Báo cáo cho thấy đến năm 2011 có 60,6 triệu người, tương đương 1/5 dân số, ở độ tuổi từ 5 trở lên nói các thứ tiếng khác ngoài tiếng Anh khi ở nhà. Vào năm 1980, con số này chỉ khoảng 23 triệu người. Tốc độ tăng trưởng của cộng đồng nói ngôn ngữ ngoài tiếng Anh bỏ xa tốc độ tăng dân số chung của Mỹ trong ba thập niên qua.
Trong khi tiếng Tây Ban Nha vẫn là ngôn ngữ phổ biến thứ hai tại Mỹ, các ngôn ngữ khác, đặc biệt là ngôn ngữ của các vùng Nam Á và châu Phi, cũng tăng mạnh. Sau tiếng Tây Ban Nha, với khoảng 37,6 triệu người sử dụng, là tiếng Hoa với 2,9 triệu người dùng. Các ngôn ngữ khác như tiếng Việt, Nga, Hàn Quốc... tăng gấp đôi. Ngược lại, người nói các ngôn ngữ châu Âu như Pháp, Đức, Ý ở Mỹ lại đang giảm.
Chuyên gia ngôn ngữ học Peter Sayer thuộc Đại học Texas nhận định kết quả báo cáo của Cục Điều tra dân số phản ánh tính đa ngôn ngữ đang ngày một tăng ở Mỹ. Nó cũng phản ánh xu hướng người nhập cư từ châu Á, Trung và Nam Mỹ đổ vào Mỹ thời gian qua, theo Reuters.
Tuy nhiên xu hướng mới sẽ không đe dọa ngôn ngữ chính là tiếng Anh, theo tác giả báo cáo Camille Ryan. “Khi mọi người lớn lên và sống lâu ở Mỹ hơn, họ thường chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chính” - Ryan viết. Thống kê năm 2011 cho thấy gần 80% người sử dụng ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh tại Mỹ có thể sử dụng tốt hoặc rất tốt tiếng Anh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận