27/10/2013 05:30 GMT+7

Người đạp xe lôi tóc dài

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TT - Đó là chị Bùi Thị Tuyết Nhung (khóm Đông Thịnh 3, P.Mỹ Phước, TP Long Xuyên, An Giang) - có lẽ là người phụ nữ cuối cùng ở đồng bằng sông Cửu Long mưu sinh bằng nghề phu xe lôi.

7SeA7irI.jpgPhóng to
Móc thùng xe vào chiếc xe đạp, bắt đầu cho một cuốc xe vất vả - Ảnh: Sơn Lâm

Cửa hàng Ba Mạnh nằm bên cầu Tầm Bót, nổi tiếng cả TP Long Xuyên không chỉ vì là vựa cung cấp vật liệu xây dựng lâu đời ở xứ này, mà còn nổi tiếng vì luôn hiện diện một dáng phụ nữ nhỏ nhắn, ngày ngày chở gạch, đá, ximăng đến khắp hang cùng ngõ hẻm bằng chiếc xe đạp lôi từ hơn mười năm nay.

Một cuốc xe lôi chở vật liệu xây dựng từ cửa hàng đến điểm xây dựng khoảng ba cây số thì được 5.000 đồng. Xa hơn nữa thì được thêm tiền, tối đa chỉ 10.000 đồng/cuốc. Dường như hơn mười năm kiếm sống bằng chiếc xe lôi, những công việc nặng nhọc đã tạc hết nét khắc khổ lên người phụ nữ hai mặt con, cả người đen cháy bởi nắng mưa này.

Sinh ra hứng trọn chữ nghèo, chị Nhung phải quần quật mưu sinh bằng tay chân từ thuở nhỏ. Đến trường vài năm, khi vừa đọc được trơn tru con chữ, chị Nhung phải nghỉ học theo cha mẹ phụ làm thuê làm mướn khắp nơi. Lấy chồng thợ hồ, chị cũng từng theo chồng đi phụ hồ khắp chốn. Rồi đến lúc sinh con, khóm Đông Thịnh này chưa có nước sạch, chị nhanh chân trở thành người gánh nước thuê khắp xóm cho đến khi hệ thống nước máy của Long Xuyên phủ đều.

Thất nghiệp, chị đánh liều qua cửa hàng Ba Mạnh ngay đầu hẻm hỏi xin... hành nghề xe lôi chở vật liệu xây dựng cho cửa hàng. “Lúc ấy thực tình thấy chạy xe lôi cũng ổn định, lại nghĩ chắc không nặng bằng gánh hai thùng nước đi hai, ba cây số... Chỉ cần đạp xe là được nên tôi xin làm” - chị Nhung kể. Vậy mà không đơn giản chút nào. Những bao ximăng, gạch, cát... phải tự chuyển lên chuyển xuống thùng chiếc xe lôi đã đành, việc nhảy lên ngồi trên chiếc xe đạp có yên cao gần tới ngực và nhấn bàn đạp cho cả khối lượng vài ba trăm ký khiến cho chị Nhung... đi không nổi mỗi tối. Phải mất bốn tháng chị Nhung mới hết ê ẩm với việc đạp xe lôi.

Công việc đạp xe lôi nặng nhọc nên nhiều thanh niên ở An Giang chịu không xiết phải bỏ nghề. Cả đội vận chuyển ở cửa hàng có năm xe lôi thì bốn người đàn ông đã bỏ xe đạp lôi chuyển sang xe ba gác máy. Vậy mà chị Nhung vẫn còn đeo được xe lôi đến giờ.

Trong căn nhà dựng bằng tôn của Nhà nước dành tặng hộ nghèo, chị Nhung nói: “Cứ đến mùa mưa người ta xây nhà ít là y như rằng nghề xe lôi ế ẩm. Từ tháng 9 đến tết, mỗi ngày kiếm được 30.000 đồng đã khó lắm rồi. Đã vậy không biết có phải do mình quá sức trong thời gian dài hay không mà giờ đau bệnh liên miên, đêm về xương cốt ê ẩm lắm”.

Nói tới hai con, chị Nhung như muốn khóc: “Còn nhỏ đã phải nghĩ đến tiền, tội nghiệp lắm mà không biết làm sao. Đứa lớn nghỉ học bán cà phê tui đã buồn lắm rồi, nhưng vì mình không nuôi nổi thì phải chịu. Đứa nhỏ tui bắt phải học cho đến cùng, chỉ sợ mình không còn đủ sức lo cho con...”.

Một năm trước, chị Nhung còn có một đồng nghiệp xe đạp lôi hiếm hoi là chị Nguyễn Thị Bưng (32 tuổi, ngụ khóm Nguyễn Du, P.Mỹ Bình, TP Long Xuyên). Hoàn cảnh chị Bưng cũng khó khăn không kém, từng chèo đò đưa khách dọc ngang sông Hậu suốt thời con gái. Khách sang sông thưa dần vì những con đò dọc gắn máy, những chuyến phà tiện lợi cho người qua sông hơn, chị Bưng mới vào cửa hàng Ba Mạnh đạp xe lôi. Được chừng bốn năm, chị Bưng phải giã từ chiếc xe lôi vì không còn sức đạp. Hiện tại chị Bưng cũng mưu sinh trong cửa hàng Ba Mạnh nhưng làm công việc nhẹ hơn: trộn vữa đúc gạch thẻ dùng để lát đường. Chị Bưng nói về công việc đạp xe lôi của chị Nhung: “Cái nghề xe lôi vắt sức khỏi nói, tui làm mấy năm mà già hơn chục tuổi”.

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên