21/04/2013 07:30 GMT+7

Người Mỹ đang cần lòng dũng cảm

Scott Harris (nhà báo Mỹ)VIỆT TOÀN ghi
Scott Harris (nhà báo Mỹ)VIỆT TOÀN ghi

TT - Khi tôi đang viết bài cho Tuổi Trẻ thì nhận được tin nghi can thứ hai trong vụ đánh bom ở Boston đã bị bắt. Hiện nay khủng bố đang là vấn đề phức tạp kéo dài ở Mỹ và việc bắt giữ nghi can này đã mang lại cảm giác giải tỏa cho người Mỹ trong một tuần rất kinh khủng.

Xem toàn bộ diễn biến vụ đánh bom khủng bố ở Boston

NkyO6gWz.jpgPhóng to
Cảnh sát Mỹ bảo vệ một gia đình ở Watertown trong khi đội đặc nhiệm tấn công truy tìm kẻ đào tẩu - Ảnh: Reuters

Người Mỹ sẽ còn nhớ mãi tuần lễ này khi thượng viện đã không phê chuẩn dự luật kiểm soát lý lịch người mua súng do áp lực từ phía các nhà sản xuất súng đầy quyền lực, dẫn đầu là Hiệp hội Súng quốc gia (NRA). Họ bác dự luật ngay trong hoàn cảnh các cuộc thăm dò cho thấy có hơn 90% dân Mỹ và hơn 70% người sở hữu súng đồng tình với dự luật này.

Những vụ thảm sát hàng loạt bằng súng không phải điều lạ lẫm ở Mỹ, cũng giống như đánh bom bằng xe hơi không phải là hiếm ở Baghdad.

"Khi nhìn vào thất bại của dự luật kiểm soát súng đạn thì có vẻ như những kẻ cực đoan và khủng bố đang giành phần thắng"

Đó là vấn đề rất đặc trưng của Mỹ và giờ đây nó đã trở nên trầm trọng hơn rất nhiều. Một lý do có thể nêu ra ở đây là luật về súng ống đã được nới lỏng hơn, còn vũ khí thì có tính sát thương cao hơn. Mặc dù nhiều triệu gia đình ở Mỹ không sở hữu súng nhưng vẫn còn khoảng 350 triệu khẩu súng đang nằm trong tay những người khác - số lượng đủ để trang bị cho mọi đàn ông, phụ nữ, trẻ em và kể cả những kẻ tâm thần.

Những kẻ cuồng súng đạn ở Mỹ lại không cho đây là vấn đề của đất nước. Đó là nhận xét nghiêm túc. Họ xem vũ khí là hiện thân của “tự do” kiểu Mỹ. Họ sẽ bảo rằng bạo lực súng ống hoàn toàn không liên quan gì đến súng ống cả. Đây là quan điểm chính thức của NRA. Họ nhấn mạnh rằng vấn đề nằm ở tình trạng thần kinh người dùng súng, các trò chơi điện tử và phim ảnh bạo lực, hoặc các bản tin báo chí dễ khiến người ta bắt chước. NRA lý luận rất nghiêm túc rằng giải pháp giải quyết vấn đề bạo lực súng ống là cho phép nhiều người sở hữu súng hơn. Với các vụ xả súng trong trường học, họ đề xuất huấn luyện và vũ trang cho giáo viên và nhà trường cũng nên có trang thiết bị “dập tắt” những cái đầu tâm thần ngoài những phương tiện dập tắt lửa thông thường. Ai có thể tưởng tượng được thứ lý luận như thế sẽ tồn tại ở VN hay nước khác không?

Những gì xảy ra trong tuần này đã đặt ra câu hỏi: ai là người đáng chịu tội hơn, những kẻ khủng bố quá khích sử dụng bạo lực với người vô tội, hay những chính trị gia hèn nhát không thể bảo vệ người dân?

Boston là nơi khai sinh cuộc cách mạng đã tạo ra quốc gia vẫn thường hay ca ngợi mình là “đất nước của những người tự do, mái nhà của những người dũng cảm”. Người Mỹ thật sự có được tự do hơn nhiều người khác. Tuy nhiên, lòng dũng cảm là thứ nước Mỹ cần hiện nay vì người dân đang cảm thấy mất tự do hơn trước đây nếu quy chiếu theo “bốn quyền tự do” mà tổng thống Franklin Roosevelt đã đề cập trong bài phát biểu nổi tiếng cùng tên năm 1941: tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do mong muốn và không bị sợ hãi trói buộc. Người Mỹ hiện nay không hề cảm thấy mình thoát khỏi sự trói buộc của sợ hãi.

Các hành động khủng bố nhắm vào nước Mỹ có nhiều dạng đặc trưng nhưng những vụ đáng buồn và đáng sợ nhất lại do những người được đào tạo trong nước thực hiện, nó giống như một vết thương tự mình gây ra cho mình. Ngay cả nếu như sự cố ngày 11-9-2001 chưa từng xảy ra và chính quyền Mỹ tiếp tục ngăn cản không cho Al Qaeda và đồng bọn mang những điều tồi tệ nhất đến với nước Mỹ thì Mỹ vẫn đứng hàng đầu trong số các nước phát triển về khoản bạo lực súng ống.

Tại sao? Bởi vì văn hóa Mỹ, khi nhìn qua lăng kính chính trị, dung dưỡng cho sự cực đoan của những kẻ cuồng súng đạn.

Những kẻ cuồng súng đạn luôn lấy lá cờ (pháp quyền) Mỹ quấn quanh mình. Họ thường lấy tu chính án số 2 - cho phép công dân Mỹ “có tính kỷ luật cao” sở hữu vũ khí - được viết vào thời kỳ còn dùng súng hỏa mai và súng kíp làm lý do bào chữa cho những thứ ít có liên quan đến tính kỷ luật như súng bắn nhanh hay súng bán tự động. Họ mừng rỡ khi dự luật kiểm soát súng đạn không được thông qua trong khi phần lớn dân Mỹ phản ứng giận dữ với thất bại của chính quyền Obama với dự luật này.

Chính vì thế, khi nhìn vào thất bại của dự luật kiểm soát súng đạn thì có vẻ như những kẻ cực đoan và khủng bố đang giành phần thắng.

Scott Harris (nhà báo Mỹ)VIỆT TOÀN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên