23/07/2018 15:44 GMT+7

Người nước ngoài thấy lạ vì người trẻ Việt không chơi thể thao

HỒNG VÂN ghi
HỒNG VÂN ghi

TTO - Sinh viên, học sinh Việt Nam ít tham gia các hoạt động thể dục thể thao, vì sao vậy?

Người nước ngoài thấy lạ vì người trẻ Việt không chơi thể thao - Ảnh 1.

Học sinh Trường trung học phổ thông Gò Vấp (Q.Gò Vấp, TP.HCM) trong giờ học cầu lông - Ảnh: NHƯ HÙNG

Sự kiện đội tuyển U-23 Việt Nam được chào đón tưng bừng ở quê nhà khi đoạt á quân VCK U-23 châu Á là bằng chứng cho thấy người Việt rất mê bóng đá. Nhưng bất ngờ là không nhiều sinh viên tham gia các hoạt động thể dục.

Anh Seth Phiriyawiwatwonga, người Thái Lan, học cao học tại Việt Nam, chia sẻ: Sống ở Việt Nam ba năm, theo quan sát của tôi, những người lớn tuổi hoặc đang đi làm lại tham gia các hoạt động thể dục nhiều hơn là người trẻ.

Không có nhiều lựa chọn ở trường học

Tôi sống gần một trường đại học ở Hà Nội. Điều gây ngạc nhiên kinh khủng cho tôi là đa số sinh viên nam giết thời gian rảnh của mình ở quán cà phê Internet.

Mặc dù tình trạng này cũng có ở Thái Lan, nhưng sinh viên bên Thái tập thể dục thể thao phổ biến hơn. Có thể nói ở Thái Lan mỗi đứa trẻ đều phải biết chơi một môn thể thao. Với rất nhiều gia đình, thể thao là một điều cần thiết. Họ đầu tư và ủng hộ con cái tập ở các trung tâm thể thao như chơi tennis, bơi lội, tập gym, nhảy...

Ngoài ra, sinh viên Thái Lan chơi thể thao nhiều hơn sinh viên Việt Nam, theo tôi là vì họ có nhiều thời gian hơn. Không nhiều sinh viên ở Thái đi làm thêm nhưng rất nhiều sinh viên Việt Nam có công việc gì đó sau giờ học.

Ở Hà Nội, tôi thấy số gia đình gửi con đến trung tâm thể thao không là gì so với những người đưa con đi học thêm hoặc học nhạc.

Tôi không biết ở cấp độ vĩ mô, Việt Nam có những chiến lược nào để đưa hoạt động thể dục một cách thực chất vào nhà trường. Tuy nhiên, theo hiểu biết của tôi, không có nhiều sự lựa chọn cho học sinh ở trường học.

Tại Thái Lan, học sinh phải học ít nhất một hoặc hai môn thể thao mỗi học kỳ và các môn thể thao không lặp lại. Thời tôi đi học, tôi học bơi, cầu lông, tennis, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn và các môn thể thao của riêng Thái Lan...

Bộ giáo dục có nhiều chính sách để khuyến khích học sinh tập thể dục nhiều hơn. Mọi trường học đều phải có "giờ vận động", ít nhất là 1-2 giờ/tuần và học sinh sẽ đến những câu lạc bộ của họ như bóng bàn, bóng đá... trong thời gian này. 

Tất cả các trường phải có phương tiện và cơ sở vật chất để học sinh chơi thể thao, thường là sân bóng đá, bóng chuyền vì chúng có thể sử dụng đa mục đích.

Chơi thể thao để cải thiện tầm vóc

Nhà trường ở Thái Lan tổ chức "Ngày thể thao" để toàn thể học sinh thi đấu với nhau. Ở cấp tỉnh/thành, khu vực hay quốc gia cũng tổ chức "Ngày thể thao".

Tất cả hoạt động kể trên được sự hỗ trợ một phần hay toàn phần từ ngân sách nhà nước bởi các cơ quan như Bộ Giáo dục, Bộ Thể thao và du lịch hoặc từ nhà tài trợ cá nhân.

Khi học tại Việt Nam, tôi không thấy có "Ngày thể thao" ở trường. Không có nhiều môn thể thao để sinh viên lựa chọn. Trong khi đó, tập thể dục thể thao rất quan trọng vì giúp phát triển chúng ta ở rất nhiều khía cạnh, giúp học tập tốt hơn, hoàn thiện về thể chất, tâm lý và kỹ năng sống, chẳng hạn như bơi - nhưng rất nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam lại không biết bơi.

Nhiều thanh niên, sinh viên Việt Nam thấp bé nhỏ con trong khi thể thao giúp cải thiện điều này. Chẳng hạn như tôi đây, ông bà tôi là người Việt Nam, về mặt sinh học tôi là người Việt Nam 100%, nhưng tôi sinh ra và lớn lên ở Thái Lan. Tôi được chơi nhiều môn thể thao khác nhau và nhờ đó chiều cao của tôi lên đến 1,9m!

Ngoài ra, nếu học sinh, sinh viên có không gian, điều kiện và được tiếp cận tốt hơn với thể thao, họ sẽ sử dụng thời gian rảnh của mình một cách thông minh và hiệu quả hơn là ngồi tiêu khiển trong quán cà phê Internet.

Khuyến khích thể dục, thể thao, theo tôi, rất cần sự thay đổi về quan niệm của các bậc phụ huynh. Họ có xu hướng muốn thấy con cái mình học giỏi. Đây là một trong những vấn đề nghiêm trọng đối với giáo dục ở Việt Nam (và cả ở Thái Lan). 

Họ nghĩ con mình càng học nhiều sẽ càng thông minh hơn, cơ hội thành công sẽ cao khi lớn lên. Tôi nghĩ điều này không đúng. Khi đứa trẻ bị ép học quá nhiều, chúng bị áp lực và bị tước mất tuổi thơ.

Vì vậy ngoài sự quan tâm ở tầm chính phủ về việc đầu tư bài bản cho thể thao học đường, các bậc phụ huynh hãy tạo điều kiện cho con em mình tập thể dục, thể thao để giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng học tập.

* Ông Ray Kuschert (người Úc):

Thể thao dạy kỹ năng chiến thắng và thất bại

Tôi để ý thấy học sinh ở Việt Nam chơi thể thao với trạng thái khiên cưỡng vì các hoạt động thể thao trong trường mà các em thường tham gia như chạy vòng quanh trường hoặc nhảy sào vẫn thiếu các khía cạnh phát triển thật sự.

Chính phủ Úc đầu tư rất nhiều vào việc phát triển kỹ năng thông qua việc cạnh tranh trong thể thao. Thời đi học, tôi từng là cầu thủ bóng bầu dục và có cơ hội thi đấu ở cấp độ cao, tham gia những trận được phát sóng trên tivi ở tuổi 17. Việc đó đã cho tôi nhiều kỹ năng về cách tập trung tinh thần trong môi trường căng thẳng cao.

Từ các cấp học nhỏ trong trường, chúng tôi được chơi nhiều môn thể thao. Trong thực tế, chúng tôi được yêu cầu chơi thử nhiều môn thể thao để xem chúng tôi thích gì và có năng khiếu với môn thể thao nào. Khi tìm thấy con đường của mình, các kỹ năng của chúng tôi được phát triển và thử nghiệm ở mức cao nhất.

Chính phủ Úc còn thiết lập Viện thể thao nhằm phát triển kỹ năng của những người trẻ tuổi. Nhiều người được viện này chấp nhận đã tham gia Thế vận hội và trở thành vận động viên thể thao chuyên nghiệp trên toàn thế giới.

Thể thao là một công cụ giúp phát triển con người. Đặc biệt, những người trẻ cần phải có suy nghĩ về sự cạnh tranh và họ cần phải học cách thất bại. Thời buổi hiện đại ngày nay, người ta thích nhàn rỗi và thất bại không phải là một cảm xúc được nhiều người chấp nhận.

Không có giáo viên nào huấn luyện ta tốt hơn là sự trải nghiệm và thể thao tạo ra những trải nghiệm cần thiết để chúng ta học cách phát triển. Thể thao cạnh tranh cho phép những người trẻ tuổi học các kỹ năng chiến thắng và vượt qua thất bại...

Sai lầm từ đường hướng phát triển thể thao học đường? Sai lầm từ đường hướng phát triển thể thao học đường?

TTCT - Được xem là “cha đẻ” đề án phát triển thể lực, tầm vóc người Việt, GS Dương Nghiệp Chí, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, giải thích vì sao đề án này có nguy cơ thất bại.

HỒNG VÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên