
Đoàn nghệ nhân Gia Rai TP Pleiku trình diễn cồng chiên sôi động tại ngày hội - Ảnh: TẤN LỰC
Bên cạnh người Kinh, Gia Rai, Ba Na, còn có đồng bào các dân tộc khác như Tày, Nùng, Mông khiến ngày hội - từ ngày 12 đến ngày 13-4 tại Quảng trường Đại đoàn kết, TP Pleiku - diễn ra vô cùng sôi nổi.
Có 17 đoàn nghệ nhân với 800 người, đại diện cho các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về tham gia ngày hội.
Các đoàn nghệ nhân tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng, trình diễn cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.
Ngoài ra, còn trình diễn kỹ thuật chỉnh chiêng, điêu khắc tượng nhà mồ, dệt vải thổ cẩm, trang phục các dân tộc.
Một số nghi lễ đặc sắc cũng được tái hiện trong thời gian ngày hội là lễ mừng chiến thắng, cúng nhà rông, mừng lúa mới, đâm trâu, bỏ mả, cúng giọt nước…

Các chàng trai, cô gái Gia Rai múa mừng lúa mới trong trang phục truyền thống - Ảnh: TẤN LỰC
Ông Nguyễn Quang Tuệ, trưởng Phòng Quản lý văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, cho biết ngày hội là dịp để các dân tộc sinh sống trên địa bàn có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu và tìm hiểu về văn hóa, phong tục của nhau.
Từ đó, giúp thắt chặt mối quan hệ thân thiết, gần gũi giữa các dân tộc anh em và cũng để gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của mỗi cộng đồng dân tộc.
Đến với ngày hội, ban tổ chức mong muốn đồng bào được sống trong không gian văn hóa và tự do trình diễn các nét đẹp, độc đáo của cộng đồng.

Các bài biểu diễn nhạc cụ dân tộc dưới tán thông già hút hồn du khách với âm điệu núi rừng - Ảnh: TẤN LỰC
Ông Kpui Nhứt, đoàn nghệ nhân Gia Rai tại huyện Đức Cơ, cho hay hết sức vui mừng khi đến với ngày hội. Trong không gian cộng đồng rộng mở, bà con rất tự hào khi được mang ra giới thiệu cho mọi người những nét văn hóa truyền thống của người Gia Rai.
Từng cây đàn, dàn chiêng, bộ trang phục thổ cẩm đều được tuyển lựa, chăm chút tốt nhất để trình diễn cho du khách.
Đáng chú ý, dù cùng là dân tộc Gia Rai hay Ba Na nhưng những nét văn hóa của từng đoàn cũng có sự khác nhau. Trong đó, điều dễ nhận thấy nhất là trang phục không hoàn toàn giống hệt.
Chị Đinh Thị Ben, nghệ nhân Ba Na tại huyện Đak Pơ, cho hay tùy vào khu vực sinh sống mà cộng đồng dân cư phát triển thêm những nét văn hóa đặc sắc, riêng có.
Ví dụ, cùng là bộ quần áo lễ hội của người Ba Na nhưng vùng Kbang có hoa văn tương đối khác vùng Đak Pơ, ngôn ngữ cũng có vài khác biệt nho nhỏ.

Dàn chiêng, ché, đàn của người Gia Rai được mang ra giới thiệu cho du khách - Ảnh: TẤN LỰC

Tái hiện không gian gian bếp của người Gia Rai - Ảnh: TẤN LỰC

Điệu múa truyền thống trong màu áo thổ cẩm của các cô gái Ba Na huyện Đak Pơ - Ảnh: TẤN LỰC

Nghệ nhân người Gia Rai tại huyện Phú Thiện trình diễn nghề dệt vải thổ cẩm - Ảnh: TẤN LỰC

Nghệ nhân Gia Rai huyện Phú Thiện trình diễn tạc tượng gỗ nhà mồ - Ảnh: TẤN LỰC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận