22/04/2025 11:07 GMT+7

Người dân làng nghề làm bột gạo Sa Đéc lo lắng mất thương hiệu trăm năm

Nhiều cử tri xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp kiến nghị được nhập vào phường Sa Đéc mới nhằm giữ thương hiệu nghề làm bột gạo trăm tuổi đã được công nhận di sản quốc gia năm 2024.

nghề làm bột gạo - Ảnh 1.

Bên trong một cơ sở sản xuất bột gạo ở xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Ngày 22-4, ông N.T.T. (ngụ xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) có đơn kiến nghị đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc xem xét tiếp nhận ý kiến cử tri giữ xã Tân Phú Đông gắn với phường Sa Đéc sau sắp xếp đơn vị hành chính, vì lo lắng mất thương hiệu làng nghề làm bột gạo Sa Đéc trăm năm.

Theo đơn của ông T. nêu: "Dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp lấy ý kiến người dân về việc xã Tân Phú Đông (TP Sa Đéc) sẽ sáp nhập với xã Hòa Thành, xã Tân Dương (huyện Lai Vung) thành xã Tân Dương (mới), trung tâm hành chính đặt tại xã Hòa Thành.

Đề án dự thảo lần này khác hẳn với những phương án trước đó, xã Tân Phú Đông là xã duy nhất bị tách khỏi phường Sa Đéc (mới) sau sáp nhập khiến người dân làng bột lo lắng.

Bởi Tân Phú Đông là một xã gắn liền với Sa Đéc từ xưa tới nay, trước đó xã Tân Phú Đông bao gồm cả phường 2 hiện tại. Từ năm 1981 Tân Phú Đông được tách ra một phần để thành lập phường 2.

Đặc biệt, năm 2024 nghề làm bột gạo Sa Đéc đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cụ thể ở phường 2 và xã Tân Phú Đông".

Người dân làng nghề làm bột gạo Sa Đéc lo lắng mất thương hiệu trăm năm - Ảnh 2.

Người dân làng nghề bột gạo Sa Đéc phơi hủ tiếu bên dòng Sa Giang, địa giới tự nhiên giữa phường 2 và xã Tân Phú Đông - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Hon - chủ tịch UBND TP Sa Đéc - cho biết theo dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã dự kiến sáp nhập xã Tân Phú Đông (TP Sa Đéc) vào xã Hòa Thành và xã Tân Dương (huyện Lai Vung) thành xã Tân Dương, trụ sở đặt tại xã Hòa Thành. Kết quả lấy ý kiến cử tri về phương án này đạt 51,3%.

"Cử tri có quyền nêu quan điểm của mình, chính quyền địa phương cũng ghi nhận. Tuy nhiên kết quả lấy ý kiến đạt trên 50% thì lấy đó làm cơ sở để đóng góp cho dự thảo phương án, đồng thời báo cáo Đảng ủy UBND tỉnh", ông Hon nói.

Theo dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Đồng Tháp, TP Sa Đéc sau sắp xếp còn phường Sa Đéc (trên cơ sở sáp nhập phường 1, phường 2, phường 3, phường 4, phường An Hòa, phường Tân Quy Đông, xã Tân Khánh Đông, xã Tân Quy Tây), trụ sở đặt tại phường 1.

Riêng xã Tân Phú Đông, cùng với xã Hòa Thành, xã Tân Dương (huyện Lai Vung) sáp nhập thành xã Tân Dương, trụ sở đặt tại xã Hòa Thành.

Hơn 160 hộ sống với nghề làm bột gạo Sa Đéc

Hiện nay Sa Đéc có khoảng 160 hộ sản xuất bột với 1.000 lao động và làm ra thêm các sản phẩm sau bột như hủ tiếu, bánh canh, nui, phở, bún, bánh tằm, ống hút... Thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi nhiều quốc gia.

Ngày 21-2-2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa nghề làm bột gạo Sa Đéc (ở xã Tân Phú Đông và phường 2, TP Sa Đéc) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian.

Người dân làng nghề làm bột gạo Sa Đéc lo lắng mất thương hiệu trăm năm   - Ảnh 3.Đồng Tháp sau sắp xếp còn 45 xã, phường, có phường Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự

Đồng Tháp dự kiến còn 45 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 7 phường và 38 xã sau sắp xếp. Trong đó tên phường mới đặt theo tên ba thành phố trực thuộc tỉnh gồm Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên