02/12/2012 04:39 GMT+7

Người phụ nữ "chiến đấu"

HÀ AN (Theo Sélection)
HÀ AN (Theo Sélection)

TT - Monika Hauser, người đã giúp đỡ hàng ngàn phụ nữ bị cưỡng hiếp tập thể trong chiến tranh, luôn sống xứng đáng với danh hiệu “Người phụ nữ châu Âu của năm 2011” do tạp chí Reader’s Digest bầu chọn.

yzHaJsAN.jpgPhóng to
Monika Hauser (áo xanh) và các phụ nữ ở Liberia - Ảnh: Nrw.de

Hiện nay, Tổ chức phi chính phủ Medica Mondiale của Monika Hauser đang từng bước khẳng định vị trí quan trọng ở nhiều nước trên thế giới. Tổ chức này giúp đỡ phụ nữ bị chấn thương tinh thần do chiến tranh để họ hòa nhập cuộc sống mới. Monika và các đồng nghiệp của bà đã giúp 70.000-100.000 phụ nữ bị tổn thương trong và sau chiến tranh ở Balkan, Kosovo, Congo, Bosnia, Liberia, Afghanistan...

Monika đã suy nghĩ rất kỹ khi từ bỏ sự nghiệp đầy hứa hẹn của một bác sĩ để tập trung cho “cuộc chiến” vì phụ nữ này. Bà đã cố làm việc để ngăn chặn và trừng phạt bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ gái trong thời chiến mà bà gọi đích danh đó là “tội ác chiến tranh”. Lúc nhỏ, Monika đã được mẹ kể những câu chuyện về “chấn thương tâm lý” mà một số phụ nữ và trẻ gái phải chịu đựng suốt Chiến tranh thế giới lần hai.

Khi trở thành sinh viên trường y, Monika đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nữ là nông dân bị bạo hành về thể xác và tình dục trong cuộc sống hằng ngày của họ. Nhưng dường như tất cả những trường hợp bạo hành phải nhập viện đã không được bệnh viện lưu ý đến. Đó là lý do mà Monika muốn giúp đỡ những phụ nữ này và làm thay đổi quan điểm chính trị của bệnh viện. Đối với bà, những vụ hãm hiếp hay bạo hành tình dục trong thời chiến cũng như thời bình đều là tội ác như nhau.

Sinh ra ở Thụy Sĩ, Monika Hauser, 53 tuổi, là một bác sĩ phụ khoa dày dạn kinh nghiệm. 20 năm trước, cuộc sống êm ấm của bà đã hoàn toàn thay đổi khi nhìn thấy những hình ảnh tàn bạo trong cuộc thảm sát diệt chủng ở Yougoslavie và những bi kịch của phụ nữ Bosnia. Hàng ngàn phụ nữ, nhất là phụ nữ Hồi giáo, đã trốn chạy vì sợ bị hãm hiếp bởi đám binh lính trong cuộc chiến tranh quốc gia dưới hình thức một “cuộc càn quét sắc tộc”.

Sự dã man này đã làm đảo lộn tâm hồn của Monika và bà biết mình cần phải làm gì ngay thời điểm đó. Đối với bà, đó là những nạn nhân bị quên lãng của chiến tranh và cần được lắng nghe, chia sẻ vì luôn sống trong ác mộng của sự tủi nhục và nỗi đau tinh thần. Họ bị xã hội ruồng bỏ và luôn có ý nghĩ tự kết liễu đời mình.

Tổ chức Medica Mondiale đã đấu tranh và đòi lại công bằng cho những người phụ nữ ấy. Monika đi khắp thế giới để kêu gọi giúp đỡ “những phụ nữ sống sót” ở các “khu vực nóng” vì thảm trạng bạo hành.

Những nạn nhân đầu tiên của vụ cưỡng hiếp tập thể mà Medica Mondiale đã giải thoát và tiếp nhận nay từng bước làm lại cuộc đời và đi giúp đỡ những phụ nữ khác, như Monika đã từng giúp họ. Đó là một động lực khiến Monika không bao giờ nản lòng trước những khó khăn đối với công việc đầy gian nan này.

HÀ AN (Theo Sélection)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên