14/04/2019 12:41 GMT+7

Trái tim nói điều gì với bác sĩ Pun-Chong?

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Bác sĩ Pun-Chong tâm sự: "Tôi không ngừng trăn trở về hình ảnh gia đình bệnh nhân phải ngủ dưới sàn nhà. Tôi quyết định phải làm điều gì đó cho họ".

Khi còn là bác sĩ nội trú, anh Ricardo Pun-Chong, người Peru, đi thực tập tại nhiều bệnh viện ở thủ đô Lima. Anh nhận thấy nhiều gia đình bệnh nhân từ xa đến phải ngủ trên sàn nhà, sống cảnh vô gia cư do không đủ tiền thuê trọ.

Trái tim nói điều gì với  bác sĩ Pun-Chong? - Ảnh 1.

Bác sĩ Pun-Chong (đứng giữa) và các gia đình dũng cảm đang cố gắng vượt qua ung thư trong mái ấm của ông - Ảnh: CNN

Giao thông ở Peru rất khó khăn do điều kiện tự nhiên đặc biệt của đất nước. Peru trải dài từ dãy núi Andes đến rừng nhiệt đới Amazon. Những con đường kết nối đến vùng sâu vùng xa không được trải nhựa, gập ghềnh và rất hiểm trở.

Tôi muốn đảm bảo rằng dù phải chống chọi với bệnh hiểm nghèo nhưng các em vẫn có tuổi thơ và được vui vẻ. Tôi muốn từng em trong các em cảm thấy mình thật đặc biệt và yêu đời vì đời luôn đáng yêu, đáng sống.

Bác sĩ Pun-Chong


Những người bệnh không cô đơn

Bác sĩ Pun-Chong cho biết: "Khi lên Lima chữa bệnh, gia đình người bệnh phải vượt núi hoặc đi thuyền trong nhiều ngày. Tham gia chuyến đi vất vả đó còn có một đứa trẻ đang chống chọi với bệnh ung thư". 

Đến thủ đô, nhiều người hoàn toàn bơ vơ, không họ hàng thân quen, không bạn bè. Một số trường hợp là người dân tộc thiểu số không nói được tiếng phổ thông (tiếng Tây Ban Nha), mà nói các phương ngữ bản địa xa lạ.

Do chỉ có rất ít hoặc thậm chí không có tiền, nhiều gia đình bệnh nhân phải sống vạ vật trên các băng ghế bệnh viện với hi vọng duy nhất là con mình được chữa khỏi bệnh. Ở Peru, đối với bệnh ung thư máu - loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ em, đợt điều trị đầu tiên dài khoảng 6 tháng.

Chi phí sống ở thủ đô quá đắt đỏ trong khi tài sản đã bán hết khiến nhiều người cảm thấy tuyệt vọng, bế tắc và hoàn toàn cô đơn trong hành trình cùng con chống ung thư. Tuy thế, lựa chọn giữa chiến đấu và hi vọng hoặc về quê và chấp nhận, nhiều người đã quyết định không từ bỏ. Bác sĩ Pun-Chong tâm sự: "Tôi không ngừng trăn trở về hình ảnh gia đình bệnh nhân phải ngủ dưới sàn nhà. Tôi quyết định phải làm điều gì đó cho họ".

Nhiều năm sau, khi tóc đã bạc và rụng nhiều, năm 2008 ông Pun-Chong thành lập tổ chức phi lợi nhuận Inspira với mục tiêu không cao siêu: cung cấp chỗ ở, bữa ăn miễn phí và các hình thức hỗ trợ y tế cho bệnh nhi và gia đình. Đến nay, Inspira đã giúp được hơn 900 gia đình bệnh nhân trên cả nước.

Ngôi nhà chung

Bác sĩ Pun-Chong sống cách mái ấm dành cho gia đình các bệnh nhân chỉ vài căn. Ông có mặt hầu như mỗi ngày để điều hành hoạt động của tổ chức. Inspira chỉ có vài nhân viên nhưng có một "đội quân" hùng hậu tình nguyện viên.

Ông tâm sự: "Bọn trẻ truyền cảm hứng cho tôi mỗi ngày. Sống gần các em, tôi hiểu được sức mạnh bên trong của các em - những chiến binh dũng cảm, những người lính can trường trong cuộc chiến chống ung thư. Từ đó, tôi nhận ra không có khó khăn nào mà chúng ta không thể vượt qua".

Ngay từ đầu, Inspira xác định họ không muốn ngôi nhà chung chỉ là nơi người nhà bệnh nhân đến ngủ và ăn uống, mà là một mái ấm, một nơi đầy tình yêu và thực sự giúp đỡ các bệnh nhi. "Chúng tôi không có tivi để mọi người có nhiều thời gian trò chuyện với các bé hơn, dạy các em mơ mộng, tưởng tượng và sáng tạo. Tôi muốn các em được phát huy tối đa trí tưởng tượng của mình".

Các gia đình có thể sống ở ngôi nhà chung bao lâu tùy ý theo thời gian điều trị. Họ đồng ý với nhau không nói về những khối u ác tính, các ca phẫu thuật hay bệnh ung thư. Khi bác sĩ Pun-Chong đến nhà chung, ông cũng không mang theo ống nghe, mà đến với tư cách một người bình thường, không phải bác sĩ. 

Ông ăn cùng các gia đình và động viên những đứa trẻ trước hoặc sau khi chúng được phẫu thuật. Ông cùng chơi và tạo không khí vui vẻ với các em.

"Tôi muốn đảm bảo rằng dù phải chống chọi với bệnh hiểm nghèo nhưng các em vẫn có tuổi thơ và được vui vẻ. Tôi muốn từng em trong các em cảm thấy mình thật đặc biệt và yêu đời vì đời luôn đáng yêu, đáng sống" - bác sĩ Pun-Chong tâm sự.

Nhân viên và tình nguyện viên của Inspira làm mọi thứ có thể để gắn bó và kết nối với các bệnh nhi. Họ lắng nghe, cùng tô màu, vẽ tranh, đi chơi trong công viên hay đạp xe với các em. Họ cố gắng mang lại cho các em những món quà hoặc những trải nghiệm đặc biệt để các em được chơi, học, chia sẻ hạnh phúc.

Đối với bác sĩ Pun-Chong, nghề y không chỉ là điều trị cho các bệnh nhân mà còn là chăm lo cho gia đình của họ. Năm 2018, ông được bình chọn là Anh hùng của năm, một sáng kiến vinh danh những người bình thường làm những việc phi thường sống quanh ta của Đài CNN. Bác sĩ Pun-Chong được trao giải thưởng trị giá 100.000 USD để tiếp tục hoạt động của Inspira.
Chàng bác sĩ 9X đa tài Chàng bác sĩ 9X đa tài

TTO - Ít ai biết chỉ vài năm trước, Nguyễn Quốc Vụ Khanh có chân dung hoàn toàn khác biệt: sống khép kín, khù khờ, chỉ thích "làm bạn" cùng sách và những con số…

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên