29/05/2019 10:45 GMT+7

Người lao động sẽ tự thương lượng về lương, thời gian làm thêm

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Gia nhập Công ước số 98 sẽ tạo cơ sở pháp lý để đại diện của người lao động và người sử dụng lao động có thể thương lượng về tiền lương, thời gian làm thêm, thời gian nghỉ phép năm và các chế độ phúc lợi khác…

Người lao động sẽ tự thương lượng về lương, thời gian làm thêm - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ảnh: TTXVN

Sáng 29-5, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thừa ủy nhiệm Chủ tịch nước đã trình bày trước Quốc hội tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. 

Theo đó, việc gia nhập Công ước sẽ góp phần củng cố và tăng cường pháp lý để người lao động và người sử dụng lao động tự thương lượng tập thể một cách thực chất, hiệu quả hơn, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Phó chủ tịch nước nêu, Công ước số 98 có 3 nội dung cơ bản: người lao động và cán bộ công đoàn phải được bảo vệ trước các hành vi của người sử dụng lao động phân biệt đối xử về việc làm; tổ chức của người lao động không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động và Nhà nước phải có những biện pháp về luật pháp và thiết chế để thúc đẩy cho thương lượng tập thể.

Phó chủ tịch nước cũng cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, cơ bản quy định pháp luật Việt Nam tương thích với quy định của Công ước. Tuy nhiên có một số quy định chưa phù hợp phải nội luật hóa để đảm bảo thực hiện Công ước đầy đủ, hiệu quả. 

"Qua rà soát cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012 và 2 nghị định của Chính phủ nếu Việt Nam gia nhập và thực thi các tiêu chuẩn của Công ước số 98", Phó chủ tịch nước nói.

Ngay sau đó, bộ trưởng Bộ lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo thuyết minh Công ước số 98.

Người lao động sẽ tự thương lượng về lương, thời gian làm thêm - Ảnh 2.

Người lao động sẽ tự thương lượng về lương - Ảnh: VIỆT HƯNG

Theo đó, Công ước số 98 là nền tảng cho sự vận hành của thị trường lao động tại Việt Nam phù hợp với kinh tế thị trường, tiến tới tạo quan hệ lao động hiện đại. Gia nhập và thực hiện Công ước 98 là giải pháp cụ thể để thực hiện chủ trương Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. 

Theo đó, Nhà nước sẽ chỉ ban hành mức lương tối thiểu; giảm dần, tiến tới không can thiệp, áp đặt hành chính vào việc trả lương của doanh nghiệp. Các bên quan hệ lao động tự thương lượng thông qua tiền lương trong doanh nghiệp.

"Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương và điều kiện lao động dựa trên thỏa thuận người sử dụng lao động và tập thể người lao động, do vậy điều quan quan trọng là cần thúc đẩy thương lượng tập thể một cách thực chất và hiệu quả, nhất là thương lượng tập thể về tiền lương, nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ", ông Đào Ngọc Dung nêu.

Cũng theo báo cáo, hiện quy định của pháp luật Việt Nam chỉ còn một vấn đề là bảo đảm tính tự nguyện của thương lượng tập thể là chưa hoàn toàn tương thích với Công ước số 98 và cần sửa đổi, bổ sung.

Trình bày báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 98, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết: "Tất cả các bộ, ngành được Chính phủ lấy ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98".

* Những nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung:

Thứ nhất, bổ sung một trong những nguyên tắc quan trọng của thương lượng tập thể là thương lượng tập thể được tiến hành theo nguyên tắc tự nguyện. Đồng thời, bỏ quy định thương lượng tập thể được thực hiện định kỳ một năm một lần. 

Việc thương lượng tập thể được tiến hành đột xuất hay định kỳ như thế nào là do các bên quan hệ lao động quyết định trên cơ sở tự nguyện theo đúng tinh thần của Công ước số 98 (Điều 67 Bộ luật Lao động 2012; Điều 66 dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi).

Thứ hai, cần sửa đổi quy định về vai trò đại diện đương nhiên của công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở trong việc đại diện cho người lao động tại nơi chưa có công đoàn cơ sở để tiến hành thương lượng tập thể (bãi bỏ Khoản 3 Điều 188 Bộ luật Lao động 2012).

Thứ ba, sửa đổi quy định về nội dung thương lượng tập thể, bảo đảm cách hiểu thống nhất những quy định về nội dung thương lượng tập thể của pháp luật chỉ là những nội dung có tính gợi ý, mang tính khuyến khích chứ không phải là nội dung bắt buộc phải thương lượng.

Việc các bên quan hệ lao động tiến hành thương lượng về nội dung nào là do chính các bên quyết định trên cơ sở nhu cầu của các bên (Điều 70 Bộ luật Lao động 2012; Điều 69 dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi).

Thứ tư, bổ sung các quy định bảo đảm thương lượng tập thể không chỉ được thực hiện ở cấp doanh nghiệp và cấp ngành như quy định hiện hành, mà có thể được thực hiện ở bất kỳ cấp nào như cấp bộ phận doanh nghiệp, cấp vùng, cấp nhóm doanh nghiệp... do chính các bên thương lượng quyết định (Điều 73 Bộ luật Lao động 2012; Điều 72, Điều 73 dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi).

Thứ năm, sửa đổi không quy định thủ tục trọng tài bắt buộc đối với mọi tranh chấp lao động tập thể về lợi ích xuất phát từ thương lượng tập thể (Điều 206 Bộ luật Lao động 2012; Điều 197 dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi).

Chính sách tiền lương mới: Lương phải đủ sống Chính sách tiền lương mới: Lương phải đủ sống

TTO - Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (DN).

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên