23/01/2016 08:34 GMT+7

"Quay clip nhân viên ngân hàng không đổi tiền rách họ sẽ bị phạt"

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA
ĐỖ THỊ HUỲNH HOA

TT - Tuổi Trẻ ngày 18-1 trong bài “Đổi tiền rách, cháy không mất phí” có đoạn: “Người dân có thể đến bất kỳ ngân hàng nào để yêu cầu đổi, không nên đổi tiền qua trung gian và chịu mất phí”.

Phần lớn người dân khi gặp sự cố tiền rách đều nói ít nghĩ đến việc vào ngân hàng đổi vì ngại phiền phức. Trong ảnh: nhân viên một quán cà phê đang cố dán lại những tờ tiền bị rách rời để sử dụng - Ảnh: Châu Anh
Phần lớn người dân khi gặp sự cố tiền rách đều nói ít nghĩ đến việc vào ngân hàng đổi vì ngại phiền phức. Trong ảnh: nhân viên một quán cà phê đang cố dán lại những tờ tiền bị rách rời để sử dụng - Ảnh: Châu Anh

Trong phần comment trên Tuổi Trẻ Online, bạn đọc T.B. đã chia sẻ ngay: “Tôi đi nộp tiền ở ngân hàng, tờ tiền nào quá cũ hoặc bị rách là bị trả lại”.

Còn bạn đọc tên Linh bức xúc: “Làm được hãy nói. Tiền nguyên đai nguyên kiện nhận từ ngân hàng về còn bị một đống vừa rách vừa bay màu đọc không ra chữ đây. Đi ra ngân hàng, nhiều khi tiền chỉ bị rách, được dán keo cẩn thận còn bị trả lại chứ đừng nói là mất góc hay cháy cong!”.

Quả thật nói chi đâu xa, tôi làm ở ngân hàng, thường xuyên “được” bạn học, người quen thỉnh thoảng gửi vài tờ tiền rách (còn gọi là tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông) nhờ đổi giùm vì “đi nhiều ngân hàng nhưng không ngân hàng nào chịu đổi”.

Và trong số bạn học, người quen đó có cả vài người đang... làm ngân hàng, có người còn là trưởng phòng giao dịch của một ngân hàng hẳn hoi, vậy nhưng cũng không đổi được ở chính ngân hàng mình, nói gì người dân bình thường.

Không hiểu cán bộ làm công tác ngân quỹ ở các ngân hàng có biết rằng theo điểm a, khoản 2, điều 30 nghị định 96 của Chính phủ ngày 17-10-2014 quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định rõ hành vi “từ chối đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho khách hàng” sẽ bị cơ quan chức năng phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.

Chỉ cần khách hàng ghi âm, thu hình việc mang tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông đến ngân hàng xin đổi mà bị chối từ, hoặc nộp tiền rách mà bị trả lại và đem đi khiếu nại thì chắc chắn ngân hàng đó sẽ bị phạt tiền theo như pháp luật đã quy định.

Thế nhưng nói đi phải có nói lại. Tại sao nhiều ngân hàng từ chối đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho khách hàng?

- Thứ nhất, vì khách hàng có thể đem vài ba tờ tiền rách hay cháy vô ngân hàng đổi, không có quy định bao nhiêu tờ mới được đổi.

Trong khi đó, một ngân hàng thương mại muốn đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông với Ngân hàng Nhà nước (hoặc một chi nhánh ngân hàng muốn đem lên đổi ở ngân hàng cấp trên) bắt buộc mỗi loại tiền phải đủ 1 bó - là phải đủ 1.000 tờ. 999 tờ (tức là thiếu chỉ 1 tờ) cũng không được!

Thử nghĩ có ngân hàng gần cả năm đổi cho khách hàng hơn 900 tờ tiền rách, cháy, mệnh giá 500.000 đồng. 900 tờ vị chi là 450 triệu đồng - một số tiền không nhỏ - nằm bất động trong kho. Dù ngân hàng làm đúng việc đổi tiền rách, cháy cho khách hàng nhưng lại phải trả lãi cho số tiền không sinh lời đó cho đến khi nào đủ 1.000 tờ.

- Thứ hai: tâm lý ngại khó. Tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông thường rất bẩn và hôi. Dù đã có phụ cấp độc hại nhưng một số cán bộ ngân quỹ thiếu tinh thần trách nhiệm vẫn không mặn mà đổi cho khách, tất nhiên là trừ khách VIP.

- Thứ ba: khách hàng giao dịch quá đông, không có thời gian đổi tiền cho khách hàng vãng lai.

Vì vậy, muốn giải bài toán đổi tiền rách, cháy cho dân, cần phổ biến mức phạt theo nghị định 96 đối với ngân hàng nào từ chối đổi cho khách.

Đồng thời xem lại quy định buộc tiền rách phải có đủ 1.000 tờ mỗi loại mới được đem lên ngân hàng cấp trên hoặc Ngân hàng Nhà nước thì họa may tệ nạn đổi tiền rách, tiền cháy ăn lời ngoài chợ mới chấm dứt, giúp người dân không mất tiền oan.

Người dân có thể phản ảnh về Ngân hàng Nhà nước

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cho biết theo quy định, ngân hàng phải đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông (rách, cháy, “xuống sắc”...) cho người dân và không thu phí.

Nếu ngân hàng nào từ chối đổi, người dân có thể phản ảnh trực tiếp về Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng Nhà nước chấn chỉnh.

Về việc nghị định 96 có quy định ngân hàng từ chối đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho khách hàng sẽ bị cơ quan chức năng phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng, ông Minh cho biết quy định là vậy nhưng thường ngân hàng sẽ không bao giờ từ chối thẳng với người dân mà thường viện lý do này kia.

“Người dân cần phản ảnh cụ thể là ngân hàng nào để Ngân hàng Nhà nước có thể nắm được thông tin. Thời gian qua tiền rách, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông các ngân hàng nộp về Ngân hàng Nhà nước khá nhiều.

Còn về quy định 1.000 tờ mới nộp về Ngân hàng Nhà nước đó là quy định từ trước đến nay, là đối với tiền đang lưu thông phải nộp về nguyên bó, Ngân hàng Nhà nước không thu lẻ từng tờ (trừ trường hợp phát hiện tiền giả). T

rường hợp người dân bị thiên tai dẫn đến tiền bị cháy, rách có thể đến trực tiếp Ngân hàng Nhà nước để đổi vì Ngân hàng Nhà nước có cơ quan giám định đồng tiền” - ông Minh cho biết.

ÁNH HỒNG

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên