Mười năm chăm sóc người dưngCàng sóng gió càng vững tay chèo“Ai bỏ thì tôi lượm”: chuyện đứa bé được cứu sống
Phóng to |
Chị Xuân làm những đôi chân giả giúp bệnh nhân phong đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn - Ảnh: Hoài Đan |
Ở đó có hai phòng, phòng nhỏ là nơi ở của y tá Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1957, quê Quế Võ, Bắc Ninh), người đã tình nguyện hi sinh tuổi trẻ của mình để chăm sóc những bệnh nhân phong. Phòng lớn chứa những dụng cụ hỗ trợ chân, tay giả, những đôi dép mô phỏng theo những đôi chân dị dạng và đó cũng là nơi làm việc của chị.
Sức mạnh của tình thương
"Chị ấy là người có trách nhiệm trong công việc. Đặc biệt, với những bệnh nhân phong, chị ấy đã chăm sóc họ như người thân của mình. Với sự tận tâm đó, y tá Nguyễn Thị Xuân được các bệnh nhân phong ở đây yêu quý, đồng thời được Nhà nước tặng nhiều huân - huy chương" ÔngLƯƠNG TRUNG HẬU(giám đốc Bệnh viện Phong và da liễu Bắc Ninh) |
Những năm 1986, 1987 chị Xuân là cô giáo trẻ, phụ trách các lớp mầm non ở xã Đại Xuân, Quế Võ, Bắc Ninh. Một lần tình cờ, chị đọc cuốn sách Lạc quan trên miền thượng, kể về cuộc sống nhiều nỗi đau và thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần của những bệnh nhân phong ở trại phong Di Linh (Lâm Đồng).
Thương cảm cho những số phận trong quyển sách đó, chị giấu gia đình tìm đến trại phong Quả Cảm ở Bắc Ninh, tận mắt chứng kiến nỗi đau về thể xác mà những bệnh nhân phong phải chịu đựng và bật khóc khi nghe một cụ ông nói ước nguyện cuối cùng trước khi mất là được nhìn mặt con, cháu, anh em lần cuối.
Nhưng đau đớn thay, ước nguyện đó đã theo ông về miền cực lạc. Từ đó, chị nuôi suy nghĩ trở thành con, cháu, thành người thân, thành những đôi chân, bàn tay bị cụt của những bệnh nhân phong ở nơi này.
Ngày ngày chị lén mang theo nắm cơm với muối vừng lên trại phong Quả Cảm để cõng một bà cụ bị cụt chân, xách xô nước giúp ông cụ cụt tay, hay lo hậu sự cho một bệnh nhân phong đã không còn đủ sức chống chọi với những biến chứng của căn bệnh này.
Khi chị bỏ dạy học để chuyển lên ở hẳn trên trại phong tiện bề chăm sóc các bệnh nhân thì người em trai ruột khẳng định chị bị điên. Người cậu dọa từ mặt nếu chị còn tiếp tục lên trại phong Quả Cảm. Họ hàng bàn tán xôn xao, bạn bè xa lánh, trêu chọc. Tất cả đều quay lưng lại với quyết định của chị.
Nhưng chị vẫn một lòng muốn đem tình yêu thương của mình xoa dịu phần nào những nỗi đau nơi trại phong Quả Cảm biệt lập, cô độc, thiếu thốn, khó khăn ở xã Hòa Long, huyện Yên Phong, Bắc Ninh.
28 năm hạnh phúc
Sau hai năm tình nguyện ở lại chăm sóc những bệnh nhân phong tại trại phong Quả Cảm, tình cảm chân thành của chị đã chinh phục tất cả mọi người, từ những người bệnh nhân phong cho tới đội ngũ y bác sĩ trại phong khi đó. Thế nên chị được cử đi học lớp y tá ở trại phong Quy Hòa (Quy Nhơn, Bình Định) để có kiến thức chăm sóc tốt hơn cho những bệnh nhân phong.
Kết quả của hơn một năm học để trở thành y tá, chị đứng hạng 2 trong một lớp có 42 học sinh. Chị mang kết quả học tập quay trở về trại phong Quả Cảm trong sự đón tiếp nồng ấm của bệnh nhân phong nơi đây. Sau đó, một lá đơn có chữ ký của tất cả bệnh nhân phong được gửi lên ban giám đốc và sở y tế huyện, tỉnh đề nghị cho chị được biên chế vào trại phong Quả Cảm.
Từ đó, chị bắt đầu công việc của một cô y tá. Với chị Xuân, y tá đâu chỉ có phát thuốc, lau rửa vết thương mà còn giặt quần áo, nấu cơm giúp bệnh nhân và còn se duyên cho những đôi lứa đang khao khát hạnh phúc lứa đôi. Trước đó, chị đã đi khắp các tỉnh từ Hà Tây (cũ), Hà Nam, Thái Bình đến Sơn La, Điện Biên tìm đến những trại phong khác để kết nối các bệnh nhân lại với nhau giúp bao đôi lứa nên duyên vợ chồng.
Cặp đôi anh Chất, chị Đoàn nảy sinh tình cảm với nhau từ một buổi giao lưu văn nghệ giữa trại phong Quả Cảm và trại phong Sóc Sơn. Sau hơn 10 năm gắn bó, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, anh chị đã có một cháu trai khôi ngô, tuấn tú đang học lớp 7.
Cũng nhờ chị Xuân nên chị Hà nhà ở cạnh trại phong Phú Bình (Thái Nguyên) đã đồng ý làm vợ anh Sanh (quê huyện Sìn Hồ, Lai Châu) khi anh đến Bệnh viện Phong và da liễu Bắc Ninh chữa bệnh.
Khi nhìn thấy những cụ già với đôi chân toét máu khi di chuyển, những vết xây xước trên cơ thể do những lần ngã trong khi đi lại, chị Xuân liền xin ban giám đốc bệnh viện cho mình đi học lớp làm chân giả ở khu điều trị phong Bến Sắn (TP.HCM) để mang kỹ năng làm chân giả về Bắc Ninh giúp việc đi lại của các cụ trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn.
Cụ Nguyễn Xuân Phước - năm nay 81 tuổi, bị cụt hai chân tới gần đầu gối - cho biết: “Trước đây, khi chưa có đôi chân giả do chị Xuân thiết kế, mỗi lần đi lại tôi phải dùng hai tay lết từ chỗ này qua chỗ khác, có lúc ngã dúi đầu về phía trước, giập trán đổ máu”.
28 năm gắn bó với trại phong Quả Cảm, bao nhiêu nước mắt, niềm vui, nỗi buồn có được với những bệnh nhân phong cũng chính là hạnh phúc của chị Xuân. Năm 2012, dù đến tuổi nghỉ hưu, chị vẫn xin ở lại để được tiếp tục chăm sóc những bệnh nhân phong mà chị đã từng bất chấp tất cả để được gần gũi.
Có lẽ ảnh hưởng bởi cái tên Quả Cảm một thời của trại phong, chị cũng là một phụ nữ quả cảm ở nơi này.
Hi sinh gia đình Ở độ tuổi đẹp nhất của đời người, chị Xuân đã quyết định không lập gia đình để có toàn thời gian chăm sóc những bệnh nhận phong. Và chị nói chưa bao giờ hối hận về quyết định đó. Nhìn cách chị chăm sóc từng bệnh nhân phong cũng đủ thấy chị hạnh phúc đến nhường nào khi được làm công việc ấy. Chị bảo rằng nếu lập gia đình thì quỹ thời gian để chăm sóc bệnh nhân phong sẽ bị chia sẻ và chuyện chị ở hẳn trên trại phong Quả Cảm là không thể. Hơn nữa, người chồng và những đứa con của chị có quyền được hưởng tình thương yêu chăm sóc của người vợ, người mẹ. Vì thế, nếu lơ là chăm sóc chồng, con sẽ là lỗi lầm không thể nào tha thứ. Thế nên, chị quyết định dành hết tâm sức, thời gian cho bệnh nhân phong. Tuổi xuân của chị là những tháng ngày chăm sóc họ, là những lần khăn gói quả mướp từ Bắc vào Nam để học tập, nâng cao trình độ về phục vụ người bệnh, là những đêm trắng hát ru cho những đứa trẻ là con của các bệnh nhân phong ngủ. Giờ đây, khi đã ở tuổi xế chiều chị vẫn buồn, vui cùng với họ chứ không ai khác. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận