23/06/2013 07:39 GMT+7

Người Mỹ ở quán Nụ Cười

QUỲNH TRUNG - BÌNH MINH 
QUỲNH TRUNG - BÌNH MINH 

TT - Hơn một tháng nay, hình ảnh một ông lão người Mỹ cao gầy mặc tạp dề, đeo khẩu trang, mồ hôi nhễ nhại tiếp cơm với nụ cười hiền thường trực đã trở nên quen thuộc với thực khách thường xuyên của quán cơm từ thiện Nụ Cười 2.000 đồng trên đường Hồ Xuân Hương, Q.3, TP.HCM.

1v6cBQ27.jpgPhóng to
Ông John tiếp cơm cho khách - Ảnh: Thuận Thắng

Chưa tới 9g, John William Kelly đã hì hục với hàng tá công việc bếp núc như xới cơm, lấy nước chan từ những nồi thịt sôi hừng hực cho vào thau, sau đó vật lộn với việc xắt rau, thái thịt để hỗ trợ các tình nguyện viên chuẩn bị 500 phần cơm trưa.

Tình nguyện phục vụ

Hiệu ứng John

Nhà báo Nam Đồng, chủ nhiệm quán cơm Nụ Cười trên đường Hồ Xuân Hương, cho biết khi ông John Kelly đến quán làm việc, đã có rất nhiều bạn sinh viên đến xin tình nguyện phụ giúp công việc của quán, nhưng chủ yếu để trau dồi các kỹ năng tiếng Anh bằng cách trò chuyện với ông.

Ngoài phụ bếp, “công việc chính” của John là tiếp cơm cho các “thượng đế” là thực khách nghèo. Khoảng 11g đều đặn từ thứ hai đến thứ bảy mỗi tuần, John cầm thố cơm liên tục di chuyển giữa các lối đi chật chội để tiếp thêm cơm cho những thố cơm đã vơi giữa tiếng cười nói rộn rã của hàng trăm người nghèo đang dùng bữa. “Tôi không thích khách hàng nhìn thấy thố cơm của họ trống hoác. Tôi biết cơm rất quan trọng với họ” - ông John nói xong lại tiếp tục nở nụ cười khi thấy các thực khách nghèo đang ăn ngon miệng.

Tuy đã bước sang tuổi 60, nhưng có vẻ sức khỏe của ông vẫn như thời trai trẻ vì ông làm việc với cường độ cao mà không thấy mệt. Anh Lê Quốc Việt, đầu bếp ở quán cơm Nụ Cười, cho biết: “Ông John có tấm lòng rất tốt và vô cùng nhiệt tình. Ông làm đến khi nào không còn gì để làm mới đi về. Ông còn tặng mấy anh em làm bếp đồ lau mồ hôi và tặng kẹo cho trẻ em đến quán nữa”. Cô Đỗ Thị Thu Thảo, một đầu bếp khác, bày tỏ: “John rất hòa đồng với anh em trong quán. Thật sự tôi rất hâm mộ ông”.

Cô bé và hai quả chuối

John nói trong thời gian làm tình nguyện viên ở quán cơm từ thiện, ông thấy thời gian nghỉ hưu trôi qua vô cùng ý nghĩa vì ông thường xuyên nhận được nhiều nụ cười, lời chào, lời cảm ơn từ khách hàng và có cơ hội học được tiếng Việt dù chỉ là vài từ xã giao quen thuộc, chẳng hạn như “cơm thêm không?” để hỏi thực khách, hay “tôi ăn no rồi, cảm ơn!” mỗi khi bị các tình nguyện viên người Việt “ép” ăn thêm để lấy sức phục vụ các “thượng đế”.

Bí mật nho nhỏ của John là ông thường thiên vị tặng thêm trái cây tráng miệng cho các khách hàng nhí của quán. Rồi ông kể chúng tôi nghe về một khách hàng đặc biệt của ông. Đó là một bé gái khoảng 8 tuổi hay đến quán cùng cha, khá nhút nhát và thường đội chiếc mũ che khuất khuôn mặt. John nói những ngày đầu tiên cô bé không hề nở nụ cười, chỉ lặng lẽ vào ăn rồi ra về, kể cả khi ông chủ động cười với cô bé. Tuy nhiên, John không bỏ cuộc. Mỗi ngày, ông lặng lẽ mang thêm một quả chuối tráng miệng đặt trên bàn ăn của cô bé. Rồi dần dà nỗ lực của John được đền đáp khi một ngày kia cô gái nhỏ mỉm cười với ông. Ánh mắt trìu mến mà John dành cho bé gái đã thay ông nói lên hết những tình cảm yêu thương mà ông dành cho vị khách nhỏ của mình.

Nhiều thực khách nghèo ở quán cơm Nụ Cười thích thú khi thấy một người nước ngoài xuất hiện và nhiệt tình phục vụ họ. Bà Trần Thị Tưởng - 63 tuổi, đang chăm sóc chồng tại một bệnh viện gần quán cơm và là khách hàng quen của quán - cho biết: “Cứ mỗi khi hết cơm hay hết nước chan, ông ấy liền tới đưa thêm. Ông ấy phục vụ chúng tôi rất nhiệt tình. Tuy không biết tiếng Anh nhưng tôi hiểu được những cử chỉ của ông ấy”.

BXtcVoI3.jpgPhóng to
John và cô bé khách hàng đặc biệt của ông trả lời phỏng vấn nhóm làm truyền hình báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Thuận Thắng

Kính trọng người nghèo

Cơ duyên đưa John đến quán cơm Nụ Cười rất tình cờ. Khi sang du lịch Việt Nam, ông tìm đến các tổ chức phi chính phủ (NGO) để giúp đỡ người dân nghèo, qua đó biết được một quán cơm từ thiện đông khách thông qua một người bạn. Mới đầu, ông chỉ dự định đến đóng góp một số tiền nhỏ rồi đi, nhưng khi thấy hàng trăm người nghèo gồm người già neo đơn, bệnh nhân, trẻ em và sinh viên xếp hàng dài và cầm tờ tiền 2.000 đồng trên tay để mua một suất cơm thì ông cảm thấy bất ngờ và khâm phục.

“Họ chứng minh cho mọi người thấy họ không phải là người đi xin sự bố thí, họ lao động kiếm tiền để trả cho bữa ăn dù số tiền không nhiều. Điều này trái ngược với đất nước tôi, người nghèo và người vô gia cư nhận suất ăn từ thiện mà không phải trả xu nào” - ông John bày tỏ sự kính trọng.

John nói sau khi hết hạn visa vào cuối tháng 7 và trở về Mỹ, ông sẽ lên kế hoạch trở lại Việt Nam mỗi năm một lần bởi vì cô bé trên kia chính là nguồn động lực gắn kết ông với quán cơm Nụ Cười, cũng vì Việt Nam có cái gì đó rất bí ẩn và rất thú vị đối với ông.

“Tôi sẽ tiếp tục quay lại và làm việc ở đây chừng nào sức khỏe còn cho phép dù lúc đó tôi đã 70 tuổi. Bây giờ tôi mới 60 tuổi, cảm thấy mình còn nhiều thời gian để giúp đỡ người khác” - ông John bộc bạch.

Chấp nhận bị chỉ đạo

Là giám đốc bưu điện thành phố Palo Alto, California, Hoa Kỳ (với thu nhập khoảng 100.000 USD mỗi năm - ông không muốn nhắc đến thu nhập), John hoàn toàn có thể tận hưởng cuộc sống về hưu thoải mái, an nhàn, du lịch đây đó nhưng khi du lịch sang Việt Nam, ông lại thích “bị sai” làm những công việc bếp núc cực nhọc như xới cơm, thái thịt, xắt rau tại quán cơm vì theo ông, đó là cách gần nhất để ông có thể “ngửi thấy” mùi cực khổ của người nghèo ở Việt Nam và góp phần giúp họ có một bữa ăn no. Khi nói về điều này, ông chia sẻ: “Tôi từng quản lý 300 nhân viên và chỉ đạo họ phải làm gì nhưng giờ ở quán cơm này, tôi lại thích được người khác chỉ đạo”.

QUỲNH TRUNG - BÌNH MINH 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên