20/04/2020 17:01 GMT+7

Người giữ lửa cho phong trào

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Hoàng Anh trở lại trường và chính thức đảm nhận vai trò thủ lĩnh thanh niên. Trước đó, anh đã hoàn thành liên thông đại học và hiện đang hoàn chỉnh luận văn cao học để bảo vệ trong thời gian tới.

Người giữ lửa cho phong trào - Ảnh 1.

Từ không gian khởi nghiệp và sáng tạo, sinh viên đã tự phục vụ tiệc nhẹ cho các hội nghị, hoạt động của nhà trường - Ảnh: Q.NG.

Hoàng Anh lăn xả trong hoạt động, làm tốt việc tập hợp sinh viên nòng cốt dù ở bất cứ vai trò nào, qua đó tạo được môi trường giúp sinh viên vừa có thêm sân chơi vừa là cơ hội rèn kỹ năng.

Thạc sĩ NGUYỄN THỊ LÝ (hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức)

Đang giữ nhiệm vụ phó bí thư Đoàn trường, Vương Hoàng Anh xin lãnh đạo trường cho tạm dừng công việc, viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Năm đó anh đang ở tuổi 26.

Chia sẻ về quyết định của mình, anh chàng hiện là bí thư Đoàn Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức nói: "Tôi nghĩ thay vì chỉ kêu gọi các bạn thực hiện nghĩa vụ quân sự, chính mình hoàn toàn có thể vận động bằng hành động cụ thể của bản thân nên tôi quyết định lên đường".

Hồi mới vào trường, Hoàng Anh hơi hụt hẫng vì không nghĩ môi trường sinh hoạt của sinh viên lại có vẻ trầm lắng thế. Cũng bởi hồi đó anh chàng mê hoạt động nên hầu như hiếm khi nào vắng mặt trong các sân chơi của Đoàn thời phổ thông.

Máu mê hoạt động Đoàn khó bỏ, nên ngay năm thứ nhất anh đã mon men đến các hoạt động của Đoàn trường. Ý tưởng thành lập câu lạc bộ học thuật, vui chơi cho sinh viên được anh chàng mạnh dạn đề xuất. May mắn là lãnh đạo nhà trường rất ủng hộ. Những câu lạc bộ đầu tiên của sinh viên ra mắt, đi vào hoạt động. Khi ấy Hoàng Anh là một trong những thành viên của ban vận động thành lập Hội sinh viên của trường.

Hoàng Anh nhớ lại: "Khi Hội sinh viên của trường chính thức chào đời, mình nhận nhiệm vụ phó chủ tịch thường trực, còn chủ tịch là một cán bộ của trường. Phải nói là mình may mắn khi được ban giám hiệu, thầy bí thư Đoàn trường luôn ủng hộ, khích lệ các ý tưởng, đề xuất mới và được tạo điều kiện để làm điều này, điều kia, cứ làm sai chỗ nào sửa chỗ đó rồi làm tiếp".

Không gian khởi nghiệp và sáng tạo cùng không gian văn hóa thưởng thức cho đoàn viên, thanh niên là hai trong số những công trình mới nhất có dấu ấn khá rõ của bí thư Vương Hoàng Anh. Hai không gian này đều được giao cho Đoàn trường vận hành sau nhiều thảo luận.

Trong đó, không gian khởi nghiệp và sáng tạo đã mở ra sân chơi mới để sinh viên theo học ngành nhà hàng, khách sạn thực hành tại trường. Các bạn làm bánh, pha chế thức uống và nhận lại góp ý từ chính các thầy cô, sinh viên sau khi dùng. Nhiều doanh nghiệp lắp đặt thiết bị hoạt động cho Đoàn trường... trả góp từ nguồn thu của chính không gian này sau khi trừ chi phí vật tư, tiền công cho sinh viên.

Còn không gian thưởng thức văn hóa như một điểm hẹn cùng với thư viện trường, đưa sinh viên đến gần hơn với sách. Không chỉ sách, ở đây còn chiếu phim tư liệu, lịch sử, giao lưu văn nghệ, đã tổ chức các chuyên đề về văn hóa, khởi nghiệp với những khách mời chuyên gia.

Hiệu trưởng nhà trường - thạc sĩ Nguyễn Thị Lý - đánh giá nếu lấy mục tiêu gắn kết doanh nghiệp với đào tạo thì các không gian này đã làm được khi thu hút nhiều doanh nghiệp cùng hỗ trợ các mô hình hoạt động. 

"Nhà trường không đặt nặng lợi nhuận mà là tạo không gian cho sinh viên trải nghiệm, học ngoại ngữ khi giao lưu với chuyên gia nước ngoài. Đó cũng là nơi thầy cô giúp sinh viên học thêm từ thực tiễn, điều rất quan trọng với sinh viên, học sinh chọn học nghề" - cô Lý phân tích.

Mùa dịch vắng bóng sinh viên cũng buồn nhưng lại là khoảng thời gian để Hoàng Anh cùng các bạn chuẩn bị hoạt động mới khi đón sinh viên trở lại. Ngay trong Tháng thanh niên vừa qua, không có sinh viên, Đoàn trường chuyển thành hoạt động online, thu hút lượng sinh viên kha khá. Anh vừa được Trung ương Đoàn tặng Giải thưởng Lý Tự Trọng cùng cán bộ Đoàn xuất sắc cả nước dịp 26-3 năm nay.

"Tụi mình thường có các cuộc thi trắc nghiệm nho nhỏ trên mạng về văn hóa, lịch sử, truyền thống. Quà thưởng cho các bạn là những phiếu bánh, nước dùng tại không gian khởi nghiệp và sáng tạo. Giá trị không quá lớn song các bạn thích vì vừa thư giãn, vừa biết thêm nhiều thông tin mới" - Hoàng Anh kể.

Nói về đồng nghiệp, chị Lê Thị Kim Thanh cho biết là bạn học, cùng công tác từ thời sinh viên và nay hoạt động Đoàn với nhau nhưng chị nể Hoàng Anh vì luôn có nhiều ý tưởng mới, sáng tạo trong công việc. "Hoàng Anh luôn cho thấy năng lượng làm việc dồi dào, đặc biệt là khả năng tập hợp người khác, không ít bạn từng thụ động nhưng đã chịu đến tham gia và sau đó gắn bó với phong trào" - chị Kim Thanh chia sẻ.

Được tiếp lửa

Hồi đó Hoàng Anh có thi đại học nhưng trượt, chỉ đủ điểm nguyện vọng 2 vào ngôi trường này. Khoảnh khắc chàng trai 18 tuổi bất lực ngồi khóc giữa sân trường vì cánh cửa trở thành tân sinh viên gần như khép lại do không có tiền đóng học phí nhập học ngày ấy mãi là một dấu ấn anh nói không thể quên trong đời mình. Trong khoảnh khắc đó, người thầy ấy đã xuất hiện.

Dù chưa từng biết song sau khi hỏi chuyện, thầy Nguyễn Xuân Toán (hiện là phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) đã lấy tiền túi nộp học phí học kỳ đầu tiên đời sinh viên cho Hoàng Anh.

"Nếu không có thầy, có lẽ mình đã không có cơ hội được trở thành sinh viên khóa đầu tiên khi trường chính thức trở thành trường cao đẳng. Thầy cũng chính là người tiếp lửa cho mình, bắt đầu từ tiết sinh hoạt công dân đầu khóa mà thầy là bí thư Đoàn trường chia sẻ trong những buổi ấy" - Hoàng Anh bày tỏ.

Trong dịch COVID-19, Đoàn làm gì để chung tay với cả nước? Trong dịch COVID-19, Đoàn làm gì để chung tay với cả nước?

TTO - Mở đầu buổi làm việc sáng 25-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay, phong trào Đoàn làm gì để chung tay với cả nước?

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên