Phóng to |
Chammalé Âu vẫn thường ngồi trên bậc cửa, khảy những điệu chapi không còn nhiều người nhớ - Ảnh: VIỄN SỰ |
Ma Nới, vùng đất xa xôi của huyện miền núi Ninh Sơn (Ninh Thuận), vẫn còn đây những mái nhà đơn sơ, những đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi của người Raglai. Nhưng “giấc mơ” năm nào của nhạc sĩ Trần Tiến thì sắp đi vào dĩ vãng, khi quanh vùng chỉ còn mình ông già Chammalé Âu, mỗi sớm, mỗi khuya cô đơn khảy đàn chapi, níu giữ cho người Raglai những “giấc mơ chapi” cuối cùng.
Chapi - giấc mơ của người nghèo
"Chammalé Âu là nghệ nhân Raglai khảy đàn chapi hay nhất ở Ninh Thuận. Nhà Chammalé Âu đông con, vất vả với nương rẫy, nhưng mỗi khi chúng tôi cần, ông đều góp sức. Chúng tôi sẽ ghi âm lại tất cả các làn điệu mà Chammalé Âu đang thuộc, với hi vọng có thể bảo tồn những điệu đàn chapi đang mai một" |
Bập một điếu thuốc sâu kèn, Chammalé Âu đưa tôi về miền quá vãng, đó là những ngày ông còn trai trẻ, từ đêm khuya đến mỗi sớm mai thanh vắng, tiếng chapi cứ đều đặn ngân nga khắp những chái nhà sàn. Nếu mã la (một loại cồng chiêng của người Raglai gồm bộ bốn cái) là nhạc cụ có mặt trong tất cả các nghi lễ của người Raglai và phải ai giàu mới có, thì chapi là nhạc cụ phỏng được thanh âm của cả bộ mã la, cầm gọn trong lòng tay và người nghèo nào cũng sắm được, lúc buồn, lúc vui cũng khảy được.
Đưa cây đàn lên ngang tầm ngực, Chammalé Âu bắt đầu khảy, hai ngón tay cái sần sùi của ông bấm vào dây đàn là tám sợi cật tre được tách ra thành bốn cặp, mỗi cặp dây đàn tùy độ dày mỏng sẽ phỏng được thanh âm của từng chiếc mã la. Những âm thanh trầm đục vang lên, tiếng đàn chapi của Chammalé Âu khảy không nhanh, không chậm, đúng như nhịp đời thong thả của những người Raglai.
Những điệu chapi có cái tên rất giản dị: điệu Con ếch, khảy lên vào những đêm mưa đầu mùa, gọi nhau sớm mai sẽ lên rẫy trỉa hạt; điệu Con chim, báo cho nhau biết quãng thời gian trong ngày; điệu Quên đồ là của ai đó đi chơi, đi rẫy quên vật dụng và đến xin lại. Hoặc nhiều tâm sự hơn là điệu Than thở, vì năm đó mất mùa, vì con heo trong nhà nuôi vừa bệnh hay điệu Em ở lại anh về thay lời đôi lứa yêu nhau trong giờ giã biệt...
Cây đàn bé nhỏ nhưng người Raglai đã gửi gắm vào đó hình ảnh của cả cộng đồng mình. Ngừng một điệu đàn, Chammalé Âu chỉ cho tôi xem bốn cặp dây đàn dày mỏng khác nhau, đầu tiên là cặp dây mẹ, rồi đến cặp dây cha, có độ dày nhất, phát ra những âm thanh trầm, rồi đến hai cặp dây kế tiếp tượng trưng cho con gái và con trai, có âm thanh bổng hơn. Và như một câu chuyện từ nếp nhà Raglai theo chế độ mẫu hệ, điệu đàn chapi bao giờ cũng được khảy từ cặp dây mẹ, rồi mới đến cặp dây cha và cặp dây con sau cùng.
Chammalé Âu còn bảo vì người Raglai sống ở những vùng đồi lên xuống chập chùng, ngày trước đi rẫy ai cũng mang đàn Chapi khảy cho đỡ buồn. Cho nên nhịp đàn cũng như nhịp lên rẫy, như nhịp đời người Raglai, vốn thong dong, muốn đi nhanh, khảy nhanh cũng không được. Tiếng đàn nào cũng ngân nga như nhau, ai giàu, ai nghèo cũng có thể khảy lên những tiếng chapi bình đẳng như nhau.
Xem Y Moan hát Giấc Mơ Chapi (live show tại Hà Nội 6-8-2010) - Nguồn: YouTube |
Mai này, còn ai khảy chapi?
Nhà Chammalé Âu treo đầy bằng khen, bằng chứng nhận của tỉnh, của trung ương cho những lần xách chapi rời làng đi diễn. Nhưng Chammalé Âu buồn: “Đi diễn nhiều mà ama chẳng vui, vì vùng Ma Nới này chẳng còn đứa nào khảy được chapi nữa”. Bấm đốt ngón tay như người Kinh, Chammalé Âu lẩm nhẩm: “Phước Thành còn Chammalé Liếp, Phước Bình còn Chammalé Phong... nhưng mấy ama đó yếu lắm rồi. Còn tụi trẻ lớn lên chỉ ưa mấy cái nhạc xập xình, ama kêu tụi nó tới nhà bày chapi mà có đứa nào học vô”.
Đặt cây đàn chapi xuống bậc cửa, Chammalé Âu nói: “Nhìn dễ vậy đó nhưng giờ không mấy thằng con trai đủ ham đi tìm nổi ống tre gai này nữa, vì rừng đã thưa lắm”. Đó phải là ống tre gai tròn, vỏ bóng và mỏng, mọc trên những đỉnh đồi cao, vì mọc dưới thấp, rễ hút nhiều nước, tiếng kêu sẽ không thanh”. Muốn tìm được ống tre gai làm được chapi, Chammalé Âu phải đợi đến gần hai năm trời. Đầu tiên là tìm được bụi tre gai ưng mắt khi thân tre còn xanh, đánh dấu để đó, đợi hơn một năm sau cho vỏ tre chuyển vàng rồi dùng rựa phạt ngang thân, đốn ra thành lóng mang về. Sau đó còn phải gác trên chái bếp 3-4 tháng cho ống tre gai thật khô, thật dai mới đem làm đàn.
Công đoạn cuối cùng là chế tác đàn, chỉ mất một buổi, nhưng trong vùng giờ cũng chỉ còn mỗi Chammalé Âu và ông Mạo Ngọc Thang - một nhà nghiên cứu văn hóa Raglai, nguyên phó chủ tịch huyện Ninh Sơn - làm nổi. Bởi không thuộc điệu đàn chapi thì không thể thẩm âm để làm đàn. Ống tre gai sau khi đã phơi thật nỏ trên gác bếp, dùng dao rạch vỏ, tách lên bốn cặp dây khoảng cách đều nhau nhưng có độ dày mỏng khác nhau và dùng những thanh tre chêm vào tạo khoảng hở, rồi buộc chặt bằng những sợi dây máu hái trên rừng.
Làm được chapi đã lâu, khảy được chapi còn lâu hơn nữa. Hỏi Chammalé Âu đã học khảy đàn trong bao lâu, ông bảo chẳng nhớ nữa. Ông chỉ nhớ từ nhỏ đã được người cậu tập cho khảy đàn, học miết, đêm khuya cũng khảy, sớm mai cũng khảy. Cho đến khi cưới vợ, sinh tám đứa con mới thuộc nổi 15 điệu đàn chapi. Điệu đàn chapi khó thuộc vì không thể ký âm ra giấy được như những làn điệu của người Kinh và nhiều dân tộc khác mà chỉ có những sợi dây đàn phát ra âm thanh trầm bổng. Tiếng đàn như tiếng lòng, cho nên phải có tâm sự, phải khảy mỗi ngày, mỗi đêm thì mới nhớ nổi, để lâu là quên.
Chammalé Âu đã sống gần 60 mùa rẫy, sức vẫn còn dẻo để lên đồi cao phạt tre gai, lòng vẫn còn ham để đợi những ống tre ngả vàng trên rừng, đủ khô trên gác bếp mang ra làm đàn. Nhưng Chammalé Âu sợ cuộc đời mình không đủ dài để kịp gửi lại hết những ngón đàn chapi đang giữ.
Rời Ma Nới về lại đồng bằng, một người từ nơi xa đến như tôi biết chừng nào mới hiểu hết những tâm sự của tiếng đàn. Nhưng nghe chapi, nghe Chammalé Âu kể về những ước muốn đơn sơ gửi gắm vào chapi, bên vách nứa nhà sàn này, giữa vùng đồi chập chùng này... cũng đủ thấy nao lòng, về những “giấc mơ chapi” từng có thật.
Trả lại quê hương cho chapi
Nhạc sĩ Trần Tiến cho biết Giấc mơ chapi của mình được ra đời trong một chuyến đi điền dã tại miền núi Ninh Thuận vào năm 1993, cùng với nhiều nhạc sĩ khác như Phan Huỳnh Điểu, Lư Nhất Vũ, Lê Giang... Ông kể: “Khi đến một vùng núi cao ở Ninh Sơn, tôi đã gặp dưới mái nhà sàn có đôi vợ chồng trạc tuổi tôi (lúc ấy khoảng 50 tuổi). Anh chồng là bộ đội phục viên, lấy vợ người Raglai và ở lại. Họ sống đơn sơ trong một mái nhà mà tất cả vật dụng gần như đều bằng tre nứa, trong đó có cây đàn chapi. Họ không dùng tiền, chỉ chăm chỉ nuôi trồng, đến mùa thu hoạch đem đổi lấy vật dụng. Lần đầu tiên được thấy chapi, nghe câu chuyện của họ, tôi đã mê mẩn và muốn mua lại. Nhưng vợ chồng người lính ấy không bán, họ bảo: “Nếu anh thích, tôi tặng anh cây đàn này”. Bài hát ra đời từ cảm xúc của tôi và cả từ lời “đặt hàng” của nhạc sĩ Hồ Công Hoài Sơn, trưởng Đoàn ca múa nhạc Ninh Thuận lúc đó, với lời nhắn gửi: “Anh viết giúp cho Ninh Thuận một bài hát vì tỉnh mới vừa chia tách, chưa có bài hát nào cho riêng mình”. Giấc mơ chapi được hát lần đầu tiên trên sân khấu là tại Pháp và Hà Lan, do tôi trình bày trong chuyến lưu diễn châu Âu của nhóm du ca Đồng Nội, đó cũng là lần đầu tiên đàn chapi được giới thiệu với bạn bè quốc tế. Khi về nước, Y Moan là ca sĩ đầu tiên hát Giấc mơ chapi và cũng là người hát thành công nhất, gắn với Y Moan cho đến buổi biểu diễn cuối cùng của đời mình”. Đáng tiếc là cho đến nay nhiều người nghe Giấc mơ chapi vẫn nhầm tưởng bài hát đang kể về một vùng đất nào đó ở Tây nguyên. Có lẽ vì thế, nhiều ca sĩ khi hát đã tự sửa lời, từ “Raglai” trở thành “Chak-lay” hay “Dak-lay”. “Đó là điều đáng tiếc, nhất là với vùng đất Ninh Thuận - quê hương của đàn chapi, nơi đã cho tôi cảm hứng sáng tác bài hát này”, nhạc sĩ Trần Tiến nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận