tôi rất lo cho sức khỏe của bệnh nhân. "Làm nghề này xác định sẵn khả năng lây nhiễm cao, nhưng mong muốn giúp đỡ người bệnh còn lớn hơn sợ mình bị nhiễm", chị Hạnh chia sẻ.

Tại tổ lao Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, TP.HCM (khu vực quận 9 cũ) chỉ có 4 người, trong đó chỉ có 1 bác sĩ và 3 điều dưỡng, nơi này đang quản lý 220 bệnh nhân lao, 10 người mắc lao siêu kháng thuốc.

Điều dưỡng Phan Kim Thanh thuộc tổ lao này, người đã có kinh nghiệm gần 30 năm gắn bó với nghề, chia sẻ chị đã chứng kiến rất nhiều đồng nghiệp không may bị lây nhiễm bệnh lao từ bệnh nhân.

Cùng với bệnh nhân lao, y bác sĩ điều trị bệnh nhân tâm thần cũng là lĩnh vực rất vất vả. Điều dưỡng Trần Thị Thu Lan (Bệnh viện Tâm thần trung ương 1) cho hay đặc thù ngành y là bệnh nhân biết họ dùng thuốc gì, dùng như thế nào, nhưng riêng bệnh nhân tâm thần thì không biết, y bác sĩ phải chia thuốc cho từng bệnh nhân, mỗi ngày 2 cữ và nhìn bệnh nhân cho thuốc vào miệng, nuốt được thuốc rồi mới gọi là xong một công việc.

Nếu không theo dõi, bệnh nhân có thể bỏ thuốc, thậm chí đã bỏ thuốc vào miệng nhưng họ vẫn... không uống, kết quả điều trị vì thế bị ảnh hưởng. Đến bữa ăn của bệnh nhân, bác sĩ Lê Thị Thanh Thu, trưởng khoa bán cấp tính nam, kiêm thêm công việc nhắc bệnh nhân ăn.

"Tâm thần là loại bệnh phải điều trị lâu dài, nếu bệnh nhân về nhà không tuân thủ điều trị lại phải vào viện, nhiều bệnh nhân cứ quay đi quay lại, thành "người quen" của chúng tôi. 

Bạn bè nhiều khi cũng bảo hay chuyển công việc sang bệnh viện khác, nhưng tôi thấy quen rồi, dù là công việc kể ra thì ít người nghĩ đến, y bác sĩ phải kiểm tra hằng ngày để đảm bảo bệnh nhân không có những vật nguy cơ, từ cái bật lửa, vật sắc nhọn, kể cả cái thìa khi bệnh nhân lên cơn cũng là căng. Bệnh nhân thì hay trốn, lên cơn hoang tưởng, nên chúng tôi phải trực 4 người/kíp" - chị Thu nói.

Chật vật với cuộc sống

Mặc dù công việc vất vả, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, tuy nhiên nhiều nhân viên y tế ngành lao cho biết mức lương cộng thêm phụ cấp độc hại cũng không đủ sống. Phần lớn bám trụ được với nghề đều nhờ vào công việc làm thêm.

Bác sĩ Nguyễn Thị Uyên - tổ lao Trung tâm Y tế TP Thủ Đức - chia sẻ sau khi tốt nghiệp ra trường, chị quyết định gắn bó với công việc chăm sóc bệnh nhân lao tại tuyến y tế cơ sở. Nhưng làm từ 4 - 5 năm hiện mức lương, cộng thêm phụ cấp độc hại mới chỉ được hơn 6 triệu đồng/tháng. Với mức lương này chị ngồi nhẩm tính tiền xăng xe đi lại, tiền mua sữa cho con, các khoản phí sinh hoạt chẳng thấm vào đâu.

Để trụ được với cuộc sống ở Sài Gòn, chị đành phải đi làm thêm bằng cách ngồi khám bệnh thêm tại các phòng khám tư nhân khi xong việc. Khi kết thúc ngày cũng là lúc đồng hồ chỉ 21h30. Không riêng bác sĩ Uyên, các điều dưỡng trong phòng đều có mức lương cũng chỉ đủ sống.

Mức lương 5 - 6 triệu đồng cũng là của đại đa số điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần trung ương 1. Điều dưỡng Trần Thị Thu Lan cho biết chị có thâm niên gần 4 năm, lương tháng chỉ 5,7 triệu đồng. Từ đầu năm 2022 Bộ Y tế đang trình nghị định 60 về cơ chế tự chủ cho nhóm 4 (tức là nhóm bệnh viện lao, phong, tâm thần... 100% kinh phí do ngân sách cấp), nên nhân viên y tế các bệnh viện này chưa được nhận mức thưởng A, B, C như thông thường hằng năm, thu nhập bởi thế càng bèo bọt.

Ông Nguyễn Tuấn Hưng, phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, cho biết đã đề nghị phụ cấp thâm niên nghề cho các lĩnh vực đặc thù này từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa có, trong khi bệnh viện phong, lao, tâm thần thì không có nguồn thu.

"Trong khi 10 ngành từ giáo dục, thanh tra, kiểm lâm... có phụ cấp này, nhưng y tế không có. Chúng tôi đề nghị cho các chuyên khoa đặc biệt này thôi nhưng 11 năm vẫn chưa được. Vừa rồi nịnh mãi mới có 1 bác sĩ nội trú về làm tâm thần, nhưng lương bác sĩ mới được 6,7 triệu đồng, giữ chân bác sĩ lâu dài là khó khăn" - ông Hưng chia sẻ.

Cực khó kiếm nhân lực

THAM KHAM BENH

Thăm khám cho bệnh nhân lao tại Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: THU HIẾN

Ông Nguyễn Tuấn Hưng - phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế - chia sẻ hiện rất khó kiếm nhân lực cho chuyên khoa phong, lao, tâm thần... "Có người mặc cảm, có người đã vào làm nhưng sau lại chuyển công việc, nhân lực đã thiếu càng khó khăn, trong khi sau dịch COVID-19, người gặp vấn đề sức khỏe tâm thần lại gia tăng".

Sau gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, y bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 báo công dâng Bác Sau gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, y bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 báo công dâng Bác

TTO - Ngày 2-6, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức lễ báo công dâng Bác về những kết quả đạt được của Bệnh viện dã chiến 2.3 khi tham gia giữ gìn hòa bình tại Nam Sudan.

HỒNG HÀ - THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên