21/08/2017 14:09 GMT+7

Cuộc di cư từ rừng ra phố

VIỄN SỰ - SƠN LÂM
VIỄN SỰ - SƠN LÂM

TTO - Vì sao người Tà Mun hiện nay lại chia đôi cộng đồng, một nửa ở sóc 5, xã Tân Hiệp (Hớn Quản, Bình Phước); một nửa lại sinh sống ngay đô thị Tây Ninh, hai vùng đất trăm năm trước cách nhau nhiều cánh rừng?

Già làng Lâm Ron và giấy cư trú thánh địa được cấp  trước đây - Ảnh: VIỄN SỰ
Già làng Lâm Ron và giấy cư trú thánh địa được cấp trước đây - Ảnh: VIỄN SỰ

“Trước đó, chúng tôi chưa rõ người Tà Mun cư trú ở vùng nào và họ là một tộc người riêng hay là nhóm địa phương của một dân tộc nào đó tách khỏi vùng cư trú của mình và mất liên hệ

PGS.TS Đinh Lê Thư

Mang họ Lâm, theo đạo Cao Đài

Câu chuyện bắt đầu từ một cuộc di cư đầu thế kỷ 20.

Bà Lâm Thị Tư ở xóm Tà Mun (Ninh Đức, Ninh Thạnh, Tây Ninh), nay đã gần 80 tuổi, là chứng nhân cao niên nhất về quá trình hình thành nên xóm Tà Mun này. Cha và ông nội bà Tư là một trong những người Tà Mun đầu tiên tạo lập nên cộng đồng Tà Mun ở Tây Ninh.

Đó là vào khoảng năm 1926, một nhóm người Tà Mun cùng già làng ở sóc 5 vượt rừng đi đóng thuế cho Pháp ở cầu Quan (Tây Ninh) gặp cảnh đói khát, lỡ độ đường thì được Đức hộ pháp Phạm Công Tắc - giáo chủ đạo Cao Đài - cho cơm ăn và tá túc qua đêm tại một lán trại trong cánh rừng ở Ninh Thạnh mà ngày nay chính là Tòa thánh Cao Đài.

Được giáo chủ đối đãi tử tế, nhóm người Tà Mun ấy đã về sóc 5 dắt díu gia đình đến Ninh Thạnh giúp giáo chủ Cao Đài xây dựng cơ ngơi của họ đạo.

Đàn ông thì hạ cây, phụ nữ cắt tranh, chặt mây..., những công việc từng quen tay nơi rừng già ấy đã giúp nhóm người Tà Mun góp công sức vào việc xây dựng tòa thánh bề thế.

Để ghi công, họ được giáo chủ Phạm Công Tắc cải đạo, đặt cho họ Lâm khi người Tà Mun trước đó chưa có họ.

Bà Tư kể: “Tui sinh ra rồi lớn lên ở cạnh tòa thánh, hồi đó khu này vẫn còn rừng nhưng có tòa thánh nên người tới cũng đông đúc lắm. Chồng làm công quả, hạ cây, kéo gỗ cho tòa thánh, vợ làm rẫy dưới chân núi Bà. Người Tà Mun không biết làm giàu, nhưng nhờ ai cũng có tâm đạo nên yên ấm”.

Từ một xóm nhỏ Tà Mun bên cạnh tòa thánh, ngày càng nhiều người Tà Mun rủ nhau rời sóc 5 của Bình Phước về Ninh Thạnh, Suối Đá, Tân Châu và nhiều nơi khác của Tây Ninh dựng nhà, trồng tầm vông, hình thành những xóm Tà Mun chen giữa phum, sóc S’Tiêng, Khmer và xóm làng người Kinh. Kể từ đó, người Tà Mun có hai cộng đồng: sóc 5 và Tây Ninh.

Nói đến người Tà Mun, phối sư Ngọc Hồng Thanh, năm nay 71 tuổi, hiện là thượng thống đại viện của Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh, nhắc lại bằng giọng trìu mến: “Hồi Đức hộ pháp còn sanh tiền rất thương mến người Tà Mun.

Để ghi tạc công lao hạ rừng, xẻ gỗ xây nên tòa thánh, hội thánh đã cấp đất cho người Tà Mun khai thôn, lập ấp, thu nạp vào giáo hội và đặt cho họ Lâm với ngụ ý là người làm nghề rừng. Nên hầu hết người Tà Mun ở Tây Ninh hiện nay đều mang đạo Cao Đài và mang họ Lâm do Đức hộ pháp đặt cho”.

Đội vũ nhạc của người Tà Mun tham gia một nghi lễ tại Tòa thánh Tây Ninh - Ảnh: VIỄN SỰ
Đội vũ nhạc của người Tà Mun tham gia một nghi lễ tại Tòa thánh Tây Ninh - Ảnh: VIỄN SỰ

Biết đâu nguồn cội?

Người Tà Mun ở Tây Ninh di cư từ sóc 5 về nhưng còn người Tà Mun ở sóc 5 thì có cội nguồn từ đâu? Đó là một câu hỏi lớn mà nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học lẫn bản thân người Tà Mun hiện nay chưa trả lời được.

Từ xóm Tà Mun ở TP Tây Ninh, chúng tôi đã men theo bờ hồ Dầu Tiếng tìm về lại xóm cũ của người Tà Mun ở sóc 5 (Bình Phước).

Lối băng rừng di cư của người Tà Mun giờ đã nằm sâu dưới lòng hồ và dấu tích cội nguồn cũng mờ phai trong tâm khảm những người Tà Mun già nhất.

Già làng sóc 5, ông Lâm Tăng, đưa chúng tôi xem hai tấm thẻ căn cước công dân của cha mình là ông Lâm Uoch sinh năm 1913, có ghi nguyên quán tại Võ Dực, Thủ Dầu Một.

Nhưng Võ Dực là nơi nào theo địa danh xưa thì già làng Lâm Tăng không còn nhớ. Chỉ biết rằng khi còn sống, ông nội của già làng Lâm Tăng có kể mình là đời thứ ba kể từ khi người Tà Mun đến vùng Võ Dực sinh sống, trước đó chỉ sống du canh du cư trong những cánh rừng ở miền Đông.

Tra cứu theo cái tên Võ Dực, quyển Tự vị tiếng nói miền Nam của Vương Hồng Sển cho biết vào năm 1875, tỉnh Thủ Dầu Một có tổng Cửu An gồm hai làng là Võ Tùng và Võ Dực.

Theo PGS.TS Đinh Lê Thư, đối chiếu với địa danh cũ và mới thì hai làng Võ Dực và Võ Tùng có thể thuộc xã Minh Tân, Minh Hòa (Dầu Tiếng, Bình Dương) và một phần khác thuộc xã Tân Hiệp (Hớn Quản, Bình Phước) ngày nay.

Như vậy có thể khẳng định người Tà Mun đã sinh sống ổn định ở vùng Hớn Quản và Dầu Tiếng từ khoảng nửa cuối thế kỷ 19.

“Nhưng trước đó, chúng tôi chưa rõ người Tà Mun cư trú ở vùng nào và họ là một tộc người riêng hay là nhóm địa phương của một dân tộc nào đó tách khỏi vùng cư trú của mình và mất liên hệ” - PGS.TS Đinh Lê Thư băn khoăn.

Băn khoăn ấy của PGS.TS Đinh Lê Thư và nhiều nhà nghiên cứu hiện nay cũng là câu hỏi được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cất công tìm câu trả lời từ nhiều năm qua.

Trước năm 1975, Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) của Pháp đã từng liên hệ với chính quyền Sài Gòn để nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc Tà Mun.

Tuy nhiên, tác giả của công trình khoa học này đã qua đời khi công trình đang dang dở và không còn được lưu trữ trong văn khố của chính quyền cũ.

Ông Võ Hòa Minh - trưởng phòng di sản Sở VH-TT&DL tỉnh Tây Ninh (chủ nhiệm đề tài nghiên cứu xác định thành phần dân tộc Tà Mun) - cho biết hiện đang tìm kiếm lại công trình nghiên cứu dang dở này nhưng chưa tìm thấy.

Câu hỏi bỏ ngỏ

Đầu thập niên 1980, nhà ngôn ngữ học người Mỹ D. Thomas và năm 1990, GS.TS M.V. Kriukov (người Nga) cùng GS Trần Tất Chủng có hai công trình nghiên cứu về nguồn gốc tộc người Tà Mun.

Hai công trình này đã trả lời một phần câu hỏi khi khẳng định người Tà Mun không có mối quan hệ với người S’Tiêng.

D. Thomas cho rằng người Tà Mun là một nhánh, có họ hàng với người Châu Ro được người Pháp đưa từ lưu vực sông Đồng Nai qua thượng nguồn sông Bé sinh sống từ đầu thế kỷ 20.

Còn M.V. Kriukov và Trần Tất Chủng trong công trình đăng trên tạp chí Dân Tộc Học số 2 năm 1990 cho rằng người Tà Mun đã bị mất mối liên hệ cộng đồng với tộc gốc của mình và trong quá trình di cư chịu ảnh hưởng của người Khmer.

Tuy nhiên, phần quan trọng nhất là cội nguồn xa xưa của người Tà Mun thì các công trình nghiên cứu này vẫn còn bỏ ngỏ.

Và câu hỏi bỏ ngỏ ấy cho đến nay vẫn là nỗi khắc khoải của hàng ngàn người Tà Mun trong hành trình đi tìm lại cội nguồn.

Kỳ tới: Hệ lụy từ việc “mượn tên”

---------------

>> Kỳ 1: 'Núp bóng' S'Tiêng 

VIỄN SỰ - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên