03/04/2021 09:09 GMT+7

Người Philippines và họa 'tàu cá' Trung Quốc

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Hằng năm, người Philippines vẫn khốn khổ với tai họa kinh niên là mấy chục cơn bão 'nghiêng nước, nghiêng thành'. Song tháng 3 vừa qua, vấn đề với Philippines không phải là thiên tai, mà là nhân họa.

Người Philippines và họa tàu cá Trung Quốc - Ảnh 1.

Một góc đội hình “tàu đánh cá" Trung Quốc đang “tránh bão" ở gần đá Ba Đầu, ảnh chụp qua vệ tinh ngày 21-3 - Ảnh: Maxar Technologies

Rạn san hô mà Philippines gọi là Julian Felipe, Việt Nam gọi là đá Ba Đầu, và quốc tế gọi là Whitsun, có hình dáng một cái boomerang, nằm ở cực bắc cụm Sinh Tồn, chỉ cách Bataraza, Palawan 175 hải lý, nên phía Philippines nhận là trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ.

Mấy tháng qua, tình hình ở đây căng thẳng do hàng trăm tàu cá vỏ sắt cỡ lớn của Trung Quốc bất ngờ tụ tập. Cực chẳng đã, phía Philippines "la làng" với thế giới hôm 21-3 bằng một thông báo của Bộ Quốc phòng và một kháng thư của Bộ Ngoại giao gửi Trung Quốc.

"Chúng tôi hết sức lo ngại về sự hiện diện của 220 tàu dân quân Trung Quốc tại rạn san hô Julian Felipe trên biển Tây Philippines. Đây là hành động khiêu khích rõ ràng nhằm quân sự hóa khu vực. Đây là lãnh thổ nằm trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa của chúng tôi.

Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngừng cuộc xâm nhập này và rút đi ngay lập tức những tàu thuyền vi phạm quyền hàng hải của chúng tôi và xâm phạm lãnh thổ thuộc chủ quyền chúng tôi" (thông cáo ngày 21-3 của Bộ Quốc phòng Philippines).

Đánh cá hay không đánh cá?

Trên thực tế, các tàu cá mà phía Philippines gọi là "tàu dân quân Trung Quốc" đã xuất hiện và được "nhận diện" ít nhất là từ tháng 11-2020. Theo báo Philippines The Inquirer 27-3, các "tàu dân quân" đã bị "ghi hình" từ cuối năm ngoái bởi một công ty nghiên cứu dữ liệu vệ tinh có trụ sở tại Mỹ tên là Simularity.

Công ty này cho biết sau lần đầu tiên họ ghi nhận các tàu Trung Quốc ở khu vực đó, nhiều tàu đến đây neo đậu và đi. Có lúc số tàu neo đậu giảm một thời gian ngắn, song sau đó một số đáng kể tàu lại đến và đi suốt nhiều tháng. Tháng 3, tình hình trở nên căng hơn.

Hôm 24-3, Simularity đếm được khoảng 200 tàu ở rạn san hô này, "hầu hết là tàu cá, một số ít là tàu hải cảnh Trung Quốc".

Đếm bằng cách nào? Đó là nhờ Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) cho phép theo dõi và hiển thị các tàu khác trong vùng lân cận, hoạt động bằng cách phát - đáp trong băng tần hàng hải di động VHF.

Theo Công ước quốc tế về an toàn trên biển (SOLAS) 1974, tất cả thương thuyền trên 300 tấn đều phải được trang bị AIS để tiện cho việc tìm kiếm cứu hộ. Nếu không có AIS hoặc AIS không bật sẽ không có trao đổi thông tin về tàu, nên AIS phải được bật mọi lúc, trừ khi tàu cố tình tắt.

Nếu có những tàu không bật AIS thì con số thực tế có thể còn nhiều hơn. Simularity còn sử dụng Hệ thống tự động phát hiện hình ảnh bất thường (AIADS) để theo dõi tốt hơn những con tàu lúc ẩn, lúc hiện kia.

Nhưng các tàu đánh cá tới khu vực này có phải để đánh cá không? Nếu "đi đánh cá" thì có cần phải đông thế không"? Trong cuộc họp báo ở phủ tổng thống Philippines Malacañang hôm 25-3, phát ngôn viên Harry Roque giải thích lý do tàu cá Trung Quốc ở đó:

"Trung Quốc cho biết ngư dân của họ chỉ ở đó vì đang tìm nơi ẩn náu trong thời tiết khắc nghiệt. Vì vậy, tôi hi vọng khi thời tiết xấu qua đi, trên tinh thần hữu nghị, những con tàu này sẽ không ở lại".

Joseph Moron, nhà báo của kênh truyền hình GMA 7, cật vấn: "Có đúng là thời tiết lúc đó xấu không?". Phát ngôn viên "ruột" của Tổng thống Rodrigo Duterte trả lời rất dẻo:

"Anh biết đấy, thời tiết không xấu, nhưng có một số khu vực cụ thể ở biển Tây Philippines thực sự sóng rất cao.... Tôi đã đi qua khu vực đó, có thể tới ba lần. Khu vực đó khét tiếng là sóng to gió lớn".

Đánh cá hay không đánh cá, cũng ý nghĩa không kém: trong hai ngày 23 và 24-3, Simularity đếm được ít nhất 200 tàu tại bãi Julian Felipe, song "chỉ một tàu là mở lưới".

Vậy những tàu khác thả neo ở đó để làm gì? Đó là chưa nói tới chuyện các tàu đánh cá xuất hiện có dựa trên bất cứ cơ sở hiệp định tiếp cận đánh cá song phương nào không.

Giải thích của Trung Quốc rằng các tàu neo ở đó do thời tiết xấu được hai nhà nghiên cứu Andrew S. Erickson và Ryan D. Martinson chuyên theo dõi vấn đề này diễn giải trong một bài viết công bố hôm 29-3:

Để từ tránh sóng to gió lớn biến thành ở lì rồi án ngữ không cho tàu nước khác tới, rồi đổ đất san lấp, củng cố, biến thành một "tiền đồn" mới, hoàn toàn đi ngược cả UNCLOS lẫn DOC, là chuyện đã có tiền lệ.

Đó chính là vụ "tàu cá không đánh cá" bu đầy bãi cạn Scarborough hồi tháng 4-2012, được tàu chấp pháp Trung Quốc bảo vệ, hô tránh bão trong 3 tháng, hết bão lại hô ở lại luôn do nơi đây "thuộc chính quyền Nam Sa"!

Nghi ngờ về kịch bản Scarborough tái diễn có thể thấy qua chi tiết mà tờ Inquirer 27-3 nhấn mạnh: Trong các bức ảnh chụp từ tháng 12-2020, các tàu này thả neo, giằng dây sát nhau thành từng khối rộng cỡ 200m, mỗi tàu rộng trung bình 10m, tức mỗi khối chừng 20 tàu - "một dấu hiệu cho thấy các tàu này ở đó không phải để đánh cá". Được biết, trụ cột của lực lượng "tàu cá dân quân" này là các tàu "Fancheng 9" vỏ sắt, dài 62,8m.

Trông cậy tình hữu nghị

Từ ngày 21-3, các bộ Quốc phòng và Ngoại giao Philippines đã có phản ứng theo chức năng của mình.

Còn phủ tổng thống thì sao? Trong cùng buổi họp báo 25-3 ở Malacañang, Melo Acuna, nhà báo kỳ cựu của Asia Pacific Daily, xoáy thẳng vào nội vụ bằng một câu hỏi đóng có/không: "Tổng thống Duterte và đại sứ Trung Quốc Huang Xilian [Hoàng Khê Liên] có nói chuyện với nhau về những gì đang xảy ra trên biển Nam Hải hoặc biển Tây Philppines không?".

Phát ngôn viên Harry Roque cho biết Tổng thống Duterte đã tiếp cận vấn đề rất "Duterte": "Họ có nói chuyện, nhưng đó không phải tất cả những gì họ nói. Ngay trước khi xảy ra sự cố tàu bè này, đại sứ có hẹn đến chúc mừng sinh nhật tổng thống - hôm chủ nhật vừa qua…

Đó là một chuyến thăm cá nhân giữa hai người bạn rất thân. Mặt khác, tổng thống từng nói trước Liên Hiệp Quốc về lập trường của chúng ta là đứng lên bảo vệ lãnh thổ của mình, là chúng ta tin rằng [tranh chấp] cần phải được giải quyết thông qua Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển…".

Như vậy, ông Duterte đã gặp riêng đại sứ Trung Quốc và vẫn đầy hữu hảo, không chỉ trên bình diện quốc gia mà còn cả cá nhân!

Nhưng Joseph Moron của kênh truyền hình GMA 7 thắc mắc ngay: "Nếu họ không đi thì sao?". Đây là một câu hỏi mang tính sát phạt, đẩy ông phát ngôn viên Roque vào thế khó:

"Chà, vấn đề nằm ở đó - tác động của tình hữu nghị thân thiết giữa Philippines và Trung Quốc hiện giờ tới đâu? Chúng tôi tin rằng về phía bạn bè chúng ta, điều này có thể được giải quyết". Ông Roque đành phải đặt cược vào tình hữu nghị Trung - Phi thôi chứ biết sao giờ.

Qua thứ hai 29-3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin N. Lorenzana ra thông báo trấn an dân chúng: "Tôi đoan chắc với nhân dân rằng nhà nước đang giữ vững lập trường: Chúng ta sẵn sàng bảo vệ chủ quyền quốc gia và tài nguyên biển của đất nước Philippines".

Ông cho biết, một mặt chính phủ kêu gọi rút ngay các tàu Trung Quốc ở đá ngầm Julian Felipe, và điều này đã được thông báo cho đại sứ Trung Quốc; mặt khác, Bộ Quốc phòng sẽ tăng cường sự hiện diện của hải quân và cảnh sát biển Philippines ở đây, nhằm thực hiện các cuộc tuần tra chủ quyền và bảo vệ ngư dân.

Cụ thể, một tàu hải quân và một tàu cảnh sát biển Philippines đang có mặt ở khu vực để theo dõi tình hình thực tế, còn không quân thì hằng ngày triển khai một máy bay phản lực AS211. Chiều cùng ngày, ông Lorenzana cập nhật tình hình trên CNN Philippines, cho biết các tàu hải quân và cảnh sát biển ra đá ngầm Julian Felipe đã bị tàu Trung Quốc "làm luật":

"Không có đụng độ, song đã có những cảnh cáo. Họ cảnh cáo chúng tôi không được đến đây, song chúng tôi đã trả lời chúng tôi tuần tiễu trong khu vực của chúng ta. Chỉ là một sự trao đổi thông thường thôi".

CNN Philippines bình luận: "Hành vi có vẻ thù địch của các tàu trên mâu thuẫn với tuyên bố của đại sứ Trung Quốc tại Philippines Huang Xilian rằng "các tàu đánh cá" chỉ tìm nơi trú ẩn trong rạn san hô do điều kiện biển động". Chẳng có gì lạ khi tàu "hải quân" và "cảnh sát biển" Philippines lại bị "tàu đánh cá" Trung Quốc "chặn đường xét giấy".

Chỉ tính trọng tải thôi, 220 tàu Trung Quốc đếm được, mỗi chiếc phải từ 300 tấn trở lên, tối thiểu cũng là một hạm đội trọng tải 66.000 tấn rồi, còn cơ bắp hơn toàn bộ lực lượng cảnh sát biển Philippines cộng lại, mà chủ lực gồm một dúm tàu tuần tra viễn dương (OPV) như BRP Gabriela Silang (Pháp đóng, dài 84m), 4 chiếc lớp San Juan (Úc đóng, dài 56m), 10 chiếc lớp Parola (Nhật đóng, dài 44m), 4 chiếc lớp Ilocos Norte (Úc đóng, dài 34m).

Có vẻ như Philippines đã ưu tiên "đổi mới" hải quân hơn cảnh sát biển - cả ba chiếc lớp Hamilton do tuần duyên Mỹ nhượng lại được biên chế vào hải quân. Chỉ có điều, "sàn đấu" không chính quy kiểu Trung Quốc đang mở ra lại cần nhiều các tàu chấp pháp dân sự (cảnh sát biển, kiểm ngư) để đối phó sách lược "vùng xám", vốn sử dụng tàu dân quân để gây sự.

Các "tàu cá" Trung Quốc sẽ ra đi hay ở lại? Vụ Scarborough có lẽ đã đủ là câu trả lời. Quan trọng hơn, đây sẽ là phép thử với chính sách cầu hòa hết mực của ông Duterte trước giờ.

Một hướng đối sách khác hẳn là trường hợp Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi), người đã thăm cả Washington lẫn Bắc Kinh, thúc đẩy hợp tác an ninh với cả hai siêu cường.

Khi Trung Quốc lấn tới trong vùng biển ngoài khơi Indonesia gần quần đảo Natuna cuối năm 2019, ông Jokowi không chỉ cử máy bay, tàu chiến ra, mà đích thân ông đã có mặt - một thông điệp khẳng định ông sẽ không nhân nhượng trong các vấn đề chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải.

Về quan hệ kinh tế, Indonesia vẫn tích cực tranh thủ Trung Quốc, nhưng đồng thời là các cường quốc châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc. Chiến lược tự cường và đa dạng hóa này giúp Indonesia đạt được các lợi ích từ Trung Quốc hơn hẳn Philippines, bao gồm dự án đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung đã triển khai được một nửa.

Philippines đưa máy bay tuần tra đá Ba Đầu, phớt lờ Trung Quốc 5 lần xua đuổi Philippines đưa máy bay tuần tra đá Ba Đầu, phớt lờ Trung Quốc 5 lần xua đuổi

TTO - Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 1-4 đưa tin quân đội Philippines ngày 30-3 đã triển khai một máy bay ra khu vực có nhiều tàu dân quân Trung Quốc đang tụ tập tại đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên