26/08/2019 11:03 GMT+7

Người nặng lòng với bệnh nhân ung thư

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Tròn 10 năm từ ngày tốt nghiệp Trường ĐH Y Hà Nội, TS Đào Văn Tú (34 tuổi, giám đốc Trung tâm nghiên cứu lâm sàng, phó trưởng khoa điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K trung ương) gắn bó với bệnh nhân ung thư.

Người nặng lòng với bệnh nhân ung thư - Ảnh 1.

Bác sĩ Tú thăm khám, điều trị bệnh nhân - Ảnh: HÀ THANH

Anh tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau từ việc khám, điều trị bệnh nhân ung thư đến nghiên cứu khoa học.

“Bệnh nhân bớt khổ, bớt đau thì có thể kéo dài thời gian sống.

TS.BS ĐÀO VĂN TÚ


Giúp bệnh nhân bớt đau

Từ ngày tốt nghiệp, bác sĩ Tú luôn xác định con đường trở thành bác sĩ lâm sàng, nhà nghiên cứu về ung thư góp phần trong công tác dự phòng, chẩn đoán và điều trị ung thư. Nhớ lại những bước đi đầu tiên, anh kể mình gặp rất nhiều khó khăn bởi tuổi trẻ chưa có nhiều kiến thức về bệnh học cũng như hiểu biết về phương pháp điều trị, về bệnh nhân.

"Mình gặp rất nhiều khó khăn khi mới bắt đầu tham gia lĩnh vực lâm sàng về ung thư, cả trong trang bị kiến thức và hiểu biết xã hội để hiểu thấu được bệnh nhân ung thư. Ngay trong việc đưa ra, lựa chọn chiến lược phù hợp để điều trị cho họ cũng không dễ dàng" - bác sĩ Đào Văn Tú nhớ lại.

Chưa kể, nghiên cứu cho thấy có đến 70% bệnh nhân ung thư ở Việt Nam được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, cơ hội chữa khỏi rất ít. Bệnh nhân ung thư không chỉ gặp khó khăn về mặt tâm lý mà còn trải qua quá trình điều trị kéo dài, có người có quá trình điều trị kéo dài suốt cuộc đời. 

Trong suốt 10 năm trời cùng bệnh nhân ung thư chiến đấu với bệnh tật, có nhiều trường hợp đặc biệt khiến anh trăn trở như bệnh nhân phát hiện sớm bệnh nhưng di căn rất nhanh, phần lớn họ là người trẻ tuổi còn gia đình, còn tương lai phía trước.

"Khó khăn của bệnh nhân mặt nào đấy cũng chính là khó khăn của nhân viên y tế. Phải chẩn đoán sớm, đưa ra phương pháp điều trị tối ưu để bệnh nhân giai đoạn sớm khỏi được bệnh. Phải đưa ra phương pháp hiệu quả cho bệnh nhân giai đoạn muộn điều trị hiệu quả, cải thiện các triệu chứng... Đó là tâm niệm của người bác sĩ" - anh Tú trăn trở.

Anh Tú cho biết điều đòi hỏi một bác sĩ làm trong chuyên ngành ung thư phải như "đa mẫu thức", tức là phải hiểu biết rất nhiều lĩnh vực khác nhau từ phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, hiểu biết sâu sắc về bệnh học, giải phẫu bệnh, cơ chế sinh lý học của bệnh cũng như hiểu biết về mức độ sinh học phân tử.

Tuy nhiên, trải qua thời gian dài nghiên cứu và điều trị cho bệnh nhân ung thư, điều mà bác sĩ Tú nặng lòng là hiện chưa tìm ra phương pháp hiệu quả đẩy lùi hoàn toàn căn bệnh này. Anh cho biết phương pháp điều trị chỉ mới dừng lại ở bệnh nhân giai đoạn sớm, còn bệnh nhân giai đoạn muộn phương pháp điều trị rất hạn chế, tỉ lệ đáp ứng thấp và thời gian sống dài hay ngắn tùy vào căn bệnh.

Tìm ra protein dự báo tình trạng di căn não

Mười năm qua, không chỉ khám, điều trị ung thư, bác sĩ Đào Văn Tú còn tham gia nghiên cứu về thử nghiệm tiền lâm sàng và thử nghiệm lâm sàng với những nghiên cứu đã thành công ở ca bệnh sớm. 

Anh cho biết việc nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giúp Việt Nam áp dụng các phương pháp trên thế giới đang tiến hành, làm được điều này sẽ giúp bệnh nhân ung thư Việt Nam tiếp cận được phương pháp điều trị hiệu quả, đặc biệt không tốn kém chi phí vì được các nhà tài trợ chi trả.

Năm 2015, bác sĩ Tú bắt tay vào nghiên cứu phát hiện ra ANGPTL4 là một protein khi xuất hiện trong máu sẽ dự báo tình trạng di căn não, nghiên cứu sử dụng ANGPTL4 như một chất đề dẫn thuốc điều trị ung thư qua hàng rào máu não. 

Anh Tú chia sẻ: "Protein này nằm trên mảng tế bào, sau khi được tế bào sản xuất ra thì di chuyển vào trong hệ thống tuần hoàn trong máu, thúc đẩy các tế bào thoát mạch nhiều hơn, thúc đẩy các tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư vú, hình thành các khối u di căn não".

Anh Tú lựa chọn 38 bệnh nhân ung thư vú xuất hiện tổn thương di căn não hoặc không xuất hiện, từ đó đánh giá nồng độ protein ANGPTL4 trong máu của bệnh nhân. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy bệnh nhân có nồng độ protein này cao thì có tỉ lệ xuất hiện di căn não nhiều hơn so với bệnh nhân không có biểu hiện protein ANGPTL4 trong máu. Hiện nay nghiên cứu đã kết thúc ở giai đoạn tiền lâm sàng. 

Anh cho biết giai đoạn tiếp theo là làm sao để sử dụng protein vào trong nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng để đánh giá protein ANGPTL4 trong nhóm bệnh lớn hơn nhằm chứng minh hiệu quả của nó.

Đến nay, TS Đào Văn Tú là đồng chủ nhiệm một đề tài cấp bộ, chủ nhiệm 3 đề tài thử nghiệm lâm sàng, 5 đề tài cấp cơ sở, có 8 công trình khoa học được công bố, trong đó có 2 công trình đăng trên tạp chí thế giới.

Nhìn lại chặng hành trình gắn bó với bệnh nhân, chàng bác sĩ trẻ tâm niệm: "Tuổi trẻ cần cố gắng trong mọi việc, trong đó người làm khoa học, điều trị bệnh nhân cần cố gắng trong việc nghiên cứu cũng như điều trị. Không chỉ vậy, phải phối hợp với đồng nghiệp, cùng nhau nghiên cứu thì con đường đi sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn và có cơ hội giúp bệnh nhân nhiều hơn".

Nhớ lời Bác dạy "lương y như từ mẫu"

TS Đào Văn Tú bộc bạch, trong ngành y Bác Hồ dạy "lương y phải như từ mẫu". Theo anh Tú, việc đầu tiên học theo Bác là rèn luyện không ngừng, đạt được kết quả về chuyên môn, xuyên suốt là tình cảm của bác sĩ dành cho bệnh nhân.

"Bác sĩ đối với bệnh nhân như anh em, như cô chú, như người thân nhất trong gia đình. Điều Bác dạy vô cùng có ý nghĩa với đội ngũ y bác sĩ về tinh thần thái độ, tác phong, y đức" - anh tâm niệm.

Gần 200 người tham gia hiến máu vì bệnh nhân ung thư Gần 200 người tham gia hiến máu vì bệnh nhân ung thư

TTO - Sáng 1-7, hoạt động hiến máu vì bệnh nhi ung thư do chương trình "Ước mơ của Thúy" - báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Bệnh viện Truyền máu Huyết học tổ chức đã diễn ra tại Bệnh viện Huyết học truyền máu TP.HCM.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên