23/10/2011 02:00 GMT+7

Người lớn cần làm gương

SHIOMI MASATO (giáo viên tiếng Nhật, tình nguyện viên tại Nha Trang) - CHÂU TƯỜNG ghi
SHIOMI MASATO (giáo viên tiếng Nhật, tình nguyện viên tại Nha Trang) - CHÂU TƯỜNG ghi

TT - Tôi sống và làm việc ở Việt Nam hơn mười năm, có cơ hội tiếp xúc khá nhiều người trẻ, tôi thấy họ rất ngoan và tốt bụng. Nhưng gần đây báo chí đưa nhiều vụ án mà đối tượng gây án lại là thanh thiếu niên, điều này rất đáng lo ngại.

vPe6xTrn.jpgPhóng to
Ông Shiomi Masato - Ảnh: Châu Tường
Ở Nhật, trước đây tội phạm trẻ em cũng có nhưng tỉ lệ thấp và những năm gần đây ngày càng giảm xuống. Theo tôi, tỉ lệ tội phạm trẻ cao hay thấp là do cách giáo dục của gia đình và nhà trường đối với các em ngay từ lúc còn nhỏ.

Con cái lớn lên thường noi gương cha mẹ, nhưng có nhiều bậc cha mẹ làm giàu bất chính làm gương xấu cho con cái như những cảnh sát giao thông, kiểm lâm vòi tiền của người dân mà báo chí nêu thời gian qua. Việc này ảnh hưởng đến đầu óc non nớt, nhận thức của các em về các giá trị đạo đức, điều phải trái.

Ở Nhật, trẻ được dạy dỗ phải biết xấu hổ với những hành động mà mình làm người khác không thích. Từ nhỏ, trẻ em được học phải nghĩ đến mọi người xung quanh và nhận lỗi khi làm sai.

Người lớn phải luôn làm gương cho trẻ em và tập dần cho các em cách tuân thủ những quy định chung của xã hội. Một ví dụ nhỏ là sau khi ăn kẹo cao su, các em được dạy phải bọc bã kẹo lại rồi mới bỏ vào thùng rác. Nếu làm không đúng sẽ bị cha mẹ khiển trách và bị bắt làm lại đến khi “đạt yêu cầu”.

Những người lớn khác cũng cố gắng làm gương cho trẻ nhỏ. Nếu thấy một người mẹ dẫn theo con đứng chờ hết đèn đỏ thì không một ai dám vượt vì chúng tôi phải tôn trọng sự giáo dục của người mẹ dành cho con.

Tôi thấy ở Việt Nam cha mẹ thường quan tâm con cái trong việc học thêm nhiều hơn chú trọng đến việc giáo dục đạo đức cho trẻ em. Người lớn bắt các em học thêm nhiều môn: toán, lý, hóa, tiếng Anh... mời gia sư về dạy kèm kiến thức nhưng họ lại quên việc dạy đạo đức cho con mình.

Tôi đọc báo thấy đề cập đến vấn đề chương trình học kèm, dạy kèm quá tải mà nội dung mang tính thực tế lại thấp. Nhiều chương trình gộp lại, nhiều kiến thức chồng chất nên một số học sinh không theo nổi dẫn đến chán nản, bỏ học và bị đẩy ra ngoài xã hội, chơi với bạn bè xấu và dễ dàng sa ngã.

Tôi nghĩ cần phải có những biện pháp ngăn ngừa không để cái xấu lây lan. Bắt đầu bằng việc gia đình và nhà trường giáo dục các em ý thức tự giác, biết quan tâm đến mọi người, khuyến khích tham gia các hoạt động xã hội.

Và hệ thống giáo dục phải được cải cách, giảm tải chương trình, những kiến thức không cần thiết phải cắt bỏ và nâng thời gian học đạo đức lên ngang bằng với thời gian học kiến thức.

SHIOMI MASATO (giáo viên tiếng Nhật, tình nguyện viên tại Nha Trang) - CHÂU TƯỜNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên