08/01/2011 03:04 GMT+7

Người nơi "trọng điểm"

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Học chuyên khoa điều tra xét hỏi (Học viện Cảnh sát nhân dân) nhưng chàng học viên sinh năm 1980 Trần Ngọc Toản lại tự nghiên cứu chuyên ngành về tội phạm ma túy với mong muốn góp phần làm giảm tội phạm này.

YQg3D5kh.jpgPhóng to

Buổi họp cơ quan đầu tuần, anh Toản đang triển khai công việc với các đồng đội - Ảnh: Nguyễn Á

Nhận xét về người đội phó đội cảnh sát điều tra tội phạm ma túy của đơn vị mình, trưởng Công an huyện Than Uyên (Lai Châu) - thượng tá Lê Đình Minh - tự hào nói: “Toản đặc biệt có tố chất làm công tác phòng chống tội phạm ma túy, linh cảm nghề nghiệp rất nhạy: chỉ cần nhìn thoáng qua là biết trong người đối diện có “hàng” hay không, giấu ở đâu. Cậu ấy có khả năng tổ chức chiến đấu tốt, tạo thành sức mạnh chung cho tất cả đồng đội”.

Vượt qua cám dỗ

Tháng 8-2004, Trần Ngọc Toản về công tác tại đội cảnh sát điều tra huyện Than Uyên làm điều tra viên. Tháng 9-2004, anh được chuyển sang làm cảnh sát điều tra tội phạm ma túy. Đúng một tháng sau, Toản được giao vị trí đội phó. Lúc đó Toản mới 24 tuổi.

Trần Ngọc Toản là một trong 10 gương mặt trẻ được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh năm 2009 và được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng ba. Thời gian phá án nhanh kỷ lục của anh là trong khoảng bốn giờ (từ 13g-17g) ngày 14-8-2007, anh đã phá hai chuyên án (chuyên án 607.Q và 707.D), bắt giữ bảy đối tượng và ba bánh heroin.

“Lừng lẫy” nhất là chuyên án 208T (ngày 1-9-2008), Toản cùng đồng đội đã tịch thu 39 bánh heroin (trị giá 5,859 tỉ đồng) với tổng trị giá số heroin và tang vật thu được là 8,75 tỉ đồng.

Lai Châu được Bộ Công an xác định là địa bàn trọng điểm về tội phạm ma túy ở khu vực Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Trong đó Than Uyên là địa bàn trọng điểm về tội phạm này của tỉnh.

“Từ đầu năm 2005 đến nay, 80-85% án đều do Toản trực tiếp chỉ huy phá án với vai trò chủ công. Lượng án trong đội do Toản trực tiếp “ôm” án chiếm 60-65%. Hầu hết các điểm bán lẻ ma túy nhức nhối, khó phá, tồn đọng từ trước đến nay đều đã bị phá” - thượng tá Minh cho biết.

“Anh Toản có biệt tài chỉ đạo đánh án từ xa mà lại trong tình huống nhận tin báo rất bất ngờ từ quần chúng” - trinh sát Quách Mạnh Trường, một trong những đồng đội trẻ của thượng úy Toản, không giấu được niềm tự hào khi nói về người đội phó của mình.

“Chắc chắn anh đã từng nhiều lần đối mặt với cám dỗ?” - chúng tôi hỏi. Anh Toản hít một hơi dài, chống cằm trầm ngâm trước câu hỏi. Rồi anh thẳng thắn nói: “Đúng là không ít lần. Tháng 8-2007, khi chúng tôi bắt được hai anh em Tráng Láo Tủa và Tráng Láo Dếnh ở xã Lóng Sập (Mộc Châu, Sơn La) về hành vi mua bán trái phép hơn bốn bánh heroin. Biết mình khó thoát khỏi mức án tử hình, Tủa chỉ hi vọng cứu được em trai nên đề nghị nếu thả em trai hắn ra, hắn sẽ đưa tôi 500 triệu đồng! Tôi cười, lắc đầu. Trong chuyên án 208T, khi chúng tôi phát hiện trong chiếc cặp số mà Hờ A Cưa (bản Pá Kha, Sơn La) mang theo có sáu bánh heroin, hắn lập tức đưa ra cái giá 400 triệu đồng và một chiếc xe hơi để mua chuộc. Lời đề nghị rất hấp dẫn. Nhưng chỉ thoáng qua trong đầu. Tôi không thể bán danh dự của ngành bằng bất cứ giá nào”.

Sống chan hòa với dân

Từng là người chỉ huy trực tiếp hàng trăm vụ án, chuyên án và chịu trách nhiệm bắt giữ tội phạm đầu tiên, có vụ án manh mối chỉ là một cuộc điện thoại - một chứng cứ quá mơ hồ - nhưng anh đã bắt đối tượng phải nhận tội nhờ những biện pháp nghiệp vụ của mình. Có chuyên án Toản phải đấu trí, đấu lý từ 20g đến 4g30 sáng hôm sau.

Anh Toản khẳng định: “Một điều tra viên giỏi, một trinh sát giỏi là phải làm cho đối tượng tin rằng công an biết khá rõ về mình và không khai thì không có lợi. Tôi thu thập đầy đủ chứng cứ mới xuất phát đi đánh án chứ không có suy nghĩ 5 ăn 5 thua! Bập còng rất dễ nhưng bắt oan sai thì tháo còng ra mới khó”.

Trinh sát Cẩm Văn Tuấn kể: “Anh Toản nói một câu mà tôi không thể quên: muốn trở thành một trinh sát giỏi phải quan hệ rộng rãi, sống chan hòa với quần chúng. Anh ấy đã đánh nhiều vụ án theo “đơn đặt hàng” từ chính những ông bố, bà mẹ, những ông cụ, bà lão không muốn người thân mình cứ tiếp tục phạm tội”.

Trinh sát Tuấn cũng như những đồng đội khác đã quá quen với các cuộc điện thoại đi phá án đột xuất vào những ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật từ người chỉ huy của mình.

Anh Toản lý giải: “Đã đấu án thì phải đấu tới cùng. Công việc của chúng tôi quá nhiều áp lực. Áp lực từ nhân dân, từ xã hội, từ gia đình. Nhưng công việc đã ngấm vào máu thịt, càng phá án càng say nghề. Đánh được vụ nào càng khó thì càng sướng”.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên