Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) nêu kiến nghị công nhận người Pa Cô là một dân tộc tại Quốc hội ngày 14-6-2017 - Ảnh: QUOCHOI.VN |
Khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu về dân tộc học thì chưa có con số 54 dân tộc như bây giờ. Số liệu 54 dân tộc chỉ mới chính thức có từ năm 1979, sau quyết định 121 của Tổng cục Thống kê để phục vụ cho tổng điều tra dân số |
PGS Khổng Diễn |
“Người con gái Pa Cô con cháu Bác Hồ/Dù gian khổ vượt núi băng rừng/Dù mưa bom em không ngại chi/Đi đánh Mỹ để giữ núi rừng...” - nhiều người Việt Nam thuộc ca từ reo vui, trong trẻo này của bài hát Người con gái Pa Cô nhưng không ít người sẽ bất ngờ khi biết rằng trong 54 dân tộc ở nước ta không có dân tộc nào là dân tộc Pa Cô. Câu chuyện ấy cũng vừa được chuyển đến Quốc hội để xem xét.
Người Pa Cô và Cà Dong cũng kiến nghị
Nổi tiếng nhờ bài hát Người con gái Pa Cô, nhiều năm qua người Pa Cô ở Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế cũng mòn mỏi kiến nghị Nhà nước công nhận họ là một dân tộc, không phải “mượn tên” người Tà Ôi nữa.
Mới đây nhất, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 14-6-2017 tại Quốc hội, đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) đã chuyển nguyện vọng tha thiết này, bà Minh nói: “Cộng đồng thiểu số người Pa Cô có ngôn ngữ và văn hóa, phong tục, tập quán riêng biệt nhưng vẫn chưa được công nhận là một dân tộc riêng và đang ghép vào dân tộc Tà Ôi. Đồng bào Pa Cô nhiều lần kiến nghị mong muốn được Nhà nước công nhận dân tộc mình là một dân tộc riêng”.
Không chỉ đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh mà Đoàn đại biểu Quốc hội Thừa Thiên - Huế cũng có kiến nghị tương tự gửi đến Ủy ban Dân tộc.
Trả lời kiến nghị này, Bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết theo quyết định 121 về danh mục các dân tộc Việt Nam thì chỉ có tên dân tộc Tà Ôi, bao gồm cả người Pa Cô, Pa Hi.
Từ trước đến nay đã có một số nghiên cứu của các cấp từ trung ương đến địa phương về một số tiêu chí dân tộc của người Pa Cô, nhưng để đưa ra kết luận về thành phần dân tộc đối với người Pa Cô vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu.
Và Pa Cô không phải là tộc người duy nhất kiến nghị đến Quốc hội công nhận thành phần dân tộc ở kỳ họp này, khi trước đó người Ca Dong ở Quảng Nam cũng gửi kiến nghị bởi hiện nay họ vẫn được xếp chung vào dân tộc Xê Đăng.
Người Ca Dong có tổng số dân khoảng 29.000 người, phân bố chủ yếu ở huyện Nam Trà My và Bắc Trà My, có phong tục tập quán riêng, có ý thức về nguồn gốc, tổ tiên và đặc biệt là có ngôn ngữ riêng.
Năm 2012 hồ sơ đề nghị công nhận thành phần dân tộc Ca Dong từng được UBND tỉnh Quảng Nam trình Ủy ban Dân tộc.
Trả lời kiến nghị này, Ủy ban Dân tộc cho biết đối với trường hợp người Ca Dong, đã có một số nghiên cứu chưa thể đưa ra kết luận về thành phần dân tộc và vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu.
Ủy ban Dân tộc tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, đáp ứng mong mỏi của cử tri.
Các cô gái Pa Cô - Ảnh: NGUYỄN THƯỢNG HIỂN |
54 dân tộc hay nhiều hơn?
PGS.TS Khổng Diễn, nguyên viện trưởng Viện Dân tộc học - Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nói đó là vấn đề mà cho đến nay nhiều địa phương và các nhà nghiên cứu dân tộc học vẫn còn tranh cãi.
Theo ông, câu chuyện của người Tà Mun, Pa Cô hay Ca Dong không phải là cá biệt, bởi còn nhiều tộc người nữa cũng đang đề nghị làm rõ thành phần dân tộc của mình.
Là người đã có hơn 50 năm nghiên cứu về dân tộc ở Việt Nam, PGS Khổng Diễn nhớ lại: “Khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu về dân tộc học thì chưa có con số 54 dân tộc như bây giờ, số liệu 54 dân tộc chỉ mới chính thức có từ năm 1979, sau quyết định 121 của Tổng cục Thống kê để phục vụ cho tổng điều tra dân số”.
PGS Khổng Diễn cho biết để xác định số 54 dân tộc, trước đó Viện Dân tộc học và Viện Ngôn ngữ đã có những cuộc điền dã và nghiên cứu ròng rã nhiều năm.
“Thời điểm năm 1959, Ủy ban Dân tộc trung ương từng báo cáo lên Chính phủ là nước ta có đến hơn 60 dân tộc, sau đó còn có báo cáo nhiều hơn. Nhưng số này chưa “chốt” được vì khi đó đất nước còn chia cắt, tiêu chí đánh giá dân tộc còn chưa có” - PGS Khổng Diễn nói.
Cho đến sau năm 1975, sau khi đã có tiêu chí xác định thành phần dân tộc là: tiếng nói, phong tục và ý thức dân tộc thì Ủy ban Khoa học xã hội và Ủy ban Dân tộc trung ương mới ngồi lại và “chốt” được con số 54 dân tộc, làm tờ trình gửi Chính phủ, cơ sở cho Tổng cục Thống kê ra quyết định 121 công nhận.
“Tuy nhiên, ngay thời điểm công bố đã gặp phản ứng từ một số địa phương và cả giới khoa học. Nhiều ý kiến lúc đó nói rằng còn ít nhất ba dân tộc cần được tách ra đó là Cao Lan (từ Cao Lan - Sán Chí); Pa Cô (từ Tà Ôi) và Ca Dong (từ Xê Đăng)...” - PGS Khổng Diễn nói.
Trước các ý kiến địa phương và nhà khoa học, trong giai đoạn 2002 - 2004, Viện Dân tộc học đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập hợp nhiều ý kiến nghiên cứu đánh giá và năm 2006 đã có báo cáo tổng hợp nghiệm thu về vấn đề thành phần dân tộc, trong đó có đề xuất tách thành phần và trả lại gốc gác cho một vài nhóm dân tộc.
“Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá báo cáo nghiệm thu đề tài này là xuất sắc. Nhưng không hiểu vì sao từ đó đến nay đề tài vẫn chưa được công bố” - PGS Khổng Diễn băn khoăn.
TS Lò Giàng Páo, nguyên phó viện trưởng Viện Dân tộc - Ủy ban Dân tộc, cho biết công nhận hay bác bỏ một thành phần dân tộc là điều rất khó khăn và nhạy cảm.
Cái khó hơn ở đây là thay đổi những kết luận về thành phần dân tộc đã có trước đây vì những tranh luận về quan điểm. “Nhưng cần nhất là các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu phải ngồi lại được với nhau, lắng nghe nhau để có những quyết định hợp lý nhất" - TS Lò Giàng Páo nói.
Nhiều khác biệt giữa người Pa Cô và Tà Ôi Năm 2009, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hoàn thành khảo sát đề án “Bổ sung dân tộc Pa Kôh (Pa Cô) vào danh mục các dân tộc VN” nhằm làm rõ sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, nguồn gốc giữa tộc người Pa Cô và Tà Ôi. Kết quả khảo sát đã chỉ ra nhiều vấn đề khác biệt giữa hai tộc người này. Chẳng hạn về tổ chức xã hội, người Pa Cô không phân chia ranh giới giữa làng này với làng khác trong khi làng của người Tà Ôi lại phân chia ranh giới rất rõ ràng bởi hàng rào bằng tre vững chắc. Đàn ông trong gia đình người Tà Ôi đảm đang, nấu ăn rất giỏi, còn với người Pa Cô thì công việc nấu nướng chỉ dành riêng cho phụ nữ. Tuy cùng có tập quán ở nhà dài nhưng nhà của người Pa Cô mái xuôi và có vách ngăn riêng biệt cho từng gia đình trong đại gia đình, còn nhà người Tà Ôi lại có mái thẳng đứng và không chia vách ngăn. |
Xem các kỳ trước: Kỳ 3: Hệ lụy từ việc “mượn tên” Kỳ 2: Cuộc di cư từ rừng ra phố Kỳ 1: "Núp bóng" S’Tiêng
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận