Với chiếc túi nilon mang theo, anh Trung cặm cụi nhặt rác hai bên đường lên Sơn Trà - Ảnh: TẤN LỰC |
“Người công nhân môi trường” đặc biệt ấy là anh Đào Đặng Công Trung (39 tuổi), giám đốc một công ty du lịch trên đường Ông Ích Khiêm (TP. Đà Nẵng).
Coi như vườn nhà mình
Mình làm vậy thực chất là tuyên truyền cho du khách ý thức về việc tự giác nhặt rác, mỗi người một tay thì công việc sẽ nhẹ nhàng hơn, môi trường sẽ sạch đẹp hơn và điều rất mừng là hầu hết khách của mình đều hưởng ứng tích cực”. |
Đào Đặng Công Trung |
Thấy có người hỏi chuyện, anh thanh minh rằng mình bắt đầu nhặt rác ở Sơn Trà từ 7 năm trước. Hôm tình cờ gặp nhau trên đường lên Sơn Trà, vợ anh mới sinh con gái thứ hai được 4 ngày.
Anh nhoẻng miệng cười, bảo: “Việc công ty, việc nhà bận bịu lắm nhưng tranh thủ sắp xếp đi cho được, mấy ngày trước vợ sinh không lên được. Tôi coi Sơn Trà cũng như vườn nhà mình vậy, ngày nào cũng muốn dạo qua một vòng coi thử có gì mới mẻ không, lâu không đi là tâm trạng bứt rứt”.
Sơn Trà mùa này thật đẹp, dọc hai bên đường hoa mua, hoa sim đua nhau nở tím ngát một vùng.
Anh Trung bảo bị “nghiện” Sơn Trà trong chuyến phượt cùng bạn bè từ chục năm trước. Ngày ấy Sơn Trà hoang sơ, sạch đẹp và ít người lui tới. Giờ thì Sơn Trà đón hàng trăm du khách mỗi ngày. Càng nhiều người lui tới, rác thải ra môi trường cũng nhiều hơn. Mới đi cùng nhau chừng ba cây số mà chiếc túi nilon anh mang theo đã chất đầy chai lọ cùng mảnh nhựa, khẩu trang, mũ bảo hiểm vỡ.
Anh Trung thở dài, bảo chỉ vì ý thức của nhiều người quá kém nên đã làm Sơn Trà mất đi vẻ đẹp thanh sạch, giá như họ có lòng yêu thiên nhiên, biết ý thức giữ gìn thì đã không có chuyện môi trường đầy rác thải.
“Nhiều người lên cắm trại, ăn uống xong đi về vô tư bỏ lại thức ăn thừa, bao nilon, họ còn vứt xuống vực hay bỏ sâu trong bụi rậm nên rất khó thu hồi. Mình nhặt rác là thói quen, thấy rác nằm lăn lóc không nhặt không chịu được. Mong sao những người khác đi qua thấy việc mình làm mà thay đổi thái độ, nếu không nhặt rác được thì cũng đừng xả rác bừa bãi, đã mang lên đây những gì thì hãy mang về thứ đó” - anh trăn trở.
Mong Sơn Trà mãi xanh
Sau mỗi chuyến nhặt rác, anh thu về từ 10- 30kg vỏ chai lọ mỗi ngày. Anh bảo: ban đầu nhặt về bỏ thùng rác nhưng sau thấy tiếc nên gom lại bán ve chai. Cứ dăm bữa nửa tháng, anh dồn tiền bán ve chai được vài trăm ngàn đồng thế là anh đem quyên góp cho các hội nhóm từ thiện nấu cháo tình thương hay mua quần áo, sách vở cũ cho những trẻ em bất hạnh.
Anh bảo rằng Sơn Trà có quần thể động, thực vật rất phong phú nhưng cũng rất mong manh, do vậy sự can thiệp của con người rất dễ biến đổi cảnh quan và cân bằng sinh học nơi này.
Với những người yêu Sơn Trà như anh, khỏi phải nói đã cảm thấy buồn ra sao khi thấy nhiều dự án hằng ngày đang xâm hại nơi này.
“Việc các dự án xây dựng ở nơi này là điều không ai muốn, nhưng nếu mình giữ quan điểm nơi này là bất khả xâm phạm thì cũng không phù hợp. Tôi chỉ mong sao những nhà đầu tư khi đến đây cần có nghiên cứu phát triển bền vững để giữ lấy màu xanh cho Sơn Trà. Đây là ngôi nhà của Voọc và nhiều loài động vật quý hiếm khác, nếu mình tự nhiên nhảy vào tranh chỗ thì đời sống của chúng chắc sẽ rơi vào khó khăn hơn” - anh tâm sự.
Theo anh Trung, ý thức của người dân đóng vai trò quyết định trong việc bảo vệ môi trường sạch đẹp. Trong các tour du lịch do công ty mình cung cấp, anh đều dành ra 10 phút kêu gọi du khách tự nguyện thu dọn rác tại các điểm đến.
Với những việc làm thiết thực ấy, thoạt nhìn dáng vẻ săn chắc, làn da rám nắng và gương mặt hiền hậu của anh, người mới gặp, dễ nhầm tưởng anh là công nhân môi trường thứ thiệt.
Thư ngỏ Lòng tốt và sự tử tế luôn là một vẻ đẹp vĩnh cửu. Giữa những ngổn ngang bề bộn của đời sống, những câu chuyện từng xảy ra ở Đà Nẵng như biến ước mơ làm cảnh sát giao thông của Đỗ Tuấn Dũng, một em bé bị ung thư thành hiện thực trước khi em ra đi vì bạo bệnh, một bà cụ đi bán vé số để nuôi một người bạn già khác, một cô nhân viên điện lực nhặt được cả tỷ đồng mang trả lại người mất… khiến Đà Nẵng đáng yêu hơn khi nhắc đến thành phố bên sông Hàn này. Rất nhiều câu chuyện như thế vẫn diễn ra hàng ngày, và chuyên mục “Tôi yêu Đà Nẵng” sẽ đều đặn đến với bạn đọc vào mỗi sáng thứ hai hàng tuần kể từ số báo này. Hãy kể cùng chúng tôi những câu chuyện về những con người như thế để sự tử tế được lan tỏa và cảm hóa. Xin trân trọng cảm ơn bạn đọc. Email chuyên mục: toiyeudanang@tuoitre.com.vn |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận